Thứ sáu, 1/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các đồng tiền Đông Nam Á chống đỡ ra sao trước đà tăng giá của đô la?

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong bối cảnh đô la tăng giá mạnh, các đồng tiền ở Đông Nam Á vẫn giữ giá khá tốt so với các đồng tiền của các nước phát triển khác khi nền kinh tế của khu vực này mở cửa trở lại. Dù bị tổn thương trước đà tăng giá của đồng bạc xanh, khả năng chống chịu của các đồng tiền ở Đông Nam Á đã cải thiện nhiều so với trước đây một phần nhờ các yếu tố cơ bản của nền kinh tế trở nên vững mạnh hơn.

Trong năm nay, đồng đô la Singapore chỉ giảm giá 3,5% so với đô la Mỹ nhờ Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) nhanh chóng thắt chắt chính sách tiền tệ. Ảnh: Yahoo News

Đồng rupiah của Indonesia và đô la Singapore giảm ít hơn một nửa so với đồng euro, vốn mất đến 11% giá trị so với đô la Mỹ trong năm nay. Tại Malaysia, đồng ringgit giảm giá 6,55% so với đồng đô la trong 7 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã đẩy đồng yen giảm 17% so với đô la trong năm nay.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hành động quyết liệt trong những tháng gần đây để tăng lãi suất trong nỗ lực giải quyết tình hình lạm phát nóng bỏng. Lập trường chính sách đó đã đẩy đồng đô la tăng mạnh hơn và gây áp lực lên đồng tiền của một số thị trường phát triển và mới nổi.

Nhưng một số nước Nam Á và Đông Nam Á đã phản ứng nhanh chóng trước các động thái của Fed, giúp tiền tệ của họ chỉ giảm trung bình khoảng 7% trong năm so với mức giảm trung bình hơn 11% đối với các đồng tiền ở châu Âu, theo tính toán của Financial Times dựa trên dữ liệu của Bloomberg.

“Trong năm 2013, nhiều đồng tiền trong khu vực bị tổn thương khi Fed rút lại chính sách nới lỏng định lượng và khi đó, các yếu tố cơ bản của chúng yếu hơn so với bây giờ”, Mansoor Mohi-uddin, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Singapore nói khi ám chỉ đến động thái thu hẹp chương trình mua tài sản của Fed cách đây một thập niên.

Ông cho biết trong thời gian qua, một số ngân hàng trung ương trong khu vực Đông Nam Á đã nhanh chóng hơn trong việc thắt chặt chính sách hoặc thậm chí chủ động hành động trước Fed. Bên cạnh đó, vấn đề thâm hụt tài khoản vãng lai, vốn khiến khu vực dễ bị tổn thương trong quá khứ, không còn là mối lo ngại lớn.

Mohi-uddin nói: “Điều này giúp tạo ra một tấm khiên bảo vệ tỷ giá hối đoái cho các nước trong khu vực”. Ông cho rằng việc trì hoãn mở cửa kinh tế lâu hơn của các nước ASEAN sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 cũng giúp bảo vệ đồng tiền của họ.

Trong năm nay, giá đồng đô la Singapore giảm chỉ 3,5% so với đô la khi Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) nhanh chóng thắt chắt chính sách tiền tệ để ứng phó với các động thái chống lạm phát mạnh mẽ của của Fed.

Irene Cheung, chiến lược gia cấp cao phụ trách khu vực châu Á tại Ngân hàng ANZ, cho rằng tiền tệ của Singapore trụ vững trong cơn bão tỷ giá hối đoái “đầu tiên là nhờ lập trường chính sách rất chủ động của MAS và thứ hai là nhờ sự hồi sinh mà chúng ta đang thấy trong lĩnh vực du lịch và viễn thông của nước này”.

Bà nói thêm rằng trong khi Singapore dễ bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá đáng kể của các mặt hàng năng lượng vốn đang gây tổn thương nặng nề cho các nền kinh tế châu Âu, các nước có nền kinh tế  đặt trọng tâm xuất khẩu trong khu vực bao gồm Indonesia và Malaysia thực sự được hưởng lợi từ giá cả hàng hóa cao hơn.

Cheung cho biết: “Đồng rupiah của Indonesia đã suy yếu nhưng không đến mức tồi tệ như thời điểm bắt đầu đại dịch Covid-19. Bà nói dù Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) thậm chí chưa tăng lãi suất trong năm nay, nhưng Indonesia vẫn có thặng dư thương mại rất tốt nhờ xuất khẩu các mặt hàng bao gồm khí đốt tự nhiên và dầu cọ.

Khả năng chống chịu tốt của đồng rupiah của Indonesia và đồng ringgit của Malaysia trước đà tăng giá của đô la cũng được hỗ trợ bởi các dòng tiền đầu từ bên ngoài. Dữ liệu của Ngân hàng JPMorgan cho thấy vốn ngoại mua ròng lần lượt 5,4 tỉ và 1,3 tỉ đô la chứng khoán của Indonesia và Malaysia trong năm nay.

Thái Lan vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,5% kể từ tháng 5-2020 để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Điều này khiến đồng baht giảm giá khá mạnh so với đồng đô la. Nhưng Thái Lan không quá lo lắng vì đồng baht suy yếu giúp ngành du lịch và hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á được hưởng lợi

Pisit Puapan, giám đốc Văn phòng chính sách kinh tế vĩ mô thuộc Vụ chính sách tại khóa của Bộ Tài chính Thái Lan, cho rằng tác động tích cực từ việc đồng baht giảm giá vượt trội so với tác động tiêu cực vì 67% GDP của Thái Lan phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Hôm 15-7, giá đồng baht giảm xuống mức 36,73 ăn 1 đô la Mỹ, thấp nhất trong 15 năm qua. Don Nakornthab, giám đốc cấp cao ở Ủy ban chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô ở Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT), cho biết sự suy yếu của đồng baht đồng điệu với đà giảm giá tiền tệ của các đối tác thương mại khác và BoT chỉ sẵn sàng can thiệp nếu đồng baht giảm giá quá mạnh.

Theo Daranee Saeju, giám đốc cấp cao ở Ủy ban các thị trường tài chính của BoT, dù đồng baht giảm giá sâu đến 7,6% so với đô la vào đầu tháng 7, nhưng nếu xét tỷ giá của đồng baht với các đồng tiền khác, hay còn gọi còn là tỷ giá hối đoái danh nghĩa đa phương, đồng baht chỉ thực sự giảm giá chỉ khoảng 1,5%.

Theo Financial Times, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới