Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng: Thủy điện điều tiết và thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trước tình hình nhiều nơi tại miền Trung ngập lụt sâu do mưa lớn kéo dài và các hồ thủy điện xả lũ, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ. Ảnh: Nguồn VOV

Theo công điện này được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đăng tải sáng 1-12, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao, phối hợp địa phương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, an toàn tuyệt đối cho công trình, đồng thời góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các bên liên quan lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân ở nơi sơ tán tập trung, không để người dân đói, rét trong bối cảnh khu vực các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên liên tiếp xảy ra mưa lớn kéo dài đồng thời các hồ thủy lợi, thủy điện phải xả nước điều tiết lũ để bảo đảm an toàn.

Nhiều nơi đã xảy ra ngập lụt sâu, sạt lở đường, gây chia cắt giao thông, một số người dân đã bị nạn do lũ cuốn, hàng chục ngàn hộ dân bị ảnh hưởng do ngập lụt, đặc biệt là tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên đã xảy ra ngập lụt sâu trên diện rộng.

Theo ghi nhận của KTSG Online, mưa lớn kéo dài những ngày qua cùng với các nhà máy thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên tiến hành xả lũ nên nhiều khu dân cư, công trình đường giao thông tại các địa phương miền Trung bị ngập và sạt lở.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, lượng mưa trong ba ngày từ ngày 27 đến trưa 30-11 tại Phú Yên phổ biến từ 122,2 mm đến 425,4 mm, trong đó nơi có lượng mưa lớn nhất tại xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) là 425,4 mm.

Hôm qua, mưa lớn khiến lưu lượng nước đổ về các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện lớn, Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ đã xả lũ và chạy máy khoảng 4.000 m3/giây.

Trong khi đó, Nhà máy Thủy điện Sông Hinh xả lũ và chạy máy 1.554 m3/giây. Còn Nhà máy thủy điện Krông H’năng xả lũ với lưu lượng 1.456 m3/giây. Riêng Nhà máy Thủy điện La Hiêng 2 lưu lượng nước chảy qua tràn là 518,36 m3/giây và lưu lượng nưới chạy máy là 21,25 m3/giây.

Tại Nam Trung bộ, hiện nay mực nước lũ trên sông đang xuống do mưa giảm, nhưng tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định vẫn ở mức cao. Sáng nay 1-12, hàng loạt thủy điện ở Gia Lai và Phú Yên vẫn đang xả lũ nhưng mức xả giảm hơn so với ngày 30-11.

Cụ thể tại Gia Lai, thủy điện An Khê sáng nay xả 320 m³/giây; thủy điện hồ Kanak xả 280 m³/giây.

Tại Phú Yên, lúc 5 giờ sáng nay 1-12, thủy điện Sông Ba Hạ vẫn xả 5.660 m³/giây; thủy điện Sông Hinh xả 709 m³/giây; thủy điện Krong H’năng xả 711 m³/giây.

Bộ đội dọn bùn tại một trường học ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bị "chìm" hơn một nửa trong các đợt mưa lũ năm ngoái cũng vào thời điểm này. Ảnh: Nhân Tâm

Trong khi đó, theo Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, mưa lũ đã làm một người chết.

Mưa lũ cũng gây nhiều thiệt hại, đặc biệt làm sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, kênh mương, bờ sông, đê suối ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Đến sáng 30-11, mưa lũ gây ngập lụt ở nhiều vùng, với mực nước lũ được đánh giá tương đương với đỉnh lũ lịch sử năm 2016.

Nhiều khu dân cư ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn) được cho là có địa hình cao hơn so với các khu vực ở phường Nhơn Hòa, nhưng từ rạng sáng nay, nước lũ cũng tràn về, gây ngập cục bộ nhiều nơi.

Tính đến 6 giờ 30 ngày 1-12, mưa lũ làm 59.739 nhà bị ngập (Bình Định 31.100 căn, Phú Yên 28.639 căn). Lực lượng chức năng đã sơ tán dân tại chỗ 6.030 hộ dân tại Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa để tránh lũ.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia sáng 1-12, tình trạng ngập lụt tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Gia Lai đang giảm dần. Tuy nhiên, sẽ có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Bên cạnh đó không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở khu vực Nam Trung bộ những ngày tới.

Chiều 30-11, một quả đồi lớn bất ngờ sạt lở, hàng ngàn khối đất đá đổ xuống tuyến đường dẫn vào làng Tắc Pét - Măng Tông, thôn 5, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đây là khu vực rất gần nhà người dân. Rất may, thời điểm xảy ra vụ sạt lở không có phương tiện lưu thông qua đường.Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã căng dây, cắm biển cảnh báo để người dân không đến gần. Ba ngày qua, mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu vực trên địa bàn huyện Nam Trà My bị sạt lở nặng.Huyện Nam Trà My cũng đã sơ tán trên một ngàn người dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở. Chính quyền địa phương đã vận động di dời xen ghép 24 hộ dân, cảnh báo nguy cơ sạt lở đối với 120 hộ ở các thôn để bà con chủ động phòng ngừa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới