(KTSG Online) - Trong chỉ đạo mới về phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Y tế nhận định, thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch và đề nghị các địa bàn nguy cơ rất cao (vùng đỏ) và nguy cơ cao (vùng cam) phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày.
- Cuối năm sẽ có vaccine Covid-19 trong nước, sắp sản xuất kit xét nghiệm giá rẻ
- F0 điều trị tại nhà không báo với địa phương sẽ khó có ‘thẻ xanh Covid’
- Bộ Y tế đề nghị địa phương tiêm trộn vaccine Moderna và Pfizer
![](https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2021/09/xetnghiem-1.jpg)
Hôm nay (15-9), Bộ Y tế đã có công điện gửi ban chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.
Theo Bộ Y tế, thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Với các địa bàn nguy cơ rất cao (vùng đỏ), nguy cơ cao (vùng cam) phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày. Những nơi còn lại, xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần.
Cơ quan này đề nghị ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh nhằm phát hiện và cách ly nguồn lây nhiễm để điều trị kịp thời. Thêm vào đó, cũng có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR (RT-PCR).
Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ.
Việc xét nghiệm phải thực hiện dứt điểm theo từng địa bàn, đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi lấy mẫu. Việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh, có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu.
Địa phương khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế.