Thứ Tư, 23/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Xóm “nổi”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xóm “nổi”

Hồ Hùng

Một căn nhà "nổi" ở xóm ghe Đông Thịnh I. Ảnh: Hồ Hùng.

(TBKTSG) - Nằm cách trung tâm thành phố Long Xuyên (An Giang) chỉ chừng vài trăm mét, nhưng cuộc sống của xóm ghe Đông Thịnh I (thuộc phường Mỹ Phước) không có dáng vẻ nào của những của cư dân đô thị. Suốt ngày, mũi hít hơi sông, đầu phơi hứng nắng, cuộc sống của họ cứ lênh đênh theo từng cơn sóng dập dìu trên con sông Hậu.

Khi sông là nền nhà

Hồi đám cưới đứa con trai lớn hai năm trước, ông Trương Văn Thiêm chơi sang thuê hẳn một chiếc phà ở bến Ô Môi gần đó. Cứ 700.000 đồng/ngày, ông Thiêm dọn hơn 10 bàn ăn trên chiếc phà, khách đến dự đám cưới tha hồ “lênh đênh”, ăn uống no say.

“Sang gì mà sang. Ai cũng vậy. Chứ ghe là nhà, lấy đâu chỗ làm nơi đãi khách khi có đám tiệc? Đám cưới thì vậy, đám tang cũng thế. Cứ thuê 1-2 chiếc phà là vô tư!”, ông nói. Sự thật là vậy! Dân xóm ghe này không có “cục đất chọi chim”. Sống trên ghe, chết thì an táng nhờ tại mấy nghĩa trang từ thiện gần đó. Cũng xong một kiếp người.

Với 398 “hộ”, thì cũng có chừng ấy chiếc ghe, gánh vác hơn 1.730 người sống và sinh hoạt hàng ngày. Ăn trên ghe, ngủ trên ghe, tắm giặt cũng trên ghe...

Buổi sáng, dân xóm ghe nếu muốn làm cữ cà phê thì cứ đến quán ông Dũng. Còn muốn điểm tâm với món hủ tíu xương thơm lừng thì cứ lấy xuồng bơi đến ghe ông Út. Còn lười? Cứ nằm khểnh trên ghe, chờ mấy chiếc xuồng bán hàng di động bơi ngang, muốn gì cũng có. Buổi trưa, không tiện nấu cơm thì cứ chờ xuồng bà Tám, có ngay dĩa cơm còn nóng hổi... Còn muốn mua mì gói, dầu ăn... cứ bơi đến tiệm tạp hóa “nổi” của Út Đẹt... tha hồ lựa chọn.

“Ở trên ghe mà mỗi ly cà phê giá chỉ có 3.000 đồng, thậm chí giao tới “nhà”. Muốn bán mắc cũng đâu được, cạnh tranh dữ lắm. Riêng xóm này có tới 6-7 chiếc ghe bán cà phê như tui”, anh Lư Văn Dũng, chủ quán cà phê “nổi” cho biết.

Khoảng 9 giờ sáng, đi dạo quanh xóm ghe, thỉnh thoảng vẫn gặp những chiếc ghe hàng, chất đầy rau cải, thịt heo, cá... và ai kêu đâu ghé đó. Bởi vậy, ông Thiêm nói, có khi cả tháng chẳng cần lên bờ, mà ngày nào trên ghe cũng có được bữa cơm tươm tất.

Xóm ghe nằm dọc bên sông Hậu. Ghe xếp dãy đậu thành hàng, cặp theo cồn Mỹ Phước. Mỗi ghe mỗi kiểu. Có chiếc diện tích tàm tạm thì dành hẳn phía mũi và lái ghe làm không gian sinh hoạt chung như ngồi hóng mát, ăn uống, rồi trồng cả cây kiểng, hoa lan... treo lủng lẳng hai bên. Một vài chiếc đậu sát bờ, còn nuôi cả ngỗng, vịt để mỗi ngày thả chúng lên bãi cỏ ven sông kiếm ăn. Có ghe thì nhỏ lụp xụp, chỉ che tạm miếng ni lon sau lái ghe để bắc bếp nấu cơm. Lại có người, chắc rằng nhớ “đất”, cất hẳn căn nhà gỗ như trên đất liền, chỉ có điều bên dưới là dàn nền gỗ, nổi lên mặt sông nhờ những chiếc phao làm bằng thùng phuy to đùng...

Trước đây, ông Thiêm sống ở huyện An Biên (Kiên Giang). Nhà nghèo, phải đi làm thuê làm mướn, rồi sang tận Campuchia, cưới vợ luôn bên đó. Năm 1993, hai vợ chồng ông về lại Việt Nam, nhưng tiền vốn gom góp chẳng bao nhiêu. Thế là về Long Xuyên này, mua chiếc ghe nhỏ hơn 5 triệu đồng, gia nhập xóm ghe. Còn ông Ba Hận, anh Bùi Văn Điệp... mỗi người một cảnh, nhưng cái chung là gia đình nghèo, không có đất nên buộc phải chấp nhận kiếp sống lênh đênh. Và xóm ghe này hình thành từ khoảng những năm 1980, xôm tụ dần cho đến ngày nay. Trước đây, xóm ghe neo ở phường Mỹ Bình phía trên, nhưng chính quyền sau buộc phải di dời vì không chấp nhận việc tồn tại một khu “ổ chuột” trên đoạn sông ngay trung tâm thành phố.

Cứ mỗi sáng, vợ ở nhà giữ ghe, ông Thiêm và hai đứa con trai đi theo ghe lớn của người anh lên Châu Đốc, Tân Châu... mua cá về bán lại, đắp đổi qua ngày. Vậy mà gom góp mấy năm nay, ông cũng có dư tậu hẳn cả chiếc Honda Wave, dựng hiên ngang trước mũi ghe. “Cũng hơi bất tiện là mỗi lần lên bờ, phải đi đò hết 3.000 đồng/lượt, thêm chiếc xe 5.000 đồng. Nhưng kệ, có cái để mỗi khi lên bờ, đi tới đi lui”, ông cười vui.

Nhưng đâu phải ai cũng được dư dả như ông Thiêm. Bởi phần đông cư dân xóm ghe này đều là dân làm thuê làm mướn. Một số ít thì lấy xuồng đi mua bán nhỏ, mưu sinh... Cái chung của họ là một chữ “nghèo”.

Xóm “liều”

Cũng vui, cũng cười hể hả mỗi ngày, nhưng anh Bùi Văn Điệp thú thật: “Đã quá chán kiếp sống lênh đênh trên ghe lắm rồi”. Anh nói, cứ mỗi lần trời nổi cơn giông bão, anh cứ ngồi ôm con, nước mắt rưng rưng, bụng cứ muốn lội riết lên bờ dù chẳng biết đâu là nơi mà gia đình anh sẽ dung thân. Anh sợ cũng phải. Bởi cũng một cơn mưa giông hồi năm rồi, đã kéo ụp chiếc ghe cũ kỹ của anh xuống lòng sông trong đêm tăm tối. May mà anh còn ôm con lội được lên bờ, rồi vợ anh cũng lần mò lên được. Sau đêm đó, anh trắng tay! Chiếc ghe cũ kỹ mà gia đình anh cư ngụ bấy lâu, chỉ mò lên được vài tấm ván. Vậy là ngày ngày, anh ôm con đi xin từng nhúm gạo về sống qua cơn thắt ngặt.

Bây giờ, vay mượn mỗi nơi một ít, anh Điệp cũng đã có chiếc ghe mới trị giá hơn mười triệu đồng. Ngày ngày, vợ chồng đi làm thuê kiếm tiền trả nợ. Nhưng nợ thì vẫn còn đó, và nỗi ám ảnh về những cơn mưa giông vẫn còn đó. Trên sông Hậu, con nước ròng, nước lớn vẫn đều đặn mỗi ngày, và cuộc sống của anh cũng là một điệp khúc buồn như vậy...

Ông Mai Văn Ly, cũng kể rằng, chiếc đò của ông cũng kiêm luôn nhiệm vụ cứu hộ cho xóm ghe vào những tháng mưa giông, nước nổi. “Mùa nước năm nào cũng vậy, cũng có ghe chìm, con nít chết”, ông nói mà mắt cứ nhìn dòng nước ngầu đục, dòng nước đã dung dưỡng xóm ghe này, nhưng cũng là kẻ thù bất cứ lúc nào. Nói thì nói vậy, sợ thì sợ đó, nhưng từ năm 1977 đến nay, ông vẫn phải sống trên ghe. Không chỉ có ông, bao thế hệ của gia đình ông cũng tảo tần trên sông nước. Đứa cháu gọi ông bằng cố cũng vừa chào đời trên ghe.

“Đến nay là ba “xác” ghe rồi, cũng chưa lên bờ được”, ông ngậm ngùi. Giờ 80 tuổi, nhưng ông phải cặm cụi chạy đò kiếm sống hàng ngày. Hồi trước, cả xóm chỉ có vài chiếc đò, già như ông cũng có thể kiếm 40.000-50.000 đồng/ngày. Còn giờ, cả cái nghề này cũng bị cạnh tranh ráo riết, cả xóm có hơn trăm người làm nghề như ông. “May thì khoảng hai ngày mới kiếm được một chuyến đò, được chừng 50.000-60.000 đồng”, ông nói.

Ông Thiêm cũng phân bua rằng, lấy đâu một lúc cả trăm triệu đồng để lên bờ, mua đất cất nhà, dù biết sống trên ghe là thua thiệt trăm bề. Con cháu đi học, phải lội sông, đi đò hàng ngày, vừa tốn tiền, vừa nguy hiểm. Điện thì hồi năm rồi mới được cho câu đuôi xài, cũng tạm tạm được. Còn nước sinh hoạt, đành cứ lấy sông làm “nhà máy nước”, dù biết ô nhiễm không lường...

Chủ tịch UBND phường Mỹ Phước, ông Châu Nhựt Văn, nói rằng muốn đưa các hộ ghe lên bờ, cần ít nhất 400 nền nhà, rồi phải tính chuyện chuyển đổi nghề. Bởi dù sao đi nữa, xóm ghe dù nghèo, nhưng chính nó cũng lại gần “môi trường” làm việc, kiếm sống của phần lớn cư dân. Đây là điều không đơn giản!“

Cái nghèo đã níu chúng tôi lại, bấu víu mưu sinh trên dòng sông này”, anh Dũng nói. Cứ chiều chiều, cư dân xóm ghe lại nhìn đau đáu lên bờ, nhìn cả những căn nhà lụp xụp mái tôn, vách gỗ trên kia mà đã buông lòng mơ ước. Bao giờ lên bờ? Anh Dũng và nhiều cư dân xóm ghe nữa chỉ biết lắc đầu, không nói. Còn ông Thiêm chỉ nói rằng, trong mười năm nay, xóm ghe chỉ ngày một đông dần vì con cái lập gia đình, “ra riêng”, chứ số hộ rời ghe thì chẳng thấy bao nhiêu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới