Thứ Ba, 3/10/2023, 08:57
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


ZTE, nạn nhân trong “chiến tranh lạnh” công nghệ Mỹ-Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ZTE, nạn nhân trong “chiến tranh lạnh” công nghệ Mỹ-Trung

Chánh Tài

ZTE, nạn nhân trong “chiến tranh lạnh” công nghệ Mỹ-Trung
Logo ZTE trên một tòa nhà ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP

(TBKTSG Online)- Nạn nhân đầu tiên trong “cuộc chiến tranh lạnh” công nghệ Mỹ-Trung không phải Apple (Mỹ) hay Huawei (Trung Quốc) mà có thể là  ZTE, hãng thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc, theo New York Times.

ZTE đối mặt “án tử”

Chỉ chưa đầy một tháng sau khi chính phủ Mỹ cấm công ty Mỹ bán linh kiện và phần mềm cho ZTE trong bảy năm, hôm 9-5, hãng này thông báo ngừng “một số hoạt động kinh doanh quan trọng”. Vẫn chưa rõ mảng kinh doanh nào của ZTE bị ảnh hưởng nhưng một số sản phẩm của hãng này bao gồm smartphone và các thiết bị viễn thông dường như không còn được rao bán trực tuyến.

Khi kích vào đường link trang bán hàng của  ZTE trên nền tảng thương mại trực tuyến Tmall của Alibaba, khách hàng không còn thấy các sản phẩm được niêm yết nữa. Thay vào đó, trang này hiện ra dòng chữ nói rằng “đang bảo trì” kèm theo một bức ảnh của các vận động viên chèo thuyền bên dưới có dòng chữ  – “Tuổi trẻ là thời kỳ tranh đấu”.

Thông báo ngắn gọi của ZTE không đưa các thông tin chi tiết nhưng các ẩn ý thì đã rõ,  ZTE cảnh báo hãng này có thể đóng cửa vì chính phủ Mỹ. Nếu ZTE đóng cửa, đó là một diễn biến kịch tính nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Tờ New York Times cho biết, nhà máy của ZTE ở Thâm Quyến đã ngưng hoạt động nên các công nhân được triệu tập tham gia các buổi tập huấn mỗi ngày. Phần thời gian còn lại, họ đi lang thang xung quanh các ký túc xá công nhân.

Theo các hướng dẫn mới của ZTE, các nhân viên phải tìm cách trấn an các khách hàng đang lo lắng nhưng phải tránh bàn luận với họ các thông tin liên quan đến việc Mỹ cấm vận công nghệ đối với ZTE trong bảy năm.

Cổ phiếu của ZTE niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã tạm ngừng giao dịch trong nhiều tuần.

Là một trong những nhà cung cấp công nghệ thành công nhất trên thị trường quốc tế của Trung Quốc với mức doanh thu khoảng 17 tỉ đô la mỗi năm, ZTE đang đối mặt với “bản án tử” sau khi Bộ Thương mại Mỹ cấm ZTE tiếp cận các linh kiện do Mỹ sản xuất cho đến năm 2025.

Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ là nhằm xử phạt ZTE về việc không kỷ luật các nhân viên có liên quan đến các vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ chống lại Iran. ZTE bị Mỹ cáo buộc bán trái phép các thiết bị do Mỹ sản xuất cho Iran trong giai đoạn 2010-2016.

Thiếu các linh kiện do các công ty Mỹ cung cấp, ZTE không thể nào hoạt động bình thường. Các thiết bị chip do Mỹ sản xuất đã tạo sức mạnh cho các trạm phát sóng không dây của ZTE. Các linh kiện quang học của Mỹ được lắp ráp vào các mạng lưới cáp quang ZTE. Hệ điều hành Android của Google được sử dụng trong các dòng smartphone do ZTE sản xuất.

Cuộc khủng hoảng hiện tại của ZTE có thể khiến hãng này sụp đổ nếu các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong thời gia tới vẫn không tìm ra được lối thoát cho bất đồng giữa hai nước. Viễn cảnh ZTE sụp đổ có thể cho thấy rằng cuộc chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ-Trung sẽ gây ra những tác động tiêu cực trên thế giới..

ZTE có 75.000 nhân viên làm việc ở hơn 160 nước. ZTE là hãng smartphone lớn thứ tư ở Mỹ. Các thiết bị viễn thông của ZTE đang hỗ trợ cho cuộc cách mạng số hóa ở một khu vực rộng lớn của thế giới đang phát triển.

Tuần trước, công ty mạng viễn thông không dây MTN (Nam Phi), đang phục vụ cho 220 triệu khách hàng ở 22 nước châu Phi và Trung Đông cho biết đang tính toán các kế hoạch khẩn cấp vì mạng lưới viễn thông của MTN đang sử dụng quá nhiều thiết bị của ZTE trong.

Cân nhắc bán mảng smartphone

Hãng ZTE có tên gọi đầy đủ là Zhongxing Telecommunications Equipment. Công ty này được thành lập vào năm 1985 với tên gọi ban đầu là Zhongxing Semiconductor, một liên doanh giữa một công ty thiết bị hàng không của nhà nước với hai công ty khác.

Trong vài năm sau đó, ZTE bắt đầu sản xuất thiết bị cho các mạng viễn thông di động ở nông thôn, trước khi tiến vào các đô thị Trung Quốc rồi mở rộng ra nước ngoài. Cổ đông nắm quyền kiểm soát ZTE là công ty Shenzhen Zhongxingxin Telecommunications Equipment với gần  50% cổ phần được nắm giữ bởi hai công ty nhà nước.
ZTE giới thiệu dòng smartphone đầu tiên cho thị trường Mỹ vào năm 2011.

Dần dần, hãng này nhanh chóng vươn lên trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ tư nước Mỹ, chủ yếu nhờ nhắm vào các khách hàng muốn sở hữu smartphone nhưng không muốn ký kết một hợp đồng thuê bao dài hạn với các nhà mạng viễn thông di động.

“Những gì ZTE đã làm được ở Mỹ là cực kỳ ấn tượng. Nhiều hãng smartphone châu Á tuyên bố sẽ tiến vào thị trường Mỹ nhưng rồi sau đó rút lui kế hoạch này giống như Xiaomi hay Huawei”, Avi Greengart, nhà phân tích công nghệ ở công ty nghiên cứu GlobalData nói. Theo Greengart, bí mật thành công của ZTE là sự linh hoạt.

Các quản lý người Mỹ của ZTE có quyền tự do lớn trong việc thiết kế các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ. Chẳng hạn, sau khi sớm nhận ra rằng người Mỹ đang có khuynh hướng sử dụng điện thoại màn hình lớn, ZTE ngay lập tức cung cấp các dòng smartphone giá rẻ với màn hình lớn.

Song Jeff Fieldhack, giám đốc nghiên cứu phụ trách khu vực Bắc Mỹ của hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho rằng, lệnh cấm vận công nghệ của Mỹ đã đặt dấu chấm hết mảng kinh doanh smartphone của ZTE vì hãng này phụ thuộc vào nguồn cung các linh kiện smartphone quan trọng từ công ty Mỹ, chẳng hạn khoảng 70% smartphone của ZTE sử dụng chip của hãng Qualcomm.

Hôm 10-5, tờ Nikkei Asian Review cho biết, ZTE đang trong quá trình thẩm định xem có nên bán mảng kinh doanh smartphone hay không.

“Ở Trung Quốc, các công ty có thể làm điều gì đó không đúng với chuẩn mực và rồi khi ra thế giới, họ không thể cứ làm như vậy được. Đối với các công ty khác tính toán về việc làm cách nào để tuân thủ các quy định và quản lý rủi ro nội bộ, tôi nghĩ trường hợp của ZTE là một hồi chuông cảnh tỉnh”, Gu Wenjun, giám đốc phân tích của công ty nghiên cứu thị trường bán dẫn ICwise ở Thượng Hải bình luận.

Mời xem thêm

Mỹ cấm bán linh kiện cho hãng thiết bị viễn thông ZTE

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới