Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Huế sẽ hỗ trợ cho hàng chục ngàn lao động gặp khó khăn

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến chi 67,5 tỉ đồng trong năm nay để hỗ trợ các lao động tự do, không có giao kết hợp đồng cũng như các hộ gia đình chính sách, khó khăn. Nhân viên du lịch mất việc làm cũng đang được xét đơn duyệt để nhận hỗ trợ.

Mức hỗ trợ đối với người lao động 1,5 triệu đồng/người/lần; riêng đối tượng tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản, lưu niệm dọc tuyến quốc lộ 1A theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch là 2 triệu đồng/người/lần. Đối với hộ chính sách, khó khăn là 1,5 triệu đồng/hộ/lần.

Nhân viên một cơ sở làm nón lá từ lá sen tại Thừa Thiên Huế. Khi ngành du lịch gặp khó khăn do Covid-19, hàng ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành này cũng lao đao theo. Ảnh: Nhân Tâm

Thông tin này được đề cập trong một nghị quyết vừa được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua. Theo đó, tỉnh sẽ sử dụng nguồn kinh phí được phân cấp để hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng được hỗ trợ gồm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) làm việc trong lĩnh vực, công việc thuộc nhóm bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, thu mua phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xe ba gác, xe thô sơ; lái xe ôm truyền thống (không tính grab, shipper), xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, du lịch.

Ngoài ra còn có các trường hợp bị ảnh hưởng theo quy định để phòng chống dịch từ 1-5-2021 đến 31-12-2021, gồm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp ở các vùng bị phong tỏa, giãn cách xã hội theo quy định của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch; tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản, lưu niệm dọc tuyến quốc lộ 1A theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch.

Đối tượng đặc thù khác bao gồm các đối tượng được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ cấp xã hội ngoài công lập; hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, đến nay hơn 503 hướng dẫn viên du lịch được phê duyệt để nhận tiền trợ cấp theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Mỗi hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa được Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cấp thẻ được nhận một lần với số tiền hơn 3,7 triệu đồng.

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cũng công bố đường dây nóng và hướng dẫn chi tiết thủ tục hồ sơ trên trang web và fanpage của mình để các hướng dẫn viên khác hiểu rõ thủ tục, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Huế giảm 50% giá vé tham quan di tích

Tỉnh Thừa Thiên Huế giảm 50% giá vé tham quan di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế từ nay đến hết năm 2021. Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, việc giảm giá vé tuy sẽ làm sụt giảm nguồn thu ngân sách từ việc bán vé tham quan di tích nhưng đây sẽ là giải pháp kích cầu, phát triển du lịch, thu hút khách đến tham quan di tích văn hóa Huế nhiều hơn.Trung tâm cho biết các di tích đón 202.300 lượt khách từ đầu năm đến nay, giảm 62,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu phí tham quan di tích là 19,4 tỉ đồng, chỉ đạt 16% dự toán giao được giao là 120 tỷ. Do tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nên hiện nay trung tâm phải nhiều lần đóng, mở cửa di tích để phòng chống dịch lây lan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới