(KTSG Online) - Quảng Nam và Đà Nẵng đang chưa tìm được nói chung trong việc “thông chốt” giữa hai địa phương, vô tình gây khó cho người dân vốn dĩ là “người Quảng Nam – Đà Nẵng”
Trước năm 1997, cái tên Quảng Nam – Đà Nẵng không xa lạ với người dân cả nước. Đây được xem là địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung. Người dân Quảng Nam – Đà Nẵng được cho là cần cù, chịu thương chịu khó.
Năm 1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Từ đó, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được tách ra thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, đến tận ngày hôm nay, nhiều người vẫn quen gộp chung hai địa phương này khi nói về gốc gác người dân, chẳng hạn "Tui là dân Quảng Nam – Đà Nẵng!". Điều này cho thấy, dù có thay đổi thế nào đi chăng nữa, vẫn có sợi dây liên kết của hai địa phương “tuy một mà hai, tuy hai mà một này”.
Thực tế cũng chứng minh điều đó.
Về mặt địa lý, bạn bước một bước chân là có thể đứng trên đất của cả hai địa phương này. Hai nhà là hàng xóm của nhau nhưng nhà này thuộc Đà Nẵng, nhà kia thuộc Quảng Nam.
Về mặt dân cư, hiện nay vẫn có hàng chục ngàn con người đang sinh sống tại Quảng Nam hằng ngày đi học và đi làm tại Đà Nẵng, và ngược lại. Có những người giữ các chức vụ quan trọng trong các doanh nghiệp hay tổ chức tại Quảng Nam nhưng sinh sống tại Đà Nẵng, và ngược lại.
Khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đầu năm 2020, sự khó khăn trong đi lại và giao thương cũng bắt đầu xảy ra tuy chưa đến mức kiểm soát ngặt nghèo. Nhưng kể từ đợt bùng phát lần thứ 4, mọi thứ trở nên khó khăn hơn khi dịch lây lan mạnh hơn, nguy hiểm hơn, buộc mỗi địa phương có những chính sách riêng trong phòng chống dịch.
Mọi người dân Quảng Nam và Đà Nẵng chấp nhận “ai ở đâu thì ở đó” trong ba tháng qua cho dù họ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong công việc, kinh doanh và học tập vì không thể đi lại được.
Trong tuần qua, khi tình hình dịch tại hai địa phương, đặc biệt là Đà Nẵng, được kiểm soát đáng kể, cũng là lúc nhu cầu đi lại, giao thương của người dân tăng cao. Doanh nghiệp đã lên tiếng tại các diễn đàn về việc đi lại. Tuy nhiên, qua các văn bản phòng chống dịch gần đây của Quảng Nam và Đà Nẵng, có cảm giác rằng hai địa phương này vẫn rất cẩn trọng trong việc mở cửa và có phần không có sự liên thông với nhau, khiến người dân gặp nhiều thách thức trong việc tuân thủ các điều kiện.
Mới nhất là hai công văn của hai địa phương này chiều ngày 1-10.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành hướng dẫn tạm thời các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong việc quản lý đi lại của người dân từ các tỉnh, thành phố đến tỉnh Quảng Nam và ngược lại trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, có một chương riêng dành hẳn cho các trường hợp từ thành phố Đà Nẵng vào tỉnh Quảng Nam và ngược lại.
Theo hướng dẫn này, chuyên gia, người lao động sinh sống tại Đà Nẵng vào làm việc
tại Quảng Nam, người dân có nhu cầu đi và về trong ngày phải cam kết thực
hiện đi và về trên một tuyến đường cố định; khai báo y tế tại chốt kiểm soát
phòng chống dịch bệnh Covid-19; hạn chế tối đa việc tiếp xúc với cộng đồng,
thực hiện nghiêm 5K. Đối với các trường hợp từ Đà Nẵng vào Quảng Nam và ở lại, ngoài các biện pháp nêu trên, phải đáp ứng tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và theo dõi y tế tại nơi đến.
Trong khi đó, Đà Nẵng không có chương nào dành riêng cho người đến/về từ Quảng Nam. Theo công văn phối hợp, tiếp nhận công dân vào thành phố Đà Nẵng của Sở Y tế ban hành hôm 1-10 và Chỉ thị 08 của thành phố Đà Nẵng về phòng chống dịch trước đó một ngày, công dân từ các địa phương khác đến/về Đà Nẵng phải khai báo theo mẫu quy định. Thông tin khai báo được quản lý, giám sát, theo dõi tại nơi lưu trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Thậm chí, người về từ các địa phương có dịch, người trên phương tiện hoạt động trên luồng xanh vận tải toàn quốc khi vào Đà Nẵng vẫn phải áp dụng các biện pháp cách ly, can thiệp y tế.
Sau khi đọc hai văn bản này, nhiều người cảm thấy bối rối vì không thấy sự đồng nhất và rõ ràng để họ tuân thủ. Người này hỏi: “Nhóm thợ nề ở Điện Bàn (thuộc Quảng Nam) ra Đà Nẵng để thi công nhà cho tôi rồi về trong ngày có được không?” Người kia hỏi: “Tôi đi Hội An ở lại đêm rồi mai về lại Đà Nẵng có được không?”
Những câu hỏi này một phần nào đó được giải đáp trong sáng 2-10 khi nhiều người bắt đầu “thử” đi từ Đà Nẵng đến Quảng Nam.
“Tui cũng vừa đến chốt Đà Nẵng. Các anh hướng dẫn là vào Quảng Nam bình thường, nhưng khi ra lại Đà Nẵng thì phải test PCR âm tính trong 72 giờ (hoặc test nhanh âm tính) và khai báo y tế trên app của Đà Nẵng. Kể cả người từ Đà Nẵng có nhu cầu về Quảng Nam và ra Đà Nẵng lại trong ngày cũng cần có xét nghiệm. Rất nhiều người nghe hướng dẫn xong đã phải quay về, không đi Quảng Nam nữa”, một người chia sẻ. Người nào chưa có xét nghiệm, sẽ được hướng dẫn đến cơ sở y tế gần nhất để thực hiện xét nghiệm, chờ có kết quả mới được vào Đà Nẵng.
Đây mới chỉ là câu chuyện đi/về trong ngày giữa địa phương. Còn việc đi/về ở lại trong một hay nhiều ngày sẽ áp dụng các điều kiện khắt khe, bao gồm theo dõi tại cơ sở lưu trú 7 ngày.
Quay lại câu chuyện mối quan hệ giữa Quảng Nam và Đà Nẵng ở đầu bài viết, nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo hai địa phương chủ động liên lạc để bàn bạc chi tiết, thống nhất cơ chế để “thông chốt”, ít nhất là đi về trong ngày cho người dân và vẫn đảm bảo các quy định phòng chống dịch. Có như thế mới thực sự là “sống chung với dịch trong an toàn”.
Cụ thể, các chốt chỉ cần xem QR Code hoặc giấy chứng nhận tiêm vaccine từ một mũi trở lên kèm khai báo y tế điểm đi, điểm đến là có thể cho đi/về trong ngày mà không cần điều kiện khác.
Đến khi đó, anh chủ nhà nói trên có thể yên tâm thuê thợ nề từ Quảng Nam hay người muốn đến Hội An du lịch, thăm bà con ở lại đêm cũng không cảm thấy quá rắc rối khi làm thủ tục.
Chủ yếu là nền tảng tại địa phương nơi đến thôi (cơ sở vật chất, đặc biệt về y tế, trình độ và số lượng cán bộ) có đáp ứng được lượng người đến và đến theo kiểu đó! (vào cái, rồi ra, rồi lại vào – hay vào rồi ở luôn, v.v…)
Cũng có yếu tố con người (cán bộ ngại, chưa đủ trình, và vài lý do vặt vãnh khác), nhưng trong trường hợp cụ thể này thì không phải lớn.
Qua đây cũng thấy thật khó: Đích thì đều nhắm tới kiểm soát dịch (chung), nhưng xuất phát điểm và tốc độ tiến của mỗi địa phương hoàn toàn khác nhau, rồi đối tượng cần kiểm soát cũng khác nhau; cho nên đòi hỏi quy định thống nhất là không thể.
Có lẽ phải nói thế này: Phải thống nhất trên những nét lớn (cái này Trung ương phải can thiệp, dứt khoát);
Nhưng khi đó, chính những “nét nhỏ” lại làm vướng !