Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

KTSG số 21-2022: Kinh tế Việt Nam trước các trào lưu thế giới

Tòa soạn KTSG

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cách mạng công nghệ, đại dịch Covid-19 và những biến động kinh tế, chính trị trên thế giới đang thúc đẩy những trào lưu mới và ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam có mức độ hội nhập cao.

Tại buổi thuyết trình của giáo sư Trần Văn Thọ về vấn đề này hôm 23-5 tại hội trường Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, giáo sư đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam: cần công nghiệp hóa thâm sâu, đẩy mạnh thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và giảm phụ thuộc vào hai nước này; dòng chảy vốn FDI cũng cần định hướng theo mục tiêu ấy…

Nhiều khuyến nghị định hướng chiến lược cho Việt Nam đến năm 2045 cũng được giáo sư chia sẻ tại sự kiện này, và Hoàng Minh đã ghi lại trong bài tựa đề Kinh tế Việt Nam trước các trào lưu mới của thế giới đăng trên KTSG bản in phát hành vào sáng mai, 26-5.

Các đề tài kinh tế - xã hội khác trên cùng số báo:

Từ PAPI của UNDP đến Report của WB (Hiệu Minh): Cả báo cáo PAPI của UNDP và Report 2021 của WB đều hướng đến mục tiêu giúp Việt Nam đạt được khát vọng cường thịnh. Vấn đề là Việt Nam sẽ tiếp nhận và thực hiện những nội dung tư vấn này như thế nào?

Kiểm soát chặt vay vốn nước ngoài - Có đi ngược xu hướng? (Tuệ Nhiên): Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư thay thế Thông tư 12 quy định điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, theo hướng kiểm soát chặt hơn.

Thời hạn sở hữu không phải là lời giải cho bài toán… chung cư cũ (Đào Phan): Vấn đề an toàn của chung cư không nhất thiết liên quan đến quy định thời hạn sử dụng chung cư hay thời hạn thuê đất, mà phải dựa vào các quy định tiêu chuẩn an toàn trong ngành.

Sở hữu có thời hạn chung cư, nhìn từ Singapore (Phan Minh Ngọc): Ở Singapore, thời hạn sử dụng căn hộ chung cư thực ra là thời hạn thuê đất (từ nhà nước). Khi hết hạn thuê đất thì người thuê phải ra đi mà không được đền bù. Còn đất thuộc sở hữu tư nhân không có thời hạn thuê, nên về mặt kỹ thuật, cũng không có thời hạn sử dụng căn hộ hay công trình xây dựng trên đó.

Người vay mua nhà lo… lãi suất tăng (Thụy Lê): Các khoản cho vay mua nhà luôn bị kiểm soát chặt và cũng là nhóm chịu hệ số rủi ro cao nhất khi tính toán hệ số an toàn vốn của các ngân hàng.

Nhìn lại kinh tế hợp tác xã (Bùi Trinh): Phải chăng để kinh tế tập thể thực sự có đóng góp quan trọng vào GDP thì cần thay đổi Luật Đất đai và chính sách? Hiện nay không ít hợp tác xã nông nghiệp cũ hầu như không có sản xuất gì mà chỉ tồn tại để giữ đất.

Nhịp phục hồi chỉ mang tính kỹ thuật! (Thanh Thủy): Đã có ý kiến nhận định VN-Index có thể tăng trở lại vùng 1.280-1.300 điểm, nhưng với phiên lao dốc trở lại ngay đầu tuần này thì dường như khả năng đó đang gặp thách thức.

Cổ phiếu - rẻ hay chưa? (Triêu Dương): Nằm trong nhóm thị trường giảm mạnh nhất trong một tháng rưỡi qua, chứng khoán Việt Nam có vẻ như đã đủ rẻ để thu hút nhà đầu tư mua vào.

Trái phiếu xanh - cơ hội lớn nhưng cần “bệ đỡ” (Lưu Minh Sang): Trái phiếu xanh là kênh huy động vốn hiệu quả cho các dự án bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh. Việt Nam vẫn chưa biết tận dụng cơ hội này.

Hãy đứng vững ở “sân nhà” trước khi vươn ra toàn cầu (Phạm Lê): Đã đến lúc cần có cách tiếp cận toàn diện và cụ thể trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia để vươn ra môi trường kinh doanh toàn cầu, và trong quá trình ấy, doanh nghiệp không nên xem nhẹ thị trường nội địa.

Đối thoại tại nơi làm việc và quy chế dân chủ (LS. Đinh Quang Thuận - LS. Hoàng Phước): “Đối thoại tại nơi làm việc” là một thủ tục phải có nhằm xây dựng mối quan hệ lao động ở nơi làm việc, và để thực hiện việc này thì không thể tách rời “quy chế dân chủ”.

Chaebol Hàn Quốc sẽ “trả lương kiểu Mỹ”? (Hồ Nguyên Thảo): Không ít tập đoàn Hàn Quốc đã phải điều chỉnh cách tính lương trước yêu cầu của nhân viên cấp thấp.

Du lịch xanh, tiếng gọi từ thị trường (Đào Loan): Chọn các tuyến du lịch thân thiện với môi trường, những điểm đến du lịch văn hóa bản địa…, du khách ngày nay cho thấy sự chuyển hướng trong nhận thức về môi trường sống và môi trường tự nhiên.

Nhếch nhác cơi nới: đâu phải do nghèo? (Song Nghi): Một khi chính quyền địa phương và chủ đầu tư khu đô thị kiên quyết duy trì thiết kế theo quy hoạch chung thì dân cư trong khu vực không dễ vi phạm.

Căn cước là để xác định nhân thân (mục Ý kiến): Nên tăng cường bảo mật thông tin trên thẻ căn cước công dân, đồng thời hạn chế sử dụng thẻ căn cước công dân vào những hoạt động dân sự không cần thiết.

Tầm nhìn trăm năm! (Nguyễn Hoàng Chương): Sự tác động lẫn nhau để đạt thịnh vượng chung đòi hỏi sự vun trồng những con người, những thế hệ người không chỉ thông minh, cần cù, chịu khó mà còn có trách nhiệm với bản thân, đất nước và cả cộng đồng chung trên Trái đất.

Sức mạnh của lời “cám ơn” (Nguyễn Quang Bình): Lòng biết ơn có giúp con người khỏe mạnh hơn không? Kết quả nghiên cứu khá bất ngờ khi cho biết người tỏ ra biết ơn có huyết áp và nhịp tim thấp hơn những người khác…

Trở lại vườn văn Võ Hồng (Nguyễn Thị Thanh Xuân): Nghĩ về Võ Hồng lại nhớ đến Nguyễn Hiến Lê. Hình như hai người rất gần nhau về quan niệm nghệ thuật và cách thế sống.

Nhóm chat (Vũ Thị Huyền Trang): Những nhóm chat trên mạng ảo cho chúng ta không ít tình bạn thật và những đối đãi thân tình.

Luật dữ liệu: bài toán niềm tin (Huỳnh Thiên Tứ): Là chủ tài khoản trên nền tảng số, ai cũng có cảm giác lo lắng: không biết hệ thống của bên cung cấp có đủ sức chống lại hacker hay không, có ai khác “đọc” được dữ liệu về mình hay không…

Toàn cầu hóa đang dần thay đổi? (Lê Thiên Hương): Sau một số chính sách “nước Mỹ trên hết” phản toàn cầu hóa của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, thì đại dịch Covid-19 và tiếp theo là cuộc chiến Nga - Ukraine đã và đang làm thay đổi bộ mặt của toàn cầu hóa.

Ông Elon Musk không dễ rút khỏi thương vụ mua Twitter (Song Thanh): Tỉ phú Elon Musk gây chấn động khi thông báo thương vụ mua lại Twitter bị tạm dừng bởi vấn đề tài khoản giả mạo. Tuyên bố này đang làm dấy lên nhiều đồn đoán xung quanh động cơ thực sự của vị tỉ phú giàu nhất thế giới.

Lạm phát, doanh nghiệp và người giàu (Nguyễn Vũ): Lạm phát luôn gây ra những tranh cãi về nguyên nhân. Tuần trước, giữa tỉ phú Jeff Bezos và Tổng thống Joe Biden đã nổ ra cuộc đôi co về chuyện ai là kẻ gây nên lạm phát.

Trung Quốc phải chi hàng ngàn tỉ đô để vực dậy nền kinh tế (Ngân Diệp): Trung Quốc dự kiến sẽ bơm hơn 5.300 tỉ đô la Mỹ trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế. Con số này thậm chí có thể còn tăng cao hơn nếu tình hình không sớm cải thiện.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc - các nước ASEAN phải lo! (Lạc Diệp): Các quốc gia ASEAN cần sẵn sàng đối mặt với một môi trường thương mại khó khăn hơn khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại. Những nỗ lực tăng cường thương mại với Mỹ là chưa đủ bù đắp sự sụt giảm về nhu cầu.

Bong bóng công nghệ đang xẹp? (Thư Kỳ): Hàng loạt tập đoàn công nghệ trải qua sự bùng nổ giá cổ phiếu trong mấy năm gần đây và nay thì hàng loạt bong bóng căng phồng đang xẹp nhanh.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới