Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xoay xở giữ thị trường nội địa để vượt khó

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khoảng thời gian ba năm đầy biến động do đại dịch Covid-19 đã cho thấy khi doanh nghiệp gặp khó khăn tại thị trường xuất khẩu thì giải pháp "về sân nhà" vẫn là phương án an toàn. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện tại, khi lạm phát và khó khăn kinh tế toàn cầu tăng cao, việc giữ vững thị trường trong nước để ngăn chặn đà sụt giảm tiêu thụ cũng là một nhiệm vụ đầy gian nan đối với các nhà sản xuất.

Các số liệu thống kê gần đây cho thấy đà tăng trưởng tiêu dùng của thị trường trong nước đang bị chựng lại. Đây là tác động mang tính dây chuyền đến từ việc các nhà xuất khẩu bị sụt giảm đơn hàng, nhà sản xuất kinh doanh thiếu vốn phải thu hẹp quy mô hoạt động và cắt giảm nhân sự, người lao động mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập...

Việc siết tín dụng và lãi suất tăng cao cũng khiến nhiều người tiêu dùng dè dặt trong mua sắm và cắt giảm chi tiêu. Bước vào những tháng cuối năm, vốn được xem là mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp để phục vụ năm mới và Tết Nguyên đán, thế nhưng ghi nhận từ thực tế cho thấy không ít doanh nghiệp đang gặp khó về đầu ra thị trường và chật vật xoay xở đồng vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Thị trường bán lẻ trong nước phục hồi và tăng trưởng khiến nhiều nhà bán lẻ có kết quả tăng trường cao trong 9 tháng đầu năm nay. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Tín hiệu tích cực từ tốc độ tăng trưởng bán lẻ

Sau khoảng thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có sự phục hồi và tăng trưởng trở lại. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán lẻ ghi nhận có mức tăng trưởng cao trong ba quí đầu năm 2022 và đặt kỳ vọng bứt phá khi mùa mua sắm cuối năm đến gần.

Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí 3 đạt 2.005 tỉ đồng, tăng gần 155% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Vincom Retail ghi nhận 794 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quí 3, tăng 3.156% so với cùng kỳ năm trước và 1.944 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế sau 9 tháng, đạt hơn 80% kế hoạch cả năm, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện đại siêu thị Emart ở quận Gò Vấp cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu tại điểm kinh doanh này tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, chuỗi siêu thị WinMart mang về cho Tập đàn Masan (MSN) 2.337 tỉ đồng doanh thu trong quí vừa qua, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, chuỗi siêu thị WinMart đạt doanh thu 7.046 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước...

Ở lĩnh vực bán lẻ chuyên ngành, các doanh nghiệp cũng có báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng đầu năm nay. Cụ thể Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng với lợi nhuận sau thuế đạt 1.340 tỉ đồng. Tính chung lũy kế 9 tháng 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PNJ lần lượt đạt 25.574 tỉ đồng (tăng 104,4% so với cùng kỳ) và 1.340 tỉ đồng (tăng 132,7% so với cùng kỳ năm ngoái).

Với kết quả này, đồng nghĩa với sau 9 tháng, PNJ đã hoàn thành 99% kế hoạch doanh thu và 101,5% kế hoạch lợi nhuận đặt ra của năm 2022.

Giải thích cho kết quả tài chính trên, đại diện PNJ cho biết doanh thu của công ty chủ yếu đến từ kênh bán lẻ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu PNJ kênh bán này tăng 113,3% so với cùng kỳ nhờ vào sự tăng trưởng tốt ở các nhãn hàng và khu vực; các chương trình marketing trong quí 3 được triển khai linh hoạt phù hợp với bối cảnh thị trường và thị hiếu khách hàng…

Còn Công ty cổ phần bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) công bố doanh thu quí 3-2022 đạt 7.709 tỉ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất lũy kế đạt 21.708 tỉ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu năm 2022.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld) - nhà phân phối trong lĩnh vực công nghệ, cho biết lũy kế 10 tháng đầu năm, doanh thu đạt 19.343 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 608 tỉ, lần lượt tăng trưởng 24% và tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguy cơ từ những lực cản trên thị trường

Ghi nhận từ nhiều doanh nghiệp hàng tiêu dùng và phân phối cho thấy kết quả kinh doanh trong 10 tháng đầu năm ở mức khá tốt. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.643,6 ngàn tỉ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%). Các chuyên gia nhân định đây là kết quả khá ấn tượng trong bối thị trường các nước khó khăn do ảnh hưởng lạm phát tăng cao và kinh tế khó khăn.

Đà tăng trưởng của thị trường nội địa đang bị cản lại bởi ảnh hưởng doanh nghiệp xuất khẩu mất nhiều đơn hàng, giảm sản xuất, nhiều lao động mất việc, lãi suất tăng cao... Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Những tháng cuối năm thường là thời điểm mà nhu cầu mua sắm bùng nổ, nhất là vào các dịp Noel, Tết dương lịch và đặc biệt là Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thường đặt kỳ vọng và dồn sức bung hàng và tổ chức nhiều sự kiện khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng, kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu,... bị sụt giảm do lạm phát tăng cao và khó khăn kinh tế khiến cho nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu ở Việt Nam đã bị ảnh hưởng nhiều.

Việc bị hủy nhiều đơn hàng và cắt giảm mạnh đơn hàng của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành may mặc, da giày, đồ gỗ,... khiến hàng chục ngàn người lao động rơi vào tình trạng mất việc làm hoặc bị cắt giảm giờ làm. Đi đôi với điều này là nhiều người lao động không có thu nhập hoặc thu nhập bị sụt giảm nhiều.

Đáng chú ý, do bị mất việc làm, hàng loạt người lao động, công nhân ở các tỉnh thành phía Nam gần đây đành ngậm ngùi về quê ăn Tết sớm khi không thể tìm được việc làm mới trong tình cảnh các doanh nghiệp đều đang gặp khó vì sụt giảm đơn hàng.

Đã tham gia hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ khoảng 40 năm nay, ông Vũ Vinh Phú cho rằng những vấn đề đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa nhà máy... sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức tiêu thụ của thị trường, ngay cả dịp lễ hội.

Bởi lẽ việc cắt giảm lao động, giảm giờ làm, hoặc nghỉ việc luân phiên,… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập người lao động. Với tình hình khó khăn hiện nay, ông Phú dự báo những tháng còn lại trong năm 2022 và trong quí đầu tiên của năm 2023 sức tiêu thụ của thị trường gần 100 triệu dân trong nước khó có thể duy trì mức tăng trưởng như 10 tháng vừa qua. Chuyên gia này dự báo những tháng cuối năm tăng trưởng của thị trường bán lẻ sẽ về mức khoảng 15% so với mức hơn 20% của 10 tháng đầu năm nay.

Tương tự, đại diện một thương hiệu bán lẻ lớn ở TPHCM cũng cho rằng diễn biến hoạt động của các doanh nghiệp trong nước đang cho thấy rất khó khăn về đầu ra thị trường và xoay xở đồng vốn sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ dẫn đến "sóng ngầm" rất lớn ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Vị này dự báo mùa kinh doanh cuối năm nay khó có thể tăng trưởng như cùng kỳ năm ngoái.

Sụt giảm thu nhập cùng với tác động lạm phát đã tác động đến người tiêu dùng có thu nhập thấp lên sức mua. Ảnh minh họa: L.H

Ngoài ra, ngành bán lẻ trong nước cũng đang đối diện với không ít thách thức và rủi ro khác. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, dưới tác động của lạm phát cùng các khó khăn phát sinh do giá hàng hóa tăng cao, lãi suất, tỉ giá cùng tăng, người tiêu dùng đang có thói quen mua sắm tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu.

Nếu tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng, họ cũng sẽ cắt giảm chi tiêu đối với nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh… Xu hướng người tiêu dùng thường chú trọng vào các chương trình khuyến mãi, mua theo gói lớn để được ưu đãi về giá nhiều hơn.

Thông thường, trong hai tháng cuối năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện lễ hội mua sắm, khuyến mãi hấp dẫn như Black Friday, Giáng Sinh, năm mới hoặc Tết cổ truyền… sẽ tạo ra “làn sóng mua sắm” giúp các doanh nghiệp nhà bán lẻ tăng doanh thu cao hơn nhiều so với những tháng khác trong năm.

Do đó, giới phân tích cho rằng các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần có các biện pháp xúc tiến bán hàng thật tốt và hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng.

Theo ông Phú, bản thân các doanh nghiệp và các địa phương cần có chính sách kích cầu tiêu dùng thật tốt chẳng hạn chương trình tháng khuyến mại đang diễn ra khắp các tỉnh thành phải thật sự là hấp dẫn và quảng bá thật rầm rộ hơn nữa. Về phía cơ quan chức năng cần quản lý hoa5t động liên quan đến giá cả, chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng. Các nhà phân phối, bán hàng cần "tử tế" trong kinh doanh. Khâu điều tiết giá cả thị trường rất quan trọng, nhất là sản phẩm tại các kênh phân phối hiện đại phải thật sự mang tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu bán lẻ vẫn phải được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập của người lao động, cơ hội việc làm, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp... Do đó, theo ông Phú nhà tuyển dụng và doanh nghiệp sản xuất cần nỗ lực nhiều hơn nữa để duy trì sản xuất và cố gắng giữ chân người lao động.

Nhìn chung, các lực cản xuất hiện sẽ gây áp lực nhất định lên tiêu thụ nội địa nhưng doanh nghiệp vẫn có cơ hội để đẩy doanh số khi năm mới và Tết Nguyên đán đang đến gần. Đảm bảo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới là thách thức không nhỏ, khi các doanh nghiệp vẫn đang “gồng mình” duy trì sự ổn định trong sản xuất, kinh doanh trước những tác động của chi phí đầu vào và lãi suất tăng cao, sức mua suy giảm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới