(KTSG Online) - Chỉ số phục hồi kinh tế sau Covid-19 (Covid-19 Recovery Index) của Việt Nam đứng 14 thế giới trong tháng 5-2022, tăng 48 bậc so với thời điểm cuối năm 2021.
Thông tin này được chia sẻ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022 diễn ra ngày 4-6. Theo đó, Việt Nam đã tăng 48 bậc trên bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi Covid-19 của Nikkei Asia, vươn lên vị trí thứ 14 nhờ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đạt tỉ lệ bao phủ vaccine cao và áp dụng các chính sách mở cửa nền kinh tế.
Về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 5-2022, báo cáo của các bộ, ngành tại phiên họp cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ - cao hơn mức tăng 1,29% của năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng giai đoạn 2017-2020. Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định với tín dụng tăng 7,73% so với cuối năm 2021. Còn thu ngân sách nhà nước ước đạt 57,1% dự toán.
Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, tháng 5-2022 tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 5 tháng, chỉ số này tăng 8,3%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2%.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so cùng kỳ.
Chỉ số PMI sản xuất các ngành công nghiệp tháng 5 đạt 54,7 điểm, mức cao nhất trong vòng 13 tháng và đánh dấu tháng thứ 8 liên tiếp đạt trên 50 điểm. Điều này có nghĩa hoạt động sản xuất tiếp tục mở rộng kể từ tháng 10-2021.
Thương mại và dịch vụ tháng 5 sôi động phục hồi mạnh mẽ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 22,6% so cùng kỳ năm trước, tính chung 5 tháng tăng 9,7%.
Xuất khẩu 5 tháng tăng 16,3%, nhập khẩu tăng 14,9%, xuất siêu khoảng 516 triệu USD. Khách quốc tế tháng 5 gấp 12,8 lần cùng kỳ; 5 tháng tăng 4,5 lần.
Vốn FDI thực hiện 5 tháng đạt 7,71 tỉ đô-la Mĩ, tăng 7,8% và thu hút FDI xanh là xu hướng ngày càng rõ nét.
Số doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường đạt khoảng 100.000, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui.
Về việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định của để cụ thể hóa các chính sách phục hồi và phát triển. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 05/2022 hướng dẫn có hệ thống và có nhiều điểm mới về nội dung chi và quản lý "Quỹ phát triển khoa học và công nghệ"của doanh nghiệp.
Các văn bản còn lại đang trong quá trình xây dựng và sẽ được ban hành trong thời gian tới gồm 2 văn bản về cơ chế đặc thù chỉ định thầu và phân cấp dự án giao thông cho địa phương, thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình "Sóng và máy tính cho em.
Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, phương án điều chỉnh linh hoạt giữa nguồn vốn Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn; trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư 03 dự án đường cao tốc quan trọng quốc gia sử dụng vốn Chương trình.
Việc thực hiện các chính sách cũng đạt kết quả đáng ghi nhận, qua thống kê sơ bộ đạt hơn 22.000/301.000 tỉ đồng.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam hiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình khu vực và thế giới diễn biến khó lường với giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng, dầu tăng cao khi chịu tác động từ xung đột Nga-Ukraine và chính sách của các quốc gia sau dịch Covid-19.
Ngoài ra, vệc giải ngân đầu tư công chưa được cải thiện mạnh mẽ, hoạt động đăng ký dự án đầu tư có vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) có xu hướng giảm.
“Cần đặc biệt chú ý sức ép lạm phát tăng mạnh. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn rủi ro. Nợ xấu có xu hướng tăng”, Thủ tướng lưu ý.
Về nhiệm trọng tâm trong tháng 6 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung làm tốt một số phần việc.
Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt. Đồng thời, phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh, bền vững, hiệu quả, xử lý nghiêm các sai phạm nhưng bảo vệ những người làm ăn chân chính.
Với đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm để vừa giải quyết các nút thắt, bức xúc của nhân dân, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phát triển đột phá chiến lược về hạ tầng.
Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt. Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai nhanh, có hiệu quả các quyết định của Thủ tướng Chính phủ để giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương và dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Với công tác cổ phần hóa, Thủ tướng cho rằng cần đánh giá lại tình hình thực tiễn và việc triển khai thời gian qua, xây dựng chương trình, mục tiêu, giải pháp phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thúc đẩy công tác cổ phần hóa, bảo đảm hiệu quả, đưa các doanh nghiệp phát triển, không thất thoát tài sản nhà nước, không mất cán bộ.
Với công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu tập trung đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine nhưng phải bảo đảm an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em.
Ngoài ra, Bộ Y tế có hướng dẫn về việc thực hiện 5K phù hợp tình hình mới. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi quy định tiêm vaccine.
Căn cứ tình hình thực tế để sử dụng hiệu quả khoản kinh phí 46.000 tỉ đồng được bố trí dành cho nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.
Theo Thủ tướng, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, những dịch bệnh khác có thể nổi lên. Vì vậy, phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm vaccine, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng chống dịch bệnh.