Hợp tác giúp thị trường tăng theo cấp số nhân
Ông Trần Thanh Nam. |
(TBVTSG) - Theo ông Trần Thanh Nam, Phó tổng giám đốc kinh doanh của Mobivi, một mạng liên kết bền vững sẽ thu hút người sử dụng tham gia vào cộng đồng thanh toán điện tử, thúc đẩy việc hiện đại hóa mạng lưới thanh toán và thị trường, theo đó sẽ tăng theo cấp số nhân.
- TBVTSG: Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông cần những yếu tố nào để dịch vụ thanh toán ở Việt Nam bứt phá so với hiện nay?
- Ông Trần Thanh Nam: Có đến 60% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi và theo hãng nghiên cứu thị trường A.T Kearney của Mỹ, Việt Nam đã soán ngôi Ấn Độ để trở thành thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Điều này cho thấy Việt Nam là một thị trường thực sự tiềm năng cho lĩnh vực cung cấp các dịch vụ thanh toán. Dịch vụ này hiện còn khá non trẻ, còn nhiều điều phải làm để biến tiềm năng thành lợi ích thực tế. Hơn 20 triệu người sử dụng Internet và hơn 60 triệu tài khoản điện thoại di động là một lực lượng tiêu dùng đông đảo tham gia vào dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại.
Nhưng để có những dịch vụ thuận tiện, an toàn trên những phương tiện này cần phải có sự đầu tư về công nghệ rất cao và có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng của nhà cung cấp. Theo tôi, trên thị trường hiện nay, bản thân các sản phẩm vẫn chưa được xây dựng với các lợi ích, tính năng hoàn thiện và đa dạng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường, người tiêu dùng vẫn chưa quen với các hình thức thanh toán hiện đại.
Thanh toán điện tử là một nhu cầu có thực và rất lớn, các nhà cung cấp cần đầu tư vốn và công nghệ một cách nghiêm túc, đồng thời phải truyền tải được các tiện ích đến người tiêu dùng. Tôi tin rằng khoảng hai, ba năm tới thanh toán điện tử sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể trong hoạt động thanh toán, trở thành một khái niệm quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt Nam.
- Đâu là những rào cản thực tế đối với thanh toán điện tử hiện nay, theo ông?
- Đó là sản phẩm dịch vụ chưa tốt và chi phí cao. Những dịch vụ dựa trên các kênh truyền thống của ngành ngân hàng như chuyển khoản, dùng thẻ còn những hạn chế đáng kể. Việc thanh toán bằng chuyển khoản chỉ phù hợp với một số ít loại giao dịch, chủ yếu giữa các doanh nghiệp. Việc thanh toán dùng thẻ còn nhiều khó khăn vì chưa có nhiều đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ và các mạng chưa liên thông tốt với nhau.
Việc thanh toán bằng thẻ cũng chưa phát triển mạnh trên môi trường Internet vì thiếu công nghệ tốt và độ an toàn cao. Vấn đề chi phí cũng là một yếu tố hạn chế sự phát triển thanh toán bằng thẻ. Việc đầu tư vào các máy ATM, máy POS khá tốn kém trong khi số người dùng thẻ thanh toán chưa nhiều nên hiệu quả kinh tế ngắn hạn và trung hạn không cao. Khi chưa có nhiều người sử dụng thì việc thu phí giao dịch cao không khuyến khích được người bán hàng chấp nhận thanh toán thẻ.
Dịch vụ thanh toán an toàn và thuận tiện trên môi trường Internet và điện thoại di động về cơ bản đã sẵn có thiết bị, như vậy, rào cản về đầu tư thiết bị đầu cuối đã được giảm thiểu. Yêu cầu còn lại là làm ra những dịch vụ thật tiện lợi và an toàn. Công nghệ là yếu tố then chốt ở đây. Một phương tiện thanh toán thuận tiện và an toàn sẽ quyết định sự thành công của nhà cung cấp. Sự an toàn ở đây không chỉ giới hạn ở công nghệ, mà bao gồm cả quy trình nghiệp vụ vận hành mạng thanh toán.
- Thế còn những rào cản pháp lý dưới góc nhìn của một doanh nghiệp?
- Thường thì các ứng dụng công nghệ mới sẽ gặp phải vấn đề về pháp lý. Riêng trong thanh toán điện tử, Nhà nước đã có chủ trương mạnh mẽ khuyến khích không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp giấy phép và quản lý những nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh toán. Nhưng còn cần nhiều hơn nữa, ví dụ như việc cụ thể hóa những quy định về giao dịch điện tử, đặc biệt là vấn đề hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử như thế nào thì có giá trị như hóa đơn đỏ cũng là một vấn đề phức tạp…
- Những doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn thật sự còn non trẻ, vậy phải làm gì để hạn chế những rủi ro khi mà môi trường kết nối thanh toán chung vốn còn nhiều bất cập ?
- Công nghệ an toàn bảo mật tốt là một yếu tố giúp hạn chế rủi ro. Quy trình vận hành các dịch vụ thanh toán cũng phải được chuẩn bị thật kỹ càng để chỉ ra và loại bỏ rủi ro hoặc đưa ra biện pháp quản lý các rủi ro. Ở Mobivi, chúng tôi xây dựng và vận hành hệ thống theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27000 về an toàn thông tin và hy vọng sớm có được chứng chỉ này.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này nên có sự hợp tác, phối hợp hài hòa để đem đến các sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Việc hợp tác tốt sẽ không những giúp các hệ thống thanh toán có thể hoạt động liên thông mà còn giúp loại bỏ rủi ro do sự không tương thích về công nghệ hay về quy trình nghiệp vụ. Về bản chất, việc thanh toán là giao dịch giữa hai hoặc nhiều bên, vì thế việc hợp tác sẽ làm cho thị trường chung lớn lên theo cấp số nhân và đó là điều có lợi cho mỗi doanh nghiệp tham gia hợp tác.
TUYẾT Ân thực hiện
“Ví điện tử” là gì? Kể từ khi VietUnion lần đầu tiên giới thiệu “ví điện tử” vào năm 2008, khái niệm này đến nay đã nhanh chóng phổ biến trong cộng đồng. Như vậy, “ví điện tử” là gì? Đây là một tài khoản điện tử, có chức năng như một ví tiền trên Internet hỗ trợ người tiêu dùng mua, bán, giao dịch tại các trang web thương mại điện tử và tại các cộng đồng mạng có hoạt động thanh toán hoặc trả phí. Công cụ thanh toán này đóng vai trò giao tiếp giữa ba cộng đồng: người bán hàng - người mua hàng trực tuyến và hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng liên kết là nguồn vào của ví điện tử (nạp tiền vào tài khoản ngân hàng), là nguồn ra của ví điện tử (rút ra từ tài khoản ngân hàng). Ngoài ra, tài khoản ngân hàng hỗ trợ việc xác minh tài khoản ví điện tử. (Theo www.payoo.com.vn) |