Thứ hai, 2/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp du lịch cần gì để phục hồi sau dịch?

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhiều ý kiến phân tích thực trạng cũng như các giải pháp thúc đẩy du lịch phục hồi sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát đã được các doanh nghiệp du lịch trong nước nêu ra tại hai cuộc tọa đàm trực tuyến mới đây.

Cần sự hợp tác giữa các địa phương

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sự khó khăn trong việc di chuyển giữa các địa phương hiện nay là một cản trở cho khởi động du lịch nội địa. Ông cho rằng các doanh nghiệp cần hợp sức tìm con đường xanh để đưa khách du lịch đến các địa phương một cách thông suốt.

Đoàn du lịch xuyên Việt bằng mô tô đến Đèo Ô Quý Hồ (hay đèo Ô Quy Hồ) trên quốc lộ 4D ở vùng giáp ranh hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu đầu năm 2020. Việc thống nhất các quy định chống dịch tại các địa phương sẽ là chìa khóa để phục hồi du lịch nội địa. Ảnh: Nhân Tâm

Ông Bình nói thêm, nguồn lực dễ nhất và nhanh nhất để phục hồi hiện nay là phát triển du lịch nội địa trong bối cảnh du lịch quốc tế vẫn còn mông lung, chưa đoán định. Bên cạnh đó, người Việt vẫn muốn đi du lịch trong an toàn. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch cần tranh thủ mọi cơ hội để khôi phục du lịch nội địa an toàn.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ có tiêu chí chung dành cho các thành viên để tổ chức du lịch nội địa an toàn. Theo ông Bình, hiệp hội cũng sẽ làm việc với các địa phương dựa trên những tiêu chí này để có thể mở đường phục vụ du lịch nội địa trong lương lai.

Những ý kiến của ông Bình nhận được cái “gật đầu” của nhiều doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình “Talkshow Chuyện nghề” với chủ đề “Cơ hội nào cho du lịch phục hồi” do CLB Du lịch MICE Việt Nam tổ chức vào ngày 26-9 vừa qua.

Bà Ngô Thị Nga, Giám đốc Công ty Postum Travel (Hà Nội), cho biết “Free and easy” (tour chỉ bao gồm vé máy bay và khách sạn và tự lên chương trình du lịch) sẽ vẫn là xu thế thích hợp và hiệu quả cho du lịch sống chung với Covid-19, đặc biệt dành cho bạn trẻ muốn đi du lịch trong nước.

Tuy nhiên theo bà Nga, cái khó hiện nay là khách quan tâm đến vấn đề an toàn tại các địa phương. Hơn nữa, không phải khách sạn nào cũng chịu mở cửa vì họ băn khoăn không biết có bị buộc đóng cửa sau đó hay không khi địa phương nơi mình kinh doanh phát hiện các ca mắc mới.

“Vừa rồi chúng tôi có thử hỏi, khách cũng có nhu cầu, nhưng họ thích đi nhóm nhỏ, ngắn ngày, chứ không còn dài ngày nữa. Họ quan tâm đến an toàn và giá rẻ. Nhưng, họ không biết vùng nào an toàn để đón nhận khách”, bà Nga nói. “Vì vậy, công ty cũng sẽ dựa vào chính sách các địa phương để biết vùng nào an toàn từ đó mới mua voucher khách sạn để bán cho khách”.

Bà Phương Nguyễn, đại diện của Khu du lịch quốc gia Tam Chúc (Hà Nam), đề xuất các địa phương có thể phân luồng khách đã tiêm 2 mũi vaccine với các khách khác khi đến các điểm du lịch. Điều này vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch chủ động trong các phương án phục vụ khách vừa giúp các điểm đến có thể thu hút khách nội địa sau dịch.

“Mở lại hay đóng cũng là cân nhắc của các khu điểm, cơ sở lưu trú tùy thuộc vào các biện pháp phòng chống dịch của các địa phương”, ông Nguyễn Như Nam, Tổng giám đốc Công ty Vietnam TravelMart (Đà Nẵng), nói và cho biết thêm theo kế hoạch từ tháng 12, Đà Nẵng bắt đầu khuyến khích tiêu dùng tại chỗ để bắt đầu khởi động lại kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Đến quí 1-2022 thành phố sẽ đón khách địa phương lân cận và từ quí 2 đón khách quốc tế nhưng tùy thuộc vào tiến độ phòng chống dịch và sự mở cửa của các địa phương.

Tham gia tọa đàm với vai trò cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết phục hồi du lịch tại Đà Nẵng phải theo quy định của y tế ở quy mô quốc gia với tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn nơi gửi và nhận khách. “An toàn là phải an toàn tất cả, tại tất cả điểm đến và quan trọng là phủ vaccine trên diện rộng”, ông Bình nói.

Bên cạnh sự bắt tay của các địa phương tại các điểm gửi và nhận khách, các doanh nghiệp tại tọa đàm cũng quan tâm đến sự hỗ trợ của địa phương dành cho phục hồi du lịch, chính sách hộ chiếu vaccine và vấn để áp giá sàn máy bay sẽ gây khó khăn cho phát triển du lịch nội địa.

Du lịch trách nhiệm, cao cấp lên ngôi

Trong khi đó, tại tọa đàm “Doanh nghiệp du lịch chúng ta nên chuẩn bị gì để hồi phục sau đại dịch” diễn ra chiều 27-9 do CLB Du lịch có trách nhiệm Việt Nam (RTC) tổ chức, các doanh nghiệp và chuyên gia kỳ vọng du lịch có trách nhiệm, bền vững hướng đến những dịch vụ cao cấp sẽ lên ngôi.

Trẻ em trải nghiệm trồng cây hữu cơ tại thành phố Hội An, Quảng Nam. Mô hình du lịch trải nghiệm và dịch vụ cấp cao sẽ lên ngôi sau dịch. Ảnh chụp lúc chưa bùng phát dịch tại Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm

Ông Đặng Bảo Hiếu, nhà sáng lập Ana Marina Nha Trang, cho biết các doanh nghiệp cần định vị lại để phát triển sản phẩm, điểm đến hướng đến các đối tượng khách khác nhau có nhu cầu đi du lịch hậu dịch.

“Nhóm khách lâu nay thích đi du lịch quốc tế, nhưng hiện không có điều kiện để đi là cơ hội cho chúng ta. Sắp tới khi du lịch nội địa mở trở lại, họ sẽ chấp nhận bỏ ra nhiều chi phí để đi du lịch nội địa với sản phẩm và du lịch khác biệt và đẳng cấp”, ông Hiếu cho biết. “Mô hình du lịch cá nhân hóa với dịch vị đẳng cấp sẽ lên ngôi. Khách sẵn sàng trả nhiều tiền miễn sao họ thấy được du lịch hành xử có  trách nhiệm”.

Ông Hiếu cũng phân tích thêm một số xu hướng du lịch tương lai bao gồm du lịch nội địa, du lịch an toàn, du lịch cao cấp, du lịch có trách nhiệm - bảo vệ - môi trường, du lịch mang giá trị tinh thần, du lịch với thiên nhiên, staycation (nghỉ dưỡng tại homestay), workcation (vừa du lịch vừa làm việc), milestone bucketlist (du lịch theo danh sách lên sẵn hoặc được tư vấn từ các trang du lịch).

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và cũng là Chủ tịch Công ty Emic Hospitality, có đồng quan điểm và cho biết Quảng Nam hướng đến môi trường du lịch xanh. Các sản phẩm du lịch phục vụ cho phụ hồi sau dịch sẽ thay đổi theo hướng này.

“Khoảng 40 doanh nghiệp đã ký với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, cam kết hoạt động giảm thiểu rác thải”, ông Thanh nói và cho biết thêm đây là cơ hội để thay đổi. Việc phát triển các sản phẩm du lịch sẽ nương tựa vào giá trị bản địa; tương tác với các hộ dân để phát triển, đưa nông nghiệp hữu cơ từ vườn và nông trại của dân vào nhà hàng. Đưa nông dân vào chuỗi giá trị du lịch của mình sẽ là xu thế.

“Khi đã tạo được những giá trị này thì khách du lịch họ chấp nhận giá cao để đi du lịch và hưởng thụ”, ông Thanh cho biết.

“Để có thể nắm bắt được xu hướng du lịch nội địa sắp tới, các doanh nghiệp du lịch cần hợp tác với nhau đưa ra bộ quy tắc ứng xử trong bình thường mới, tăng cường tính linh hoạt trong kinh doanh, chuyển đổi số, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mua bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, xây dựng kế hoạch xử lý khủng hoảng và rủi ro…”, ông Hoành Nhân Chinh, Trưởng ban thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Ông cho biết thêm xác định sống lâu với dịch, TAB đang đề xuất Chính phủ lập tổ tác chiến thực hiện chương trình thí điểm sử dụng thẻ du lịch thông hành xanh Việt Nam. Các công ty lữ hành, lưu trú và điểm đến cần có chứng nhận an toàn dịch bệnh cũng như tỷ lệ tiêm vaccine cao sẽ tạo ra sự tin tưởng cho khách du lịch.

Đây là những chìa khóa để mở cửa lại cho du lịch Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới