Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xe khách 2 tầng có đủ an toàn để chạy đường dài?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xe khách 2 tầng có đủ an toàn để chạy đường dài?

Lê Anh thực hiện

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hường

(TBKTSG Online) Vụ xe khách 2 tầng tại Khánh Hòa vướng ổ gà và bị lật hôm 13-7 khiến 13 du khách nước ngoài bị thương đã đặt ra vấn đề liệu loại xe hai tầng này có đủ an toàn để chạy trên các tuyến đường dài hay không. TBKTSG Online đã trao đổi thêm với tiến sĩ Nguyễn Hữu Hường, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông trường Đại học Bách khoa TPHCM, người đã có nhiều năm nghiên cứu về ô tô.

- TBKTSG Online: Sau khi xảy ra vụ lật xe khách 2 tầng ở Khánh Hòa, nhiều ý kiến cho rằng xe lật là do trọng tâm dồn vào tầng 2 nên xe dễ bị lật hơn so với xe 1 tầng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Hữu Hường: Hiện nay, ở Việt Nam có 2 loại ô tô khách 2 tầng. Loại thứ nhất chỉ dùng để chở khách trong thành phố (Urban bus) gọi là xe buýt 2 tầng. Loại thứ hai là ô tô khách liên tỉnh (Interurban coach) hay còn gọi là xe khách 2 tầng. Về kết cấu của khung và thùng của 2 loại xe này cũng khác nhau.

Đối với xe buýt, số chỗ ngồi ít thường mỗi bên chỉ có một hàng ghế, còn chỗ đứng nhiều, sàn thấp và chiều cao thùng lớn để khách dễ lên xuống (cả xe lăn của người khuyết tật cũng có thể lên xuống dễ dàng).

Còn xe khách 2 tầng được bố trí chỗ ngồi nhiều, do dùng để di chuyển đường dài nên kết cấu khung và thùng của xe này bền chắc hơn xe buýt vì phải chịu tải trọng động lớn do va đập khi di chuyển trên đường dài với tốc độ cao. Hơn nữa, xe khách 2 tầng thường di chuyển ở nhiều đoạn đường có độ phẳng không ổn định (ổ gà, ổ voi…) nên nhà sản xuất đã sản xuất kết cấu khung và thùng xe khách 2 tầng chắc chắn hơn nhiều so với xe buýt 2 tầng.

Nguyên nhân lật xe (cả 1 tầng và 2 tầng) là do xe mất ổn định khi ngẫu lực gây lật lớn hơn ngẫu lực chống lật. Xe lật ngang là do mất ổn định ngang như xe chạy trên đường nghiêng hay đụng ổ gà có một bên cao còn bên kia thấp hơn; xe lật dọc là do mất ổn định dọc như xe chạy lên dốc nhanh, hay chạy đổ dốc nhanh và phanh gấp.

Tất nhiên, khả năng bị lật của xe 2 tầng nhiều hơn xe 1 tầng vì trọng tâm xe 2 tầng cao hơn. Xe cũng dễ bị lật ngang khi quay vòng gấp do lực ly tâm tạo ngẫu lực gây lật, giống như xe đua phóng nhanh quay vòng gấp thì cũng bị lật. Đối với vụ lật xe 2 tầng ở Khánh Hòa, mặc dù chưa có kết luận nguyên nhân cuối cùng, nhưng có thể xảy ra các trường hợp như khi lao vào ổ gà xe mất thăng bằng gây lật, có thể do chất hàng không cân đối trên xe. Một nguyên nhân khác có thể do xe đổ dốc nhanh và tài xế phanh gấp mà mất bình tĩnh rồi đánh tay lái gấp tạo ra lực ly tâm lớn nên dẫn đến lật xe.

Như vậy, có 3 thành phần ngẫu lực gây lật xe gồm lực quán tính do phanh gấp, lực ly tâm do quay vòng xe, thành phần trọng lực do sai phương trọng lượng xe vì ổ gà tạo ra. Nếu xe khách 2 tầng được cải tạo từ xe buýt 2 tầng thì kết cấu khung và thùng xe kém bền chắc hơn so với xe khách 2 tầng chuyên dụng và chiều cao trọng tâm xe cũng lớn hơn, do đó xe càng dễ lật hơn xe khách 2 tầng chuyên dụng.

- Theo ông có nên sử dụng xe khách 2 tầng để chạy tuyến đường dài hay không?

- Nếu vì một trường hợp xe khách 2 tầng bị lật mà nói rằng xe khách 2 tầng chỉ nên sử dụng ở thành phố, không nên sử dụng chở khách đường dài là không thỏa đáng. Vì bản thân kết cấu xe khách 2 tầng và xe buýt 2 tầng đã khác nhau rồi. Trên thực tế hiện nay xe khách 2 tầng hiệu Hyundai nhập từ Hàn Quốc vẫn hoạt động tốt mà ít gặp sự cố.

- Vậy ông có những khuyến cáo gì khi sử dụng xe khách 2 tầng chạy đường dài?

- Theo tôi, để giảm khả năng lật xe khi vào cua hoặc gặp đường có nhiều ổ gà thì phải tìm cách hạ thấp trọng tâm xe hoặc vào cua với tốc độ chậm hơn quy định. Đối với xe khách 2 tầng khi chạy đường dài nên hạ trọng tâm xe thấp nhất có thể bằng cách nên để hàng nặng dưới gầm xe, hạn chế để hàng trên sàn xe và không để hàng trên tầng 2.

Khi xe đổ dốc, lái xe không nên phanh gấp mà phải quay vòng với tốc độ chậm. Còn khi leo dốc nên chạy chậm (gài số truyền thấp). Đối với những đoạn đường cua, xe khách 2 tầng nên chạy chậm hơn xe khách 1 tầng. Tuyệt đối không được sử dụng xe buýt 2 tầng ở thành phố để chở khách chạy liên tỉnh vì kết cấu khung khác nhau như tôi nói ở phần trên.

Xin cảm ơn ông !

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới