Cuộc chạy đua trong thị trường giao nhận
Chí Thịnh
(TBVTSG) - Thị trường giao nhận hàng hóa trong lĩnh vực thương mại điện tử đang có những bước chuyển biến mới, với sự tham gia của hàng ngàn người giao hàng (shipper) hành nghề tự do. Các công ty giao nhận đang áp dụng mô hình nền tảng chia sẻ của Uber, Grab, Airbnb… để tận dụng những người chạy xe máy nhàn rỗi trong xã hội.
Không chỉ tăng cường số lượng nhân viên giao hàng và kho bãi, nâng cấp hệ thống công nghệ…, các công ty giao nhận còn tìm cách mở rộng thị trường bằng việc hợp tác với những nhà cung cấp nền tảng bán hàng như Sendo.vn (thuộc Tập đoàn FPT), Bizweb.vn (Công ty cổ phần công nghệ DKT), Chili.vn (Công ty cổ phần Mắt Bão)…
Thêm nhiều cuộc hợp tác
Trong tháng 7 này, cổng giao nhận hàng hóa Shipchung.vn đã chính thức hợp tác với nhà cung cấp nền tảng bán hàng trực tuyến Chili.vn để đảm nhiệm việc giao hàng cho các cửa hàng sử dụng dịch vụ trang web của Chili.vn. Sau khi các cửa hàng tiếp nhận đơn hàng trực tuyến từ người mua, hệ thống sẽ tự động gửi yêu cầu giao hàng đến Shipchung.vn, các chủ cửa hàng trên mạng sẽ không phải lo lắng trong khâu tìm kiếm các đơn vị giao nhận. Đây là một bước quan trọng trong quy trình bán hàng trực tuyến. Khi đó, các chủ hộ kinh doanh hay doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ của Chili.vn khi bán hàng sẽ có đối tác hỗ trợ khâu vận chuyển, giao hàng thu tiền (Cash on Delivery, COD) trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, các công ty giao nhận cũng nỗ lực tìm cách phát triển mạng lưới các điểm gửi hàng hóa ở nhiều tỉnh thành, nhằm đáp ứng sự gia tăng về nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các nhóm khách hàng gồm cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.
Ông Lương Duy Hoài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giao Hàng Nhanh (giaohangnhanh.vn), cho biết công ty đã thiết lập một mạng lưới các điểm gửi hàng, gọi là GHN Station, ở nhiều tỉnh thành. Mục tiêu là mang đến sự trải nghiệm cho khách hàng về mô hình gửi hàng hiện đại. Nhờ vào dịch vụ này, các chủ cửa hàng trực tuyến sẽ tiết kiệm 10-30% chi phí trong khâu giao nhận hàng hóa, tiết kiệm thời gian trong chuỗi quy trình.
Tính đến tháng 7, giaohangnhanh.vn đã phát triển được một mạng lưới gồm 30 điểm gửi hàng, tập trung chủ yếu ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Biên Hòa và Đắk Lắk. Sau khi khảo sát tình hình vận hành và kết quả kinh doanh của các điểm hiện tại, công ty sẽ lên kế hoạch mở rộng mạng lưới lên đến 80 điểm vào cuối năm nay và 200 điểm vào cuối năm 2017.
Công ty cũng lên kế hoạch kết hợp với các sàn thương mại điện tử tổ chức các chương trình tư vấn và hỗ trợ các cửa hàng trực tuyến ở một số địa phương mở rộng hoạt động bán hàng trên toàn quốc. Trên thực tế, nhiều cửa hàng trực tuyến có lượng nhân viên bán hàng đông đảo nhưng các dịch vụ giao hàng lại chưa chuyên nghiệp nên điều này cũng gây ảnh hưởng đến việc mở rộng phạm vi bán hàng.
Giải pháp linh hoạt
Hiện tại, nhằm giải quyết nhu cầu quay vòng vốn của các chủ cửa hàng bán lẻ trực tuyến, một số công ty giao nhận đã đưa ra chính sách ứng tiền trước cho các đơn hàng COD. Cụ thể, người giao hàng sẽ trả tiền trước cho chủ cửa hàng theo giá trị đơn hàng, sau đó đi giao hàng và thu lại tiền từ người mua. Nhà vận chuyển hàng hóa AhaMove hiện đang áp dụng giải pháp này để giải quyết bài toán COD một cách êm thấm và chưa gặp phải sự trục trặc lớn nào. Sau AhaMove, một số công ty giao nhận khác như ShipS, Shipper24h.com cũng bắt đầu việc ứng tiền cho một số đơn hàng có giá trị thấp cho các chủ cửa hàng.
Người đại diện của AhaMove nói rằng phương thức này có tính mạo hiểm và có độ rủi ro khá cao, nhưng nó góp phần thúc đẩy người nhân viên giao nhận nỗ lực hơn trong công việc. Theo sự ghi nhận của AhaMove, thông thường tỷ lệ giao nhận thành công theo hình thức này là trên 99%. Đồng thời, cách làm này sẽ góp phần giúp tăng năng suất làm việc của người nhân viên và họ không phải mất thời gian cho việc quay lại trả tiền cho người bán hàng sau khi giao xong món hàng.
Theo cách thức ứng tiền trước, các nhân viên giao nhận sẽ trả tiền mặt 100% cho các đơn hàng có giá trị dưới 500.000 đồng hoặc các đơn hàng trong một lần giao nhận có tổng giá trị dưới 2 triệu đồng. Đối với các đơn hàng có giá trị cao hơn, người giao hàng sẽ thương lượng với chủ cửa hàng về khoản tiền ứng trước. Đây cũng là cách thức phù hợp với những người hành nghề giao nhận tự do (không ký kết hợp đồng với các công ty giao nhận hàng hóa). Người giao hàng sẽ chịu trách nhiệm với đơn hàng và tự ứng tiền cho chủ cửa hàng; các công ty vận chuyển chỉ cung cấp đơn hàng giao nhận, thông báo địa điểm lấy hàng cho người giao và gửi tin nhắn thông báo hàng đã chuyển tới tay người nhận…
Hệ thống của AhaMove đang có hơn 1.000 tài xế xe máy đăng ký làm dịch vụ giao hàng, trung bình hằng ngày có hơn 500 tài xế hoạt động ở hai thành phố lớn TPHCM và Hà Nội. Có hơn 95% số tài xế của AhaMove tham gia quy trình theo hình thức tự do, họ sử dụng thời gian nhàn rỗi để đảm nhiệm việc giao nhận hàng hóa. Những nhân viên có hợp đồng lao động với AhaMove được sử dụng cho những đơn hàng có điều kiện và yêu cầu đặc biệt từ khách hàng.
ShipS lại vận hành khác với AhaMove một chút khi mà toàn bộ nhân viên trong hệ thống giao nhận của công ty đều là những người hành nghề tự do. Khi chủ cửa hàng gửi lời yêu cầu giao nhận hàng hóa thông qua ShipS, người giao hàng sẽ ứng tiền 100% cho các đơn hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng. Đối với những đơn hàng có giá trị lớn hơn, tùy theo uy tín của người giao hàng, ShipS sẽ chủ động ứng tiền trước thay cho họ.
Tận dụng nguồn lực xã hội
Ông Nguyễn Tuấn Minh, sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành ShipS, nói rằng sau khi ra mắt ở Hà Nội, công ty đã bước vào thị trường TPHCM vào tháng 4 vừa rồi. Ở TPHCM, công ty hiện có hơn 1.000 người giao hàng trong khi hệ thống ở Hà Nội được vận hành bởi hơn 3.000 người. ShipS đang hướng tới mục tiêu đạt con số 10.000 người chuyển hàng tự do vào cuối năm nay. Mục tiêu công ty đặt ra là mang dịch vụ giao nhận chất lượng tốt đến cho các chủ cửa hàng bán lẻ trực tuyến.
Ông Tuấn Minh cũng chia sẻ thêm rằng ShipS sẽ chịu trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ giá trị đơn hàng nếu xảy ra vụ việc lừa đảo số tiền ứng trước hoặc tráo đổi hàng hóa của cửa hàng trong quá trình giao nhận. Do phương thức kinh doanh này tiềm ẩn nhiều rủi ro nên ShipS bảo đảm cho cả người bán lẫn người giao hàng. Theo cuộc khảo sát của ShipS, các đơn hàng bán lẻ trực tuyến thường có giá trị dưới 2 triệu đồng. Và đây cũng là khoản tiền mà những người giao hàng tự do có đủ khả năng ứng trước để tham gia vào hệ thống giao nhận COD.
Ngoài ra, các công ty giao nhận cũng sẽ tổ chức một đội ngũ nhân viên giao nhận (số lượng ít hơn) để đảm nhận các đơn hàng quan trọng từ các doanh nghiệp lớn, các chủ cửa hàng có số lượng đơn hàng ổn định trong tháng… Đây là đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp được đóng dấu “bảo đảm” từ các công ty giao nhận.
Thị trường giao nhận trong nước đang tăng trưởng nhanh chóng cùng với sự phát triển của ngành thương mại điện tử. Cơ hội sẽ đến với các công ty giao nhận có cách thức làm ăn linh hoạt, biết tận dụng thời cơ và ứng dụng các giải pháp công nghệ một cách phù hợp.
Để làm người giao hàng, cần những điều kiện gì? Không ly kỳ và lãng mạn như những câu chuyện trong loạt phim ăn khách của Hollywood The Transporter, các công ty giao nhận đặt ra những quy định mang tính thực tế khi kết nạp những người giao nhận tự do vào mạng lưới hoạt động của mình. Trước hết, mỗi người giao hàng cần có một chiếc điện thoại thông minh trang bị hệ điều hành Android hoặc iOS và có khả năng kết nối mạng di động 3G, có xe máy đang hoạt động tốt… Đồng thời, người giao hàng phải cung cấp các loại giấy tờ mang tính xác nhận như giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (hoặc giấy đăng ký tạm trú), bằng lái xe, giấy đăng ký xe… Tùy theo từng công ty giao nhận, người giao hàng có thể phải đặt một khoản tiền cọc là 3-5 triệu đồng. Những người có số lượng đơn hàng giao nhận thành công cao sẽ được ưu tiên giao nhận các đơn hàng giá trị cao (4-5 triệu đồng trở lên) và được công ty giao nhận thay mình ứng tiền cho chủ cửa hàng. |