Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Xù” giao cà phê khiến thị trường trầm lắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Xù” giao cà phê khiến thị trường trầm lắng

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Một tin nổi cộm trên thị trường cà phê thế giới được Reuters loan đi trong tuần là Chủ tịch Hiệp hội các hãng Kinh doanh Cà phê Thụy Sỹ, trung tâm kinh doanh cà phê của thế giới hiện nay, nói sẽ làm việc với ngành cà phê Việt Nam để giải quyết chuyện xù không giao hàng hay cố tình giao trễ, cả các hợp đồng có giá trước và các hợp đồng chưa chốt giá (hợp đồng trừ lùi).

“Xù” giao cà phê khiến thị trường trầm lắng
Giá cà phê robusta trên thị trường kỳ hạn do tác giả tổng hợp

“Xù” 70.000 tấn cà phê

Ước lượng riêng niên vụ này, lượng cà phê bội tín với khách hàng nước ngoài chừng 70.000 tấn, chủ yếu của khách hàng Thụy Sỹ, gấp đôi niên vụ trước.

Chính vì thế, khách hàng mua đã ngập ngừng không dám mua số lượng lớn cà phê Việt Nam ngay từ đầu vụ như những năm trước vì sợ bị bội tín tiếp khi giá bất lợi cho các hợp đồng đã ký.

Nếu như trước đây, các thông tin kiểu ấy sẽ giúp giá TTKH tăng vì các hãng kinh doanh bấy giờ chưa kịp chuẩn bị tinh thần, xông ra mua ngoài với bất kỳ giá nào để giao hàng cho người mua cuối cùng của họ. Thì hiện nay, ngay từ đầu vụ, thông tin này đã gây điều “chẳng lành” cho ngành cà phê nước nhà và sẽ tạo bất lợi rất nhiều cho giá cà phê, đặc biệt giá mua bán hàng ngày giữa bên mua và bên bán vì họ sẽ cấu tạo giá để phòng rủi ro xù hàng.

Việc khách hàng giảm mua vì sợ rủi ro có thể là điều tốt cho ý định giữ hàng 300.000 tấn (tạm trữ) do Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) đưa ra. Khi các nhà xuất khẩu thiếu tín dụng, thiếu khách hàng, họ không thể bán ồ ạt, tranh mua tranh bán như trước đây gây bất lợi cho giá nội địa.

Như thế, nông dân chính là là người quyết định lượng bán ra của mình. Vấn đề là nông dân phải được cung cấp thông tin như thế nào để lượng định và tự điều phối tránh tạo cơ hội cho bên mua nước ngoài tạo các sức ép bán ra để gìm giá, đặc biệt là giá mua bán giao dịch hàng ngày thông qua giá chênh lệch (trừ lùi) với Liffe. 

Giá cà phê robusta teo tóp dần

Giá cà phê robusta tuần này cứ bị bào mòn dần, trên cả thị trường nội địa lẫn thị trường kỳ hạn (xin xem biểu đồ). Tại các tỉnh Tây Nguyên, theo một số thông tin loan đi trên các trang mạng tư nhân, giá cà phê nhân xô mất mốc 50.000 đồng ngay trong những ngày đầu tuần để rồi đứng tại mức chung quanh 48.500 đồng cuối tuần.

Song, nhiều người than rằng giá chào mua thực vẫn ở mức thấp hơn nhiều, thường phải dưới cả 1.000 đến 1.500 đồng/kg so với giá tham khảo được loan báo.

Nhu cầu mua cho giao ngay trong tháng 9/2011 hầu như không còn trong khi đó hàng mua giao sau trong các tháng 11 và 12 trở đi đang còn rất dè dặt, do giá bán chênh lệch so với thị trường kỳ hạn (TTKH) Liffe thấp thấy rõ, chung quanh mức trừ lùi 90 đô la/tấn cơ sở giao dịch tháng 1 hay 3/2012. Tuy nhiên, phải nói rằng, với mức giá tham khảo hiện nay, giá nội địa vẫn còn cao hơn hay bằng giá đóng cửa TTKH.

Hôm qua, ngày cuối tuần, trong khi các nhà xuất khẩu nước ta nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 nên rất ít chốt giá bán trên TTKH, giá cơ sở tháng 11/2011 đóng cửa của Liffe vẫn sụp mạnh, giảm 50 đô la/tấn chi còn 2.275 đô la/tấn. Tại TTKH arabica Ice New York cơ sở giao dịch tháng 12/2011, giá cũng giảm 1,70 cts/lb tức chừng 37 đô la/tấn chốt tại mức 288,05 cts/lb, chấm dứt chuỗi 17 ngày có giá tăng liên tục trên TTKH arabica Ice.

Giá tăng liên tục trên Ice trong khi Liffe giảm dần đã tạo nên hố ngăn cách giá giữa 2 TTKH ở mức xa kỷ lục. Giá cách biệt giữa 2 TTKH tính đến sáng hôm nay đã trên 4.100 đô la/tấn, tức giá robusta Liffe chỉ còn chừng 1/3 giá trị so với giá arabica Ice. Trong điều kiện bình thường, mức cách biệt này là 2/3.

Khoàng cách giá giữa 2 thị trường kỳ hạn arabica ở Mỹ và robusta ở Anh do tác giả tổng hợp

Giá nghịch chiều trên 2 TTKH được các nhà phân tích giải thích rằng giá tăng trên Ice do tồn kho arabica được xác nhận chất lượng của Ice giảm, đến sáng hôm nay 3/9 chỉ ở mức 1.467.801 bao (bao 60 kg). Trong khi báo cáo tồn kho tổng lượng hàng cà phê nhân tại nội bộ nước Mỹ do Hiệp hội Cà phê nhân (Green Coffee Association-GCA) của Mỹ phát hành hàng tháng mới đây cho biết lượng tồn kho tính đến cuối tháng 7/2011 là 4.811.817 bao, tăng 252.022 bao so với báo cáo tháng 6/2011.

Trong khi đó, giá Liffe giảm do tồn kho robusta, tuy có giảm, nhưng mức độ giảm vẫn chưa lớn đủ để giúp giá tăng. Ngược lại, các con số có được từ các báo cáo tồn kho chính thức không ủng hộ cho giá Liffe. Báo cáo tồn kho (ECS) hàng mới nhất của Liên đoàn Cà phê châu Âu nói rằng lượng tồn kho tháng 6/2011 tại châu Âu tăng 776.982 bao (46.619 tấn) so với báo cáo tháng 5/2011, đạt mức 13.519.317  bao .

Trong lượng tồn kho của ECS, có cả con số tồn kho của hàng robusta đã đạt giấy chứng nhận Liffe, đến nay ở mức 398.090 tấn từ mức kỷ lục 417.420 tấn, tuy qua 3 lần có báo cáo giảm nhưng cũng chưa đến 20.000 tấn.

Chính vì thế, cách đây một tuần, Tổng giám đốc Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) Jose Satte nói rằng ông lo ngại cho giá cà phê robusta vì tồn kho lớn, bất lợi; ngược lại giá arabica có vẻ thuận lợi hơn do hàng arabica loại tốt đang rất thiếu. Giá trên 2 TTKH trong tuần này ít ra phản ánh đúng hoàn cảnh của 2 loại hàng và 2 TTKH như vị quan chức ICO đã phát biểu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới