Thứ Ba, 30/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam cần thận trọng trong cải cách tài chính

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam cần thận trọng trong cải cách tài chính

Yến Dung

Các diễn giả trong một phiên thảo luận của hội nghị ngày 23-4 – Ảnh: Thanh Tùng

(TBKTSG Online) – “Củng cố hệ thống tài chính toàn cầu: Điều tiết và đổi mới” là chủ đề thảo luận thu hút nhiều ý kiến tại buổi họp chiều 23-4 của Hội nghị hợp tác châu Á lần thứ 19. Trong câu chuyện về Việt Nam, các diễn giả góp ý rằng nên có những bước đi thận trọng trong tiến trình mở cửa và cải cách nền tài chính.

Nhu cầu cấp thiết về cải tổ tài chính châu Á

Trong vai trò người chủ trì buổi thảo luận, ông Peter Stein, Phó tổng biên tập Wall Street Journal Asia, cho biết ban tổ chức nhận được nhiều câu hỏi gửi về hội nghị, xoay quanh những vấn đề như làm sao để mỗi nền kinh tế có thể học được những bài học kinh nghiệm khi tiến hành cải tổ nền tài chính mà có thể giảm nhẹ những tác động cũng như tránh bớt những nguy cơ; và làm sao để các quốc gia châu Á đạt đến sự thống nhất trong việc quản lý, điều tiết thị trường tài chính chung của khu vực…

Ông Stein đã chuyển một câu hỏi đến ông Simon Tay, Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Singapore xoay quanh giải pháp cải cách thị trường tài chính châu Á trong bối cảnh khó khăn này, đặc biệt là sau sự thất bại của hội nghị ASEAN tại Pattaya (Thái lan) hôm 11-4.

Bằng việc nhắc lại vai trò của châu Á trong cấu trúc chung của nền kinh tế toàn cầu, ông Simon Tay nhấn mạnh châu Á phải có tiếng nói trong việc xác định cho mình những phản ứng thích hợp, định hình những bước tiến trong tương lai thay vì áp dụng một cách cứng nhắc giải pháp của một quốc gia hay khu vực nào khác.

“Một phần của nhiệm vụ quan trọng này là cần phải xây dựng một nền tài chính mạnh, có sự đồng thuận và có những quyết định thận trọng, cân nhắc, xem xét nhiều yếu tố nội tại và bên ngoài”, ông nói.

Trong khi đó, ông Qiao Yide, Phó tổng thư ký Hội đồng Xúc tiến phát triển kinh tế Thượng Hải-Hồng Kông, từ những câu chuyện thực tế trong việc quản lý và vận hành nền tài chính của Trung Quốc, cho rằng dù tiến hành cải tổ tài chính châu Á thì điều quan trọng là các quốc gia phải không phá giá đồng nội tệ, giữ tỷ giá hối đoái ổn định, kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư, và áp dụng những giải pháp mang tính sáng tạo vào hoạt động ngành ngân hàng.

Những đề xuất cho Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trong phần trình bày về các chính sách tài chính, tiền tệ của Việt Nam chiều 23-4 – Ảnh: Thanh Tùng

Đề cập đến nền tài chính Việt Nam trong môi trường kinh tế vĩ mô cả nước, ông Scott Robertson, chuyên gia kinh tế của tập đoàn Dragon Capital (có mặt tại Việt Nam từ năm 2000), kể rằng cùng thời điểm này hồi năm ngoái, vấn đề thu hút nhiều sự chú ý là thâm hụt cán cân thanh toán nhưng đến thời điểm này thì điều đó không còn đáng lo ngại.

Ông Robertson nói rằng trong giới chuyên gia tài chính tại Việt Nam cũng đã có những lo ngại về nền kinh tế phát triển theo kiểu “bong bóng”, khi nguồn vốn đổ vào nền kinh tế trong giai đoạn 2007-2008 quá nhiều mà năng lực hấp thu còn yếu. Thế nhưng, qua những biện pháp điều hành chính sách tài chính và tiền tệ từ năm ngoái đến nay cho thấy thị trường đã được kiểm soát.

Nhà kinh tế này cho rằng một trong những vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện nay là cần xây dựng chính sách thu hút nguồn vốn lưu trữ trong dân (dưới hình thức trữ vàng, ngoại tệ) vì điều này sẽ giúp tạo động lực lớn cho dòng luân chuyển tiền tệ trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, ông Robertson cho rằng những giải pháp kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng về khu vực nông thôn cũng là một giải pháp hợp lý, vấn đề là Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ cán cân thanh toán.

Một đề xuất khác mà chuyên gia này đựa ra là vấn đề nâng cao năng lực của bộ máy quản lý, để trong tương lai những chính sách ban hành sẽ chuyển từ cấp độ giải pháp tình thế lên đến cấp độ mang tính chiến lược.

Đến từ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, Phó giám đốc Thái Đắc Liệt cho biết, cơ quan này đã gửi các đề nghị đến Bộ Tài chính trong mục tiêu vực dậy thị trường tài chính, trong đó bao gồm việc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp; lập quỹ bình ổn để có nguồn vốn dùng để mua vào các cổ phiếu trên thị trường khi chỉ số chứng khoán xuống quá thấp và bán ra khi thị trường lên quá cao; đầu tư về công nghệ thông tin và nâng cao tính minh bạch trong công bố thông tin trên thị trường…

Nhắc lại bài nói chuyện của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Cao Viết Sinh trong buổi họp sáng 23-4, trong đó thông tin rằng Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều bởi khủng hoảng vì sự hội nhập kinh tế toàn cầu chưa sâu, và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong việc bình ổn giá trong cuộc chiến chống lạm phát, ông Peter Stein đặt ra câu hỏi: “Liệu kết quả này có tiếp tục tốt đẹp trong tương lai?”.

Với kinh nghiệm hoạt động trong ngành tài chính Việt Nam nhiều năm qua, ông Robertson nhận định vấn đề của Việt Nam là làm sao để thu hút mạnh hơn nữa nguồn vốn trong dân (dẫn chứng số liệu chỉ 15% dân số có tài khoản) và điều này liên quan đến việc xây dựng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước về sự ổn định của nền tài chính, tính minh bạch của thông tin kiểm toán. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách, dỡ bỏ những thủ tục quan liêu, chú trọng khâu giám sát hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước.

Tổng giám đốc Citibank Việt Nam Brett Krause nói rằng Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng lại không bị tác động nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vì thực tế nền tài chính Việt Nam chưa tích hợp hoàn toàn vào nền tài chính thế giới. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng Việt Nam chưa mua các tài sản phái sinh từ các công ty tài chính Mỹ và các công cụ phái sinh chưa được phát triển mạnh tại thị trường này cũng là nguyên nhân giúp cho ngành tài chính Việt Nam tránh khỏi đổ vỡ dây chuyền.

Chuyên gia Simon Tay thuộc Viện Quan hệ quốc tế Singapore cũng đồng tình với lời giải thích trên, ông phân tích rằng tình hình khó khăn tại Việt Nam hiện nay chỉ là do nguồn cầu trên thế giới sụt giảm. Ông nhận định nguồn vốn đổ vào nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp, một phần cũng do nền tài chính chưa phát triển. Do đó, trong tình hình này, vấn đề của Việt Nam không phải là băn khoăn nên mở cửa nhiều hay ít, mà là nới lỏng hệ thống quản lý tài chính một cách thận trọng.

Ông Brett Krause cũng góp ý về sự minh bạch trong công bố thông tin, vì đây là một trong những  yếu tố cơ bản giúp những công cụ quản lý tài chính một cách hiệu quả hơn.

Cân đối nguồn chi cho các gói giải pháp kích cầu

Sau phần trình bày của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn về các nhóm biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, các chính sách tài chính, tiền tệ và an sinh xã hội, ông nhận được câu hỏi về việc Chính phủ Việt Nam sẽ lấy nguồn thu ở đâu để chi cho các chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ sản xuất? Đặc biệt trong bối cảnh thu ngân sách bị sụt giảm như hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản và chứng khoán đi xuống; giãn thu thuế thu nhập cá nhân, giãn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế VAT; suy giảm các nguồn thu từ dầu thô; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ…

Ông Tuấn trả lời rằng Bộ Tài chính xác định sẽ thực hiện đúng và nghiêm túc việc thu đúng, thu đủ các loại thuế. Bên cạnh đó, nguồn chi cho các gói kích cầu sẽ lấy từ nguồn dự trữ quốc gia hàng năm và có thể cân nhắc mức bội chi ngân sách trong giới hạn cho phép. Ông dẫn chứng mức bội chi ngân sách trong quí 1-2009 tương đương 2,6% GDP, có thể trong thời gian sắp tới sẽ cho phép lên mức 3,5 – 4% và mức này vẫn nằm trong giới hạn của dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009 đã được Quốc hội thông qua.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới