(KTSG Online) - Lạm phát tăng tốc, chiến sự ở Ukraine và các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc đã làm suy yếu thương mại quốc tế trong tháng 3, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn khó khăn khi giới hoạch định chính sách phải xoay sở tìm cách duy trì tăng trưởng.
Dữ liệu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều chỉ ra sự thoái lùi trong thương mại toàn cầu khi người tiêu dùng châu Âu chịu sức ép lớn trước đà tăng giá năng lượng, và các nhà máy ở Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến bị đặt dưới lệnh phong tỏa. Cơn khát hàng nhập khẩu của Mỹ vẫn được duy trì nhưng có khả năng bị thách thức khi lạm phát và lãi suất tăng, ảnh hưởng đến sức chi tiêu của người tiêu dùng.
Tuần tới, các bộ trưởng tài chính và thống độc ngân hàng trung ương của các nước sẽ tụ họp tại Washington D.C. (Mỹ) để thảo luận về những thách thức đối với nền kinh tế thế giới, vốn đang được dự báo sẽ tăng chậm lại rõ rệt trong năm nay.
Trong những dự báo mới nhất, được công bố hôm 12-4, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ mở rộng 2,8% trong năm 2022, thấp hơn mức trung bình 3% trong giai đoạn 2010-2019. WTO kỳ vọng thương mại hàng hóa toàn cầu chỉ tăng 3% sau điều chỉnh lạm phát, so với mức 9,8% vào năm 2021. Theo WTO, nguyên nhân là do cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine làm gián đoạn hoạt động thương mại ở các mặt hàng thiết yếu như ngũ cốc và phân bón, đồng thời các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc một lần nữa làm “gián đoạn thương mại đường biển vào thời điểm mà áp lực chuỗi cung ứng dường như đang dịu lại”.
Xuất nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu
Xuất khẩu của Trung Quốc chậm lại về mức tăng trưởng hàng năm 15% trong tháng 3, so với 16% trong tháng 1 và tháng 2 gộp lại, theo dữ liệu của Tổng Cục hải quan Trung Quốc công bố hôm 13-4.
Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cao cấp ở Công tư vấn Capital Economics, nói rằng sau khi điều chỉnh yếu tố mùa vụ, ông ước tính tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 giảm 6% so với tháng 1. Nếu loại bỏ tác động của giá trị xuất khẩu tăng cao nhờ giá cả hàng hóa tăng vọt, Pritchard cho rằng tháng trước chứng kiến mức giảm doanh số xuất khẩu mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng lên ở Trung Quốc vào đầu năm 2020.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên minh châu Âu và Đông Nam Á cũng như Nga đều chậm lại vì các lệnh trừng phạt của phương Tây làm gián đoạn giao thương của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Angus Lin, Giám đốc kinh doanh Công ty Dian Pet Products Co., chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho thú cưng, có trụ sở tại TP. Ôn Châu, cho biết tình trạng tắc nghẽn logistics do đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở Thượng Hải đã khiến các chuyến hàng chuyển cho khách hàng nước ngoài bị đình trệ, trong khi đơn đặt hàng từ châu Âu giảm sau khi chiến sự ở Ukraine nổ ra. Ông nói đường sá bị phong tỏa và các hạn chế khác khiến việc vận chuyển hàng đến cảng Thượng Hải đúng giờ trở nên khó khăn. Ông nói: “Hiện nay, gần như mọi đơn hàng của chúng tôi đều bị ảnh hưởng”.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy những luồng gió ngược đối với thương mại toàn cầu, nhập khẩu của Trung Quốc giảm do nước này đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong hai năm qua, dẫn đến các quyết định phong tỏa ở các khu vực xa xôi như Cát Lâm ở phía đông bắc và trung tâm công nghệ Thâm Quyến ở phía nam, khiến hàng chục triệu người phải ở nhà.
Giới chức trách đã thực hiện các bước đi nhỏ để nới lỏng tình trạng phong tỏa ở Thượng Hải, thành phố đông dân nhất của Trung Quốc, nhưng các hạn chế kiểm soát Covid-19 tiếp tục làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa qua thành phố này.
Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 giảm 0,1% so với một năm trước đó và đây lần đầu tiên nước này ghi nhận sự sụt giảm nhập khẩu hàng năm kể từ tháng 8 năm 2020.
Craig Botham, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Công ty Pantheon Macroeconomics cho biết: “Nhập khẩu của Trung Quốc giảm rõ ràng là tin rất xấu cho thương mại toàn cầu”.
Giá trị kim ngach nhập khẩu từ Nga của Trung Quốc tăng 26% trong tháng 3, chậm lại so với tốc độ 36% của hai tháng đầu năm. Các nhà phân tích cho biết nếu loại bỏ tác động tăng giá của các mặt hàng năng lượng, nhập khẩu từ Nga có thể sẽ giảm trong tháng 3, cho thấy Trung Quốc không đẩy mạnh mua những lô hàng dầu thô của Nga, vốn đang bị nhiều nước phương Tây xa lánh.
Nhà kinh tế Evans-Pritchard ước tính sau khi điều chỉnh yếu tố mùa vụ và lạm phát, doanh số nhập khẩu tổng thể của Trung Quốc trong tháng 3 giảm 10% so với tháng 2.
Các cường quốc xuất khẩu khác ở châu Á cũng chịu sức ép
Dữ liệu ảm đạm từ Trung Quốc là đỉnh điểm của một loạt các tín hiệu thương mại suy yếu từ các cường quốc xuất khẩu của châu Á, cho thấy sự gián đoạn trong dòng chảy thương mại toàn cầu, vốn là động lực giúp khu vực này phục hồi sau cao trào của đại dịch Covid-19 vào năm 2020.
Chiến sự ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã khiến giá hàng hóa và năng lượng tăng mạnh. Điều này đẩy tăng chi phí của các doanh nghiệp, làm gián đoạn các chuỗi ung ứng và bào mòn nhu cầu ở châu Âu, nơi người tiêu dùng đang “méo mặt” vì giá khí đốt và xăng tăng vọt.
Đối với các nhà xuất khẩu châu Á, cuộc chiến không khoan nhượng của Trung Quốc chống lại biến thể Omicron đồng nghĩa với việc các nhà máy ở nước này giảm lượng đơn đặt hàng mua chip và các linh kiện khác sử dụng trong các thiết bị điện tử và xe cộ. Đồng thời, nhu cầu của Trung Quốc đối với thành phẩm của chính họ làm ra cũng thấp hơn.
Các cuộc khảo sát đối với nhà quản trị mua hàng tại các nhà sản xuất ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản trong tháng này đều ghi nhận đơn hàng xuất khẩu của họ giảm mạnh nhất trong gần hai năm. Dữ liệu thương mại chính thức của Đài Loan và Hàn Quốc cũng đang suy giảm. Sau khi điều chỉnh các yếu tố mùa vụ, các nhà kinh tế tại Ngân hàng Goldman Sachs ước tính xuất khẩu của Đài Loan trong tháng 3 giảm 9% so với tháng 2, trong khi đó, xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ tăng 0,5%.
Hãng xe Hyundai của Hàn Quốc cho biết doanh số bán hàng ở nước ngoài trong tháng 3 giảm 14% so với một năm trước đó do công ty phải chống chọi các vấn đề chuỗi cung ứng, bao gồm cả việc đóng cửa một nhà máy tại Nga.
Brian Tan, nhà kinh tế phụ trách khu vực châu Á của chi nhánh ngân hàng Barclays ở Singapore, nói: “Chúng ta chắc chắn đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Tình hình sẽ tiếp tục khá bất ổn, đặc biệt là trong những tháng tới khi Trung Quốc quyết liệt tìm cách dập tắt cơn bùng phát Covid-19”.
Theo Wall Street Journal