(KTSG Online) – Tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng đang lên kế hoạch xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp xanh, sạch kết hợp tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững với các sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu.
- Huế sẽ hỗ trợ cho hàng chục ngàn lao động gặp khó khăn
- Thừa Thiên Huế muốn liên kết để phục hồi du lịch
Những mô hình tiên phong
Qua thời gian khảo sát và nghiên cứu, năm 2020 Công ty Khang Hân quyết định đầu tư mô hình trang trại công nghệ cao theo chuỗi tại phường Hương An, thành phố Huế.
Với diện tích 2,2 ha, trang trại Rơm Farm của công ty bao gồm 4 khu nhà màng, nhà lưới, đồng thời áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để trồng dưa lưới, dưa lê hoàng kim, bắp nữ hoàng…
Theo bà Nguyễn Thị Đông Phương, Giám đốc công ty, điểm khác biệt giữa Rơm Farm và các trang trại thông thường là đưa ứng dụng công nghệ cao ở tất cả các khâu, từ việc làm đất, phối trộn nguyên liệu, quy trình tưới nhỏ giọt để trồng cây, phân bón, theo dõi sinh trưởng, điều chỉnh ánh sáng…
Quy trình này đã nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, đồng thời giúp cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Qua vụ thu hoạch đầu tiên gần đây, sản lượng đạt cao, chất lượng tốt nên được khách hàng đón nhận. Sắp tới, công ty sẽ nghiên cứu trồng thêm một số sản phẩm, đồng thời kết hợp mô hình trồng cây ăn trái và tham quan phục vụ khách du lịch tạo thêm địa điểm vui chơi, trải nghiệm trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, một doanh nhân tại Huế, đã có chuyến trải nghiệm thực tế tại Rơm Farm và tự đánh giá chất lượng vườn dưa vừa qua. “Sản phẩm ngon và sạch”, chị Quỳnh Anh cho biết. “Đây là mô hình thích hợp cho du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại Huế”.
Trong khi đó, với những sản phẩm khác liên quan đến nông nghiệp khác như sen, rau, rơm, chị Phạm Thị Diệu Huyền, nhà sáng lập Mộc Truly Huế, và chị Dương Thị Thúy Hằng, nhà sáng lập Huế Lotus homestay, đang phát triển mô hình sinh thái kết hợp lưu trú và trải nghiệm hay quảng bá văn hóa Huế qua những sản phẩm địa phương.
Chị Hằng cho biết đến Huế Lotus Homestay, khách không chỉ được nghỉ dưỡng mà còn có thể trải nghiệm thêm những dịch vụ đặc trưng trong văn hóa Huế như làm hoa giấy, làm hương trầm, vẽ tranh giấy dó hay trải nghiệm về trồng nấm rơm…
“Chúng tôi nhắm đến hợp tác với các nhà trường và gia đình để đưa trẻ em đến trải nghiệm nơi đây để học cách trồng rau, tưới cây, trồng nấm, nuôi gà…”, chị Hằng chia sẻ và cho biết thêm người lớn cũng có thể tim hiểu thêm về sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Với Mộc Truly Huế, chị Huyền dựa vào lợi thế khi có những hồ sen để mang đến nhiều hoạt động trải nghiệm cho khách, gia tăng giá trị sản phẩm và những trải nghiệm của khách gần gũi với thiên nhiên hơn.
“Du khách bên cạnh trải nghiệm hay sống ảo ở những hồ sen, cũng có thể cùng Mộc vào buổi sáng tham gia làm trà hoa sen để hiểu hơn về trà mộc sen trắng nổi tiếng của Huế”, chị Huyền chia sẻ.
Khai thác tiềm năng thế nào?
Những mô hình như Rơm Farm, Huế Lotus Homestay hay Mộc Truly Huế có thể xem là tiền đề để thành phố Huế lên kế hoạch khai thác tiềm năng mô hình nông nghiệp kết hợp trải nghiệm du lịch, đặc biệt tại những xã, phường mới sáp nhập có được lợi thế này nhờ diện tích nông nghiệp rộng lớn.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Huế, kinh tế đầm phá, biển, ngành nông nghiệp vốn trước đây là một lĩnh vực không phải là “thế mạnh” của thành phố. Sau khi sáp nhập 13 xã, phường mới, hiện thành phố không chỉ là vùng đồng bằng lấy sông Hương làm trung tâm mà sẽ trở thành đô thị có đủ địa hình biển, đầm phá và núi, có thể phát huy nhiều thế mạnh. Quy mô, cơ cấu kinh tế, phát triển ngành, các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sẽ có nhiều thay đổi.
Theo ông Đồng Sĩ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Huế, ngoài việc vận động và hướng dẫn bà con chuyển đổi các mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sắp tới thành phố Huế liên kết với các doanh nghiệp đẩy mạnh việc đưa khoa học công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là 13 xã, phường mới. Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp xanh, sạch kết hợp tổ chức các tour du lịch trải nghiệm cũng được chú trọng nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, trên cơ sở kết hợp công nghệ hiện đại với sản xuất truyền thống tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương đầu tư cho một số dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Fam – Thừa Thiên Huế cho Công ty cổ phần sản xuất và nhập khẩu nông sản FAM, dự án Vườn bách thảo trên sông tại xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà cho Công ty TNHH Tiến Đạt, hay dự án Rơm Farm đề cập ở trên.
“Sở Du lịch Thừa Thiên Huế có chương trình nông thôn mới và chương trình OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng hoàn thiện kế hoạch đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua đó vận dụng được các nguồn lực, chính sách từ phía ngành du lịch và nông nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư triển khai theo mô hình này”, ông Phúc nói.
Ông cho biết Sở Du lịch vận động và kết nối doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, bao gồm khách sạn, lữ hành, nhà hàng… với các doanh nghiệp đầu tư mô hình đó nhằm tạo chuỗi dịch vụ trải nghiệm kết hợp hoạt động của các doanh nghiệp có nhu cầu, sẵn sàng liên kết, nhằm tăng giá trị các dịch vụ, đa dạng đầu mối tiêu thụ sản phẩm và kéo dài thời gian lưu trú của khách
Sở Du lịch cũng sẽ hỗ trợ việc quảng bá truyền thông sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp trên các kênh thông tin của ngành du lịch, qua các hoạt động sự kiện xúc tiến du lịch giúp lan tỏa thông tin, hình ảnh về các sản phẩm dịch vụ, chuỗi dịch vụ liên kết của doanh nghiệp đến các thị trường du lịch, các đối tác du lịch trong và ngoài nước. Và đây sẽ là hướng đi phù hợp để vực dậy kinh tế du lịch cũng như sống chung với dịch.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, quan điểm phát triển nông nghiệp của địa phương phải hiện đại trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, quá trình đô thị hóa và nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân.
Do vậy, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các tổ chức, cá nhân (nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, doanh nghiệp có kinh nghiệm và uy tín về công nghê cao trong lĩnh vực này) vào đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm để làm tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.