Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xin lỗi là cần, nhưng phải sửa lỗi mới đủ

Mục Đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có một chi tiết mới được nêu ra trong các kết luận thanh tra gần đây đối với các cơ quan chính quyền, đó là vi phạm “không xin lỗi người dân”. Điều này là tín hiệu tốt cho thấy yêu cầu cơ quan công quyền phải sòng phẳng trong ứng xử với người dân. Tuy nhiên, điều người dân kỳ vọng không dừng lại ở lời xin lỗi mà là những biện pháp sửa lỗi tận gốc.

Cuối tuần qua, Thanh tra TPHCM công bố kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND quận 8 và UBND quận 8 trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Trong kết luận thanh tra có chi tiết, quận 8 còn nhiều vụ việc giải quyết khiếu nại lần đầu không bảo đảm thời gian quy định mà không thực hiện thư xin lỗi theo quy định của Chủ tịch UBND TPHCM(1).

Trong tuần đầu tháng này, Thanh tra Chính phủ cũng công bố kết quả thanh tra tại Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cả hai bộ này đều bị Thanh tra Chính phủ nêu rõ vi phạm không thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi quá hạn giải quyết thủ tục hành chính.

Trong cả ba kết luận thanh tra nói trên, lỗi bị nhắc nhở là việc chậm trả lời, chậm giải quyết thủ tục cho người dân theo đúng thời hạn mà pháp luật đã có quy định chi tiết. Không chỉ yêu cầu xin lỗi mà kết luận thanh tra còn nhấn mạnh vi phạm “không nghiêm túc xin lỗi” tại Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, điều người dân và doanh nghiệp quan tâm hơn lời xin lỗi là việc sửa lỗi. Chẳng hạn, tại Bộ Y tế, trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ hồ sơ quá hạn gần 70%, một số thủ tục hành chính có hồ sơ quá hạn bình quân trên 400 ngày, tức hơn một năm. Nghiêm trọng hơn, một số hồ sơ thời gian quy định là ba ngày làm việc thì kéo dài đến bốn năm(2)!

Trong số hàng trăm hồ sơ bị “ngâm” hay gần như không được giải quyết có không ít doanh nghiệp bị tước đi cơ hội kinh doanh vì thủ tục chậm trễ. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn có thể gây thất thu ngân sách vì doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì sẽ đóng thuế. Tuy nhiên, thiệt hại lớn hơn là hình ảnh bộ máy công quyền bị méo mó trong mắt người dân khi họ bị thủ tục “hành là chính” mang đến nhiều phiền toái, tốn kém thời gian, công sức lẫn tiền bạc.

Để giải quyết tận gốc tình trạng nói theo kiểu dân gian là hồ sơ bị “ngâm giấm” này của các cơ quan công quyền cần có một cơ chế giám sát hiệu quả hơn chứ không dừng lại ở việc nghiêm túc xin lỗi. Người dân và doanh nghiệp cần có “cửa” để khiếu nại ngay khi hồ sơ thủ tục có dấu hiệu “bị ngâm, bị hành” để được xử lý sớm. Nếu chờ đến khi cơ quan thanh tra vào cuộc thì người dân đã lãnh đủ hậu quả từ việc những hồ sơ bị quá hạn giải quyết, rơi vào cảnh “được vạ thì má đã sưng”, đâu có gì bù đắp được cho quyền lợi đã bị thiệt hại của họ!

Cũng liên quan đến ứng xử công bằng là tình trạng một số cơ quan hành chính nhà nước thua kiện người dân, doanh nghiệp nhưng chây ỳ không chịu thi hành bản án đã có hiệu lực của tòa án đã kéo dài mấy chục năm qua. Theo số liệu của Quốc hội, tính đến tháng 7-2024, kết quả thi hành án hành chính chỉ đạt 38%(3). Như vậy, cứ 10 bản án thì có đến 6 cái bên bị đơn là các đơn vị nhà nước trì hoãn hay không chấp hành thực hiện, thậm chí có một số vụ kéo dài hàng chục năm, gây thiệt hại lớn cho người dân.

Vấn đề này cũng phải sớm chấm dứt vì hơn ai hết, các cơ quan chính quyền phải là nơi làm gương về tinh thần thượng tôn pháp luật. Bản án đã có giá trị pháp luật thì phải chấp hành, nếu không thực hiện thì cần có cơ chế quy trách nhiệm cá nhân để xử lý, không thể để kéo dài tùy tiện như hiện nay. Đây cũng là một khía cạnh khác trong việc nhận lỗi và nghiêm túc sửa lỗi với người dân của cơ quan công quyền, hướng đến xây dựng một nền hành chính văn minh, hiện đại.

(1) https://nld.com.vn/tp-hcm-ket-luan-thanh-tra-trach-nhiem-chu-tich-va-ubnd-quan-8-196241213162100149.htm

(2) https://tuoitre.vn/bo-y-te-ho-so-qua-han-gan-70-nhieu-khuyet-diem-trong-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-20241206200911414.htm

(3) https://daibieunhandan.vn/xu-nghiem-nguoi-khong-thi-hanh-an-hanh-chinh-post390604.html

2 BÌNH LUẬN

  1. Xin lỗi, có hai dạng: Vì văn minh, lịch sự, có thể gây khó chịu, nhưng không gây tổn thương, tổn thất/ Vì sai sót, sai lầm, có nguy cơ gây tổn thương, tổn thất trong thực tế. Cả hai dạng đều cần trong cuộc sống. Nhưng sẽ là chưa đủ nếu người xin lỗi không tự giác cảnh tỉnh, hoặc tự giác sửa sai một cách chân thành. Vấn đề quan trọng khác, người được xin lỗi có/ không chấp nhận lời xin lỗi ? Cơ chế hiện hành gần như chưa quan tâm đến thực tế này. Chế tài thiếu công khai và nghiêm túc. Quanh năm đến hẹn lại lên, cứ mãi phê bình – kiểm điểm, rồi cũng vậy thôi ? Sai sót, sai lầm cứ mãi tiếp diễn, không có hồi kết ? Cấp bách cần có một sự thay đổi đủ hiệu lực, để mỗi người trước hết phải tự cảnh tỉnh lấy mình, sau đó là có tính răn đe vật chất/ tinh thần đủ mạnh để thay đổi não trạng/ thực trạng này.

  2. Không đơn giản là thiệt hại cho người dân hay một đơn vị nào đó. Thí dụ như ngày xưa chỉ có hai công ty cung cấp việc gọi nghe đt di động giá cước rất cao, rất ít người dân có điều kiện sử dụng, việc thông tin liên lạc bị hạn chế. Sau này khi có thêm các đơn vị khác được cấp phép, thì giá cước hạ xuống, sau nữa là các ứng dụng như Zalo v.v được cấp phép thì việc thông tin liên lạc càng dễ dàng, phổ biến cho tất cả mọi người, nền kinh tế càng ngày càng phát triển dựa vào thông tin liên lạc tiến bộ. Tôi tự hỏi nếu các đơn vị thông tin này bị chậm trễ trong việc cấp phép thì nền kinh tế bị ảnh hưởng như thế nào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới