Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xuất khẩu nông sản từ góc nhìn giữ ổn định thị trường Trung Quốc

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản là điều cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn nông dân đều nỗ lực đạt được. Trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn vào quí 2-2023 cùng những dự báo tác động đến nền kinh tế Việt Nam, chủ yếu qua việc góp phần giảm thâm hụt thương mại, tăng nguồn cầu về hàng hóa và dịch vụ, ngành nông nghiệp càng chú trọng việc giữ được sự bền vững ở thị trường truyền thống này. Muốn vậy, việc chuẩn hoá sản phẩm, chủ động thông tin thị trường cần được đặc biệt quan tâm...

Phải giữ cho được thị trường Trung Quốc. Ảnh: Trung Chánh

Tại diễn đàn trực tuyến “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam- Trung Quốc” diễn ra vào tuần rồi, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam và Trung Quốc luôn xác định là đối tác thương mại lớn của nhau, trong đó, hai bên đã có nhiều chương trình thúc đẩy quan hệ hợp tác.

Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại từ ngày 8-1-2023, các doanh nghiệp cũng đã kết nối lại ngay để xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản giữa hai nước. “Đến thời điểm này, cửa khẩu ở Lào Cai có trên 500 xe hàng hoá xuất, nhập khẩu qua lại mỗi ngày và ở tỉnh Lạng Sơn là trên 800 xe mỗi ngày", ông nói.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm ngoái dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn đạt 14,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,7% so với năm 2021. Đây là con số ấn tượng cho thấy tầm quan trọng rất lớn của thị trường Trung Quốc đối với hàng hoá nông sản Việt Nam.

Trung Quốc - thị trường quan trọng không thể thiếu

Liên quan câu chuyện nêu trên, ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi của Bộ Công Thương cho rằng, việc đa dạng hoá, tìm kiếm thị trường mới cho tiêu thụ nông sản của Việt Nam là cần thiết. “Tuy nhiên, quan trọng hơn là phải đảm bảo giữ được thị trường truyền thống (Trung Quốc), tức xuất khẩu nông sản Việt Nam sang đây phải được duy trì một cách ổn định, bền vững”, ông nhấn mạnh.

“Vì sao phải như vậy?”, ông Sơn đặt câu hỏi và dẫn chứng, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ 90% lượng vải thiều xuất khẩu của Việt Nam; 80% lượng xuất khẩu thanh long; hơn 91% mì và sản phẩm từ mì; chiếm hơn 70% sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam…

Với thị trường có ý nghĩa rất lớn trong tiêu thụ sản phẩm nông sản của Việt Nam, cho nên, theo ông Sơn, cần phải tiếp tục khai thác và nâng lên một cách bền vững hay nói cách khác bên cạnh mở cửa, tìm kiếm thị trường mới, thì phải giữ được thị trường truyền thống trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, ông Lê Thanh Hoà, Phó cục trưởng Cục chế biến chất lượng và phát triển thị trường nông sản cho biết, dư địa để Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc còn rất lớn, bởi mỗi năm quốc gia này nhập khẩu lên đến 260 tỉ đô la Mỹ hàng nông sản thực phẩm từ các nước, trong khi con số Việt Nam bán sang đây chỉ khoảng 5%. “Như vậy, trong thời gian gian tới, chúng ta vẫn còn cơ hội và rất nhiều việc phải làm”, ông nói.

Theo đó, nhóm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có thể chú trọng để khai thác tốt hơn ở thị trường Trung Quốc, bao gồm thuỷ sản, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, mì và sản phẩm từ mì, rau quả. “Trung Quốc có tác động rất lớn đến năng lực xuất khẩu của những ngành hàng này”, ông Hoà nói và gợi ý, nếu khai thác tốt trong thời gian tới, đặc biệt là ở khu vực tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), thì kết quả đạt được sẽ còn tốt hơn nhiều.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam dẫn chứng, sau khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn ở Thượng Hải, Bắc Kinh sang làm việc với đơn vị này để hợp tác nhập khẩu rau quả của Việt Nam. “Chúng tôi cũng có hội nghị lớn với các đơn vị ở tỉnh Hải Nam nhằm kết nối với Hiệp hội để xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc”, ông thông tin và cho rằng, cơ hội đề bán nông sản sang thị trường tỉ dân này là rất lớn.

Trong khi đó, theo bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch lâm thời Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc, trong chuyến trở về Việt Nam vào tuần rồi, đơn vị này đã mang về một đơn hàng 150.000 tấn sầu riêng cho Việt Nam, trong đó, đơn nhỏ nhất là 10.000 tấn và lớn nhất là 60.000 tấn.

Rõ ràng, với con số 14,2 tỉ đô la Mỹ hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam được bán sang Trung Quốc trong tổng số 53 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu vào năm ngoái cho thấy đây là thị trường rất quan trọng cần phải có chiến lược khai thác bên vững, bên cạnh mở cửa thêm thị trường mới.

Chuẩn bị gì cho "cuộc chơi" tiếp theo?

Bà Trà My cho rằng, trước đây Việt Nam xem Trung Quốc là thị trường dễ tính, nhưng đó là quan niệm sai lầm. Bởi, những doanh nghiệp có thâm niên hàng chục năm hoạt động ở thị trường này đều biết đây là thị trường khó tính không khác gì Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ, Nhật Bản…

Chính vì vậy, bà Trà My khuyến cáo, khi doanh nghiệp nhận đơn hàng từ thị trường tỉ dân này cần phải tuân thủ tốt các quy định để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, thay vì cố “nhồi nhét” thêm sản phẩm không đạt tiêu chuẩn nhằm hưởng lợi.

“Ví dụ, khi sầu riêng đang hút hàng ở Trung Quốc trong khi số lượng hạn chế, thì trưa ngày 9-2 vừa qua, khi chúng tôi đi khảo sát các vựa và cơ sở đóng gói ở tỉnh Tiền Giang đã phát hiện hàng không đạt chất lượng (không đủ số lượng múi, bị sâu, rệp…- PV), nhưng vẫn bị “nhồi nhét” vào container”, bà Trà My dẫn chứng và cho rằng, với những container hàng như vậy mức độ rủi ro bị trả hàng là rất cao.

Vị chủ tịch lâm thời Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc cũng cảnh báo không nên “cho mượn” mã số vùng trồng vì việc này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hàng nông sản của Việt Nam trong trường hợp có rủi ro xuất hiện. “Ngoài ra, thay vì bán qua các vựa, thì nên học cách và khai thác tốt hơn việc bán tận nơi (bán giá FOB hoặc giá CIF)’, bà khuyến cáo và cho rằng, cần đẩy mạnh phương thức mua bán bằng đường biển thay vì tập trung quá nhiều vào đường bộ như hiện nay.

Một vấn đề khác được bà Trà My lưu ý, đó là cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Bởi, như trường hợp của Mỹ, các dòng sản phẩm trái cây có thương hiệu bán sang Trung Quốc có giá cao hơn rất nhiều. “Trái cây của Việt Nam có chất lượng cũng ngon không kém, thì bây giờ có thể nghiên cứu tạo dựng thương hiệu cho nông sản của mình, có thể bắt đầu từ trái sầu riêng”, bà gợi ý.

Ông Hoà của Cục chế biến chất lượng và phát triển thị trường nông sản cho rằng, xét tổng thể, Trung Quốc là thị trường lớn, nhưng trong những năm qua, liên tục có những cải cách hệ thống an toàn thực phẩm để đảm bảo mặt hàng nông sản được an toàn khi đến tay người tiêu dùng. “Thời gian qua, Trung Quốc cũng đã đưa rất nhiều quy định như: lệnh 248, 249 để giám sát, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm đối với các nguồn thực phẩm nhập khẩu, trong đó có Việt Nam”, ông dẫn chứng.

Chính vì vậy, yêu cầu trong thời gian tới, đó là cần tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ, bao gồm cả vấn đề cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói…

Đứng ở góc độ địa phương, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho rằng, để đáp ứng các yêu cầu nhằm khai thác hiệu quả và bền vững thị trường Trung Quốc, thì việc chuẩn hoá vùng nguyên liệu là nhiệm vụ trọng tâm được đơn vị này tập trung triển khai.

“Đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ cho 111 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để thực hiện các chứng nhận GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), trong đó, chủ lực là thanh long”, bà dẫn chứng và cho rằng, hiện Long An cũng đã cấp được 265 mã số vùng trồng cho các loại cây trồng và 140 mã số cơ sở đóng gói.

Tuy nhiên, theo bà Khanh, để chủ động chỉ đạo sản xuất theo thị trường, thì công tác dự báo, thông tin cần kịp thời, đầy đủ hơn nữa trong thời gian tới. “Khi phía thị trường nhập khẩu có yêu cầu hoặc thay đổi gì, thì phải có thông tin nhanh chóng để địa phương chủ động chỉ đạo sản xuất”, bà cho biết.

Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai thì khuyến cáo, điều kiện hạ tầng bến bãi của địa phương đã được tăng thêm để phục vụ cho xuất khẩu đảm bảo thông suốt. “Tuy nhiên, đối với các mặt hàng nông sản, thì theo quy định của Bộ Tài Chính, các doanh nghiệp nên làm thủ tục thông quan trước để việc xuất khẩu diễn ra nhanh nhất”, ông đề xuất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới