"Nông dân làm ăn cá thể khó bền vững"
Bảo Uyên
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam- Võ Kim Cự cho rằng tham gia HTX kiểu mới, nông dân mới đủ sức bảo vệ quyền lợi của mình - Ảnh: Bảo Uyên |
(TBKTSG Online) - Tại cuộc gặp mặt báo chí đầu năm 2016 tại khu vực miền Nam do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức chiều 8-1, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp để nông dân Việt Nam thoát khỏi tình trạng "được mùa mất giá" là phải tích cực tham gia vào các hợp tác xã (HTX) kiểu mới.
HTX kiểu mới: giải pháp cho nông dân
Phát biểu tại cuộc họp, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức thành lập và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) sắp có hiệu lực, nếu nông dân trong nước vẫn giữ cách làm manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm như hiện nay sẽ không đủ sức cạnh tranh, chưa kể, sẽ bỏ qua nhiều cơ hội, lợi ích do các hiệp định này mang lại.
Từ những khó khăn, nghịch lý nói trên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là lúc cần phải đẩy mạnh vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là vai trò của HTX kiểu mới. Theo ông Cự, mô hình hợp tác xã kiểu mới không chỉ cung cấp đầu vào như giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ phương pháp kỹ thuật nuôi trồng hiện đại, làm tăng giá trị nông sản mà còn giải quyết cả đầu ra, tìm thị trường tiêu thụ cho các xã viên.
“Nông dân làm ăn cá thể, ai bảo trồng cây gì, nuôi con gì thì làm theo sẽ không thể nào bền vững được. Tham gia HTX là cách duy nhất giúp bà con tăng khả năng cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi của mình trước thềm hội nhập”, ông Cự nhận định.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Cự cho biết thêm, theo mô hình mới, mỗi HTX sẽ có sản phẩm chủ lực riêng, các địa phương sản xuất cùng ngành sẽ phải liên kết lại với nhau. Có như vậy, các mặt hàng nông sản mới bền vững và đáp ứng được các đơn hàng lớn của nước ngoài.
“Nhờ khả năng quản trị của HTX mà một chuỗi giá trị sẽ được hình thành. Nông dân có đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá; ngành khoa học nông nghiệp cũng sẽ hưởng lợi khi hỗ trợ phương pháp canh tác trên quy mô lớn cho nông dân”, ông Cự chia sẻ.
Nông dân vẫn e dè?
Được đánh giá là giải pháp đột phá cho nông nghiệp trong nước, thế nhưng, phần lớn nông dân vẫn còn e dè, nghi ngại, chưa dám bước ra khỏi cách làm ăn đơn lẻ truyền thống, tham gia vào HTX ở địa phương.
Lý giải nguyên nhân này, nhiều ý kiến cho rằng, chính mô hình HTX ngày xưa đã ảnh hưởng không tốt đến uy tín của HTX hiện đại. Chưa kể, hiện nay có quá nhiều HTX làm ăn không hiệu quả. Bên cạnh đó, mặc dù có rất nhiều chính sách cho HTX nông nghiệp nhưng khả năng tiếp cận chính sách lại không mấy dễ dàng.
“Làm thế nào để ngân hàng mạnh dạn cho HTX vay? Phải có quy định cụ thể. Đồng thời, phải để nông dân vào HTX một cách tự nguyện. Mà muốn để bà con tin tưởng thì phải chứng minh cho họ thấy được phương thức sản xuất này sinh lợi hơn so với cách làm cũ”, một thành viên tham dự cuộc họp nhận xét.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, có ý kiến cho rằng Liên minh HTX phải chủ động cung cấp cụ thể những mô hình HTX kiểu mới làm ăn hiệu quả để thông tin đến với người dân. Ngay trên các website của HTX và Liên minh HTX cũng phải có những thông tin chi tiết, rõ ràng, có như vậy, nông dân mới tin tưởng và ủng hộ.