Thứ Sáu, 31/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xe điện chạy nhanh hay quy chuẩn… chạy chậm?

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Vụ cháy chung cư mini làm hơn 50 người chết ở Hà Nội đã kích hoạt phản ứng phòng vệ tại nhiều nhà trọ, chung cư: cấm sạc xe điện. Phản ứng này tuy cực đoan nhưng lại thiếu cơ sở pháp lý để phân định đúng sai. Dù xe điện đã rất phổ biến nhưng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn dành cho loại xe này của Việt Nam lại đang thiếu nhiều quy định cần thiết.

Xe điện được khuyến khích phát triển trong xu thế xanh hóa nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, điểm bất cập là trong khi số lượng xe điện bán ra đang tăng nhanh thì các quy chuẩn an toàn liên quan lại chưa được ban hành đầy đủ.

Vì không có đủ quy định, quy chuẩn về xe điện và thiết bị sạc xe điện, các chủ xe không thể chứng minh họ đang dùng những thiết bị hợp chuẩn được cho phép. Ngược lại, các chủ nhà trọ cũng không biết dựa vào đâu để xác định thiết bị sạc xe điện có đạt chuẩn an toàn hay không, nên để chắc ăn thì cứ cấm sạc.

Điều này cũng dễ hiểu vì nếu không may xảy ra hỏa hoạn do sạc xe điện, họ vừa bị thiệt hại tài sản vừa phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý.

Tính đến quí 2-2023, chỉ có 5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) dành riêng cho xe điện gồm 3 quy chuẩn về xe đạp điện và 2 quy chuẩn cho xe máy điện do Bộ Giao thông Vận tải ban hành nhưng chưa bao quát hết vấn đề về an toàn của các bộ sạc của xe đạp, xe máy điện.

Một vấn đề quan trọng hơn nữa là mặc dù hiện tại xe ô tô và xe buýt điện đã được sản xuất và được phép lưu thông rộng rãi nhưng đến nay chưa có QCVN nào cho các dòng xe này.

Không chỉ QCVN, các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) liên quan đến xe điện cũng còn thiếu. Trong các TCVN quy định cho phương tiện giao thông đường bộ có 52 TCVN cho xe điện. Tuy nhiên, một số nội dung cần thiết lại chưa được TCVN hiện có đề cập đến, chưa cập nhật các thay đổi lớn của công nghệ xe điện trong thời gian gần đây.

Có thể lấy mốc thời gian xe điện bắt đầu phổ biến tại Việt Nam là cuối năm 2018 đối với xe máy điện và cuối năm 2021 đối với ô tô điện, thời điểm Công ty Vinfast bắt đầu bán đại trà xe điện ra thị trường. Tính từ lúc đó đến thời điểm hiện nay là gần tròn năm năm với xe máy điện và hai năm với xe ô tô điện, thế nhưng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến xe điện vẫn rất thiếu.

Việc xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xe điện đã được nêu ra nhiều lần từ năm 2022 đến nay giữa các bộ Công Thương, Giao Thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ. Mới đây nhất, hồi tháng 8 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đề nghị các bộ góp ý dự thảo Báo cáo hệ thống TCVN, QCVN về xe điện. Như vậy, việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn vẫn chưa qua khỏi giai đoạn trao đổi công văn, phân định trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng(*).

Thực tế phát triển của ngành sản xuất xe điện cần có các QCVN, TCVN đầy đủ và phù hợp với tiêu chuẩn trong khu vực và trên thế giới. Trong năm 2022, Tổ chức Đo lường pháp định quốc tế (OIML) đã ban hành hướng dẫn OIML G22 liên quan đến tiêu chuẩn an toàn sạc xe điện.

Là một thành viên của OIML, Việt Nam hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu xây dựng các văn bản kỹ thuật đo lường phù hợp với hướng dẫn OIML G22 thay vì bắt đầu làm từ con số 0 sẽ mất rất nhiều thời gian.

Nếu việc xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến xe điện và sạc xe điện vẫn theo tốc độ như thời gian vừa qua, có lẽ khó sớm có đầy đủ quy định cho an toàn xe điện trong khi doanh nghiệp và người dân đang rất cần.

Xe điện đã chạy quá xa trong khi quy chuẩn an toàn xe điện vẫn còn tụt lại phía sau!

——————-

(*) https://congthuong.vn/xay-dung-tcvn-qcvn-ve-tram-sac-va-xe-dien-can-trach-nhiem-cua-nhieu-bo-nganh-272004.html

4 BÌNH LUẬN

  1. Khi nhiều vụ sạc pin điện thoại bị cháy nổ thì được khuyến cáo không nên sạc điện thoại qua đêm vì dễ bị cháy nổ gây thiệt hại tính mạng và tài sản người dân. Nhưng khi vụ cháy chung cư mini xảy ra làm chết nhiều người, nghi là do sạc pin xe điện thì nhiều chuyên gia khẳng định trên vài tờ báo rằng pin xe điện không thể bị cháy nổ. Nếu người ta tin vào các chuyên gia cứ sạc xe điện qua đêm khi cháy nổ xảy ra gây thiệt hại tài sản và tính mạng thì ai chịu trách nhiệm.

    • Phải hiểu là pin của điện thoại là loại thuần lithium, có mật độ năng lượng cao và không có lớp vỏ bọc chống cháy nổ nên khi xảy ra sự cố thì sẽ nổ rất to và cháy lớn. Các vụ sạc điện thoại qua đêm hoặc vừa dùng vừa sạc dẫn tới cháy nổ đa phần là do dùng củ sạc rởm, không có thương hiệu, không rõ nguồn gốc.

      Công nghệ pin xe điện hiện nay rất đa dạng. Các loại xe sử dụng accu axít chì hay pin LFP rất khó cháy, hơn nữa đều đã được lắp mạch bảo vệ, cảm biến nhiệt độ để khi xảy ra hiện tượng quá nhiệt, quá dòng thì mạch bảo vệ sẽ ngắt sạc ngay lập tức nên sẽ an toàn hơn. So với xe xăng thì tỷ lệ xe điện bị cháy thấp hơn rất nhiều.

      Vụ cháy chung cư mini ở HN đã được cơ quan công an kết luận là do xe xăng: do chập mạch đường dây dẫn điện vào bình accu trên một chiếc xe xăng dẫn tới cháy và bắt lửa vào bảng điện.

      • Bây giờ tôi mới biết pin xe điện không phải bằng lithium, tôi đọc quảng cáo của Vinfast, các hãng xe điện nói pin bằng lithium, tôi tưởng thiệt.

  2. Mọi người nên tự tin và ủng hộ chiến lược XANH HÓA. Tôi đã xài xe điện mấy năm nay rồi. Đáng sợ nhất là hàng trôi nổi, chợ trời, của rẻ của ôi… Nếu 4 trong 1 là chuẩn (Xe chuẩn + Pin chuẩn + Thiết bị sạc chuẩn + Quy trình sạc chuẩn) thì không có gì đáng phải lo lắng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới