(KTSG Online) - Trước ngày cúng ông Công ông Táo, các sản phẩm như xôi, chè, rau câu tạo hình cá chép thu hút nhiều người tìm mua. Theo đó, những hộ kinh doanh mặt hàng này tại TPHCM phải tăng năng suất làm việc, cung ứng kịp thời cho khách hàng trong ngày 23 tháng Chạp.
- Các địa phương lên kế hoạch phục vụ đi lại dịp cao điểm Tết 2024
- Bến Bình Đông rợp sắc hoa, nhộn nhịp người mua sắm Tết
Theo dân gian, cá chép là con vật giúp đưa ông Táo về trời, vì thế những lễ vật tạo hình giống cá chép thật để cúng trong ngày 23 tháng Chạp thu hút lượng lớn đơn đặt hàng.
Những ngày qua, gia đình chị Võ Thị Thu Hằng, chủ cơ sở xôi chè Bà Ba, ngụ tại quận 6, TPHCM, trở nên tất bật khi phải thực hiện hàng trăm đơn hàng xôi, chè tạo hình cá chép mà khách đã đặt trực tuyến. Chị Hằng cho biết, những mặt hàng chủ yếu để phục vụ ngày cúng ông Công ông Táo là xôi, chè hình cá chép, rau câu có chữ “Tài – Lộc”, bánh bao túi vàng, trầu cau và giấy cúng.
Gia đình chị Hằng sử dụng màu tự nhiên từ trái bí đỏ, quả gấc, củ dền… để tạo ra màu sắc sinh động cho món chè. Ngoài ra, công đoạn làm chè trôi nước tạo hình cá chép tuy không mất nhiều thời gian vì đã có khuôn sẵn, nhưng người làm phải tỉ mỉ để ép khuôn thật chặt và đều tay để món chè thành phẩm giống với cá chép thật.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày Tết ông Công ông Táo, chị Hằng đã chuẩn bị nguyên liệu bao gồm 100kg nếp, 20kg đậu xanh và những nguyên vật liệu khác để chuẩn bị làm đơn số lượng lớn kịp giao cho khách trong ngày 23 tháng Chạp.
Theo chị Hằng, khách hàng thường đặt xôi, chè theo “combo”, gồm ba phần xôi và một phần chè trôi nước. Mức giá dao động cho xôi, chè hình cá chép từ 135.000 đồng đến khoảng 1.200.000 đồng.
“Xôi và chè hình cá chép là sản phẩm hút hàng nhất, những ngày cận kề ngày Tết ông Táo tôi thường nhận hàng trăm đơn, nhân công phải tăng gấp 3 lần ngày thường để kịp giao sản phẩm”, chị Hằng nói. Ngoài các sản phẩm tạo hình từ cá chép, chị Hằng lên ý tưởng làm bánh bao hình rồng chibi để thu hút khách đặt mua trong dịp Tết này.
Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, ngoài xôi và chè thì rau câu tạo hình cá chép cũng là một trong những mặt hàng được các hộ kinh doanh gia đình đăng bán trên các trang mạng xã hội. Chị Phan Kim Như, chủ cơ sở Bếp Mẹ Su, ngụ tại thành phố Thủ Đức, kinh doanh mặt hàng rau câu hình cá chép đã được 4 năm, những ngày càng cận kề ngày cúng ông Táo, chị Như phải thức khuya để làm đơn rau câu cá chép kịp giao cho khách.
Để có thể thu hút khách hàng, mỗi năm chị Như luôn đổi mới ý tưởng tạo hình rau câu hình cá chép trong việc thay đổi màu sắc, thêm các họa tiết sống động xung quanh. Chị Như dùng màu tự nhiên từ các loại trái cây như trái chanh dây, bí đỏ, trái dành dành để tạo nên màu vàng, màu cam trên thân hình cá. Ngoài ra, trái thanh long đỏ, hoa đậu biếc hay sô cô la đen cũng là những nguyên liệu giúp việc phối màu sắc bắt mắt cho rau câu cá chép.
Trọng lượng của rau câu cá chép nặng từ 400 gram đến 800 gram, nhân bên trong là bánh flan phô mai. Chị Như cho biết, năm nay mặt hàng rau câu cá chép do chị làm ra không tăng giá mà vẫn giữ giá cũ như năm ngoái, rau câu cá chép có mức giá 105.000 đồng/con.
Khi làm rau câu tạo hình cá chép, người thợ cần có sự tỉ mỉ, khéo léo để phối màu thật hài hòa và bắt mắt giúp rau câu giống như cá chép thật.
“Xu hướng mua chè, rau câu hình cá chép có từ trước dịch Covid-19, khi mọi người hạn chế ra ngoài nhiều. Từ đó đến nay, rau câu hình cá chép trở thành lễ vật cúng ngày ông Táo thuận tiện. Ngoài ra, khi mọi người thấy cá chép thật khi mua về chưa kịp cúng thì đã chết, nên mọi người đã tìm đến các mặt hàng chè, rau câu hình cá chép”, chị Như nói.
Chị Như chủ yếu bán rau câu tạo hình cá chép cho công nhân tại khu công nghiệp tại thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, chị còn giao số lượng lớn món chè trôi nước hình cá chép cho người Việt Nam đang sống ở Campuchia.