Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xung quanh việc cấm chiếu phim Dưới vòm trời tại TQ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Xung quanh việc cấm chiếu phim Dưới vòm trời tại TQ

Phúc Minh

Xung quanh việc cấm chiếu phim Dưới vòm trời tại TQ
Tác giả Sài Tịnh và hình ảnh trong bộ phim tài liệu Dưới vòm trời. Ảnh cắt từ phim

(TBKTSG Online) – Chính thức công bố ngày 28-2, bộ phim tài liệu Dưới vòm trời (Under the Dome) của cựu phóng viên về môi trường Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) Sài Tịnh, 39 tuổi, đã làm dậy sóng dư luận tuần qua và bị rút khỏi tất cả trang mạng lớn của Trung Quốc. 

Bộ phim dài 104 phút, đề cập đến vấn đề ô nhiễm không khí tại Trung Quốc, đã trở thành hiện tượng đáng chú ý khi thu hút hơn 200 triệu lượt người xem trực tuyến chỉ trong một tuần sau khi công bố – kỷ lục chưa có tiền lệ tại Trung Quốc.

Bộ phim được dẫn nhập qua những lát cắt được đẩy nhanh nhịp độ theo bước chân Sài Tịnh đi khắp Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới để tìm câu trả lời cho ba câu hỏi: Khói mù là gì? Chúng đến từ đâu? Và làm sao để giải quyết vấn đề này?

Sự xuất hiện của bộ phim đã đánh trúng tâm lý của khán giả do mức độ ô nhiễm không khí tồi tệ kéo dài nhiều năm khiến phần lớn Trung Quốc rơi vào tình trạng ngột ngạt. Nhiều cư dân mạng đã so sánh bộ phim này với An Inconvenient Truth (Sự thật phũ phàng) – bộ phim tài liệu đạt giải Oscar nói về nỗ lực của Phó tổng thống Mỹ Al Gore trong việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nhưng sau đó, những nhận định trái chiều xung quanh bộ phim dường như đã khiến hệ thống kiểm duyệt dày dạn của Trung Quốc phải ra tay. Đến tối ngày 1-3, dù bộ phim vẫn được phát trực tuyến, nhưng tất cả các bình luận liên quan đều bị gỡ bỏ khỏi các trang tin tức. Bài trả lời phỏng vấn của Sài Tịnh về bộ phim này trên Nhân dân nhật báo – cơ quan của đảng Cộng sản Trung Quốc – cũng bị gỡ bỏ.

Ngày 2-3, nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu các hãng tin tức ngừng quảng bá bộ phim. Sang ngày 3-3, lệnh cấm chính thức được ban hành. Theo đó, bộ phim Dưới vòm trời bị gỡ khỏi tất cả các trang web Trung Quốc có lưu lượng truy cập cao vào ngày 6-3. Tuy nhiên, bộ phim có phụ đề Anh ngữ vẫn còn lưu hành trên trang Youtube.com bên ngoài Trung Quốc.

Tại buổi họp báo ngày 7-3, phóng viên CNN cho biết tân Bộ trưởng Môi trường Trung Quốc Trần Cát Lâm đã phớt lờ nhiều cánh tay phóng viên quốc tế giơ lên muốn hỏi về sự việc. Trước đó, bộ phim từng nhận được nhiều lời khen từ tân Bộ trưởng Môi trường và được các hãng truyền thông trong nước quảng bá. Ông Trần đánh giá bộ phim của Sài Tịnh có ý nghĩa xã hội ngang ngửa với cuốn sách "Silent Spring" (Mùa xuân yên lặng) của Rachel Carson – cuốn sách lên án sự lạm dụng thuốc trừ sâu trong canh tác nông nghiệp, dẫn tới sự thay đổi tận gốc chính sách về môi trường của Mỹ từ năm 1962.

Tuy nhiên, bộ phim của Sài Tịnh lại khuấy động một cuộc tranh luận quan trọng tại một nước mà chính quyền kiểm duyệt chặt chẽ các dữ liệu về tình trạng ô nhiễm.

Đánh trúng nỗi nhức nhối

Sài Tịnh quyết định làm phim vào tháng 10-2013, sau khi bác sĩ chẩn đoán con gái của cô có khối u trong ổ bụng trước khi bé chào đời. Biết rõ bệnh tình của thai nhi, Sài quyết định nghỉ việc để có thời gian chăm sóc và chạy chữa cho con khi ra đời. Trong một năm nghỉ việc, Sài đã hoàn tất bộ phim tài liệu này.

“Trước đây, tôi không hề sợ sự ô nhiễm môi trường và chẳng bao giờ đeo khẩu trang. Nhưng giờ đây, những gì mà con gái tôi hít thở, ăn uống đều là trách nhiệm của tôi và tôi cảm thấy sợ hãi với sự ô nhiễm môi trường. Khi tôi nghe nhịp tim của thai nhi, tôi chẳng mong ước gì hơn là cháu được lành lặn, khỏe mạnh” – Sài Tịnh cho biết. 

Sau khi nghỉ việc, Sài Tịnh đã tự bỏ tiền đầu tư (159.000 đô la Mỹ) thực hiện bộ phim. Câu chuyện được khai thác theo lối tự sự của một bà mẹ lo lắng cho sức khỏe của con, tham gia vào cuộc chiến chống lại khói mù. Trong một năm, cô một mình tìm phỏng vấn người dân tại các nơi bị ô nhiễm, giới chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, bảo vệ môi trường và nhiều người trong các lĩnh vực khác tại Trung Quốc và nước ngoài. Các nhà sản xuất tại CCTV đã hỗ trợ cô làm hậu kỳ cho phim.

Lần theo những nguyên nhân chính sinh ra các chất ô nhiễm nhỏ và nguy hiểm tại Trung Quốc đến việc sử dụng và khai thác năng lượng kém hiệu quả, chủ yếu là việc sử dụng than đá trong các nhà máy điện, nhà máy thép khắp Trung Quốc, Sài Tịnh nhìn thấy giải pháp trong việc bãi bỏ những lợi ích cố hữu của những người hoạt động trong ngành năng lượng quốc gia. Cô cũng kêu gọi người dân giảm thiểu việc phụ thuộc vào xe ô tô, đồng thời chủ động hơn trong việc tố cáo những tập đoàn, công ty gây ô nhiễm.

Bộ phim có cả những cuộc phỏng vấn các quan chức tại London (Anh) và Los Angeles (Mỹ), hai thành phố từng bị ô nhiễm nặng, trong đó họ nói đã tìm cách giải quyết tình trạng ô nhiễm như thế nào.

Sau khi phim đã được tải lên nhiều trang web nội địa cuối tuần qua, những người nổi tiếng và khán giả bình thường bày tỏ vô cùng khâm phục cô, một số người cho biết họ đã không cầm được nước mắt khi xem bộ phim. Người ta ca ngợi sự dũng cảm của Sài khi cô dám đề cập đến vấn đề nhạy cảm và giúp công chúng trên diện rộng nhận thức được vấn đề.

Bên cạnh đó, dù bộ phim không đề cập tới chính sách môi trường của chính phủ Trung Quốc nhưng trên mạng đã có nhiều chỉ trích của người xem về sự thất bại của chính phủ khi không có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm một cách kịp thời và hiệu quả.

Hiện, nhiều thành phố tại Trung Quốc đang bị ỗ nhiễm nặng do tình trạng đốt than trong các nhà máy điện và việc sử dụng các phương tiện giao thông. Tình trạng này khiến người dân bất bình và chỉ trích chính phủ giám sát lỏng lẻo trong việc ngăn chặn sương khói và xử phạt chưa nghiêm những đối tượng gây ô nhiễm.

Chính quyền trở tay không kịp

Những tranh luận gay gắt lan truyền nhanh chóng trên mạng, trong đó có cả việc đổ lỗi cho sự thiếu trách nhiệm của hệ thống chính trị Trung Quốc.

Bộ phim được phát hành chỉ vài ngày trước phiên họp quốc hội hàng năm của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cập Bình đã tuyên bố việc giữ bầu trời xanh của đất nước là ưu tiên hàng đầu… Một số người nhìn nhận bộ phim là chiến dịch tuyên truyền để bắt đầu sa thải hoàng loạt quan chức trong ngành các công nghiệp kém hiệu quả, từ đó chính phủ có thể tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế.

Một số người cho rằng ngành công nghiệp năng lượng là mục tiêu chính trị thực sự, vì chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã giăng lưới một quan chức lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực dầu mỏ.

Một cựu kỹ sư trưởng của Tập đoàn dầu khí nhà nước Sinopec đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc của Sài về việc ngành công nghiệp dầu khí đã tự giám sát các tiêu chuẩn môi trường và buộc các quan chức liên quan không được hé răng về việc này.

Bên cạnh đó, những nghi vấn liên quan đến tính khoa học của bộ phim cũng được đặt ra, trong đó là mối liên hệ dường như đã được mặc định giữa khói mù và khối u của con gái Sài.

Những nhận định trái chiều xung quanh đoạn phim dường như đã khiến hệ thống kiểm duyệt dày dạn của Trung Quốc – thường tránh đề cập đến tình trạng ô nhiễm không khí trong các buổi thảo luận về kinh tế và công nghệ – không kịp trở tay. Theo phương tiện truyền thông nước ngoài, những miêu tả thẳng thắn về tình hình ô nhiễm và những bày tỏ về nỗi sợ hãi cá nhân của Sài trong Dưới vòm trời đã khiến chính quyền Trung Quốc lo ngại.

Khói mù tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới