Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Công ty con kiện công ty mẹ

Thư Kỳ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ai đời một công ty con hoàn toàn thuộc sở hữu một công ty mẹ lại đi kiện công ty mẹ ra tòa - thế nhưng câu chuyện khó tin này đang xảy ra với tập đoàn Unilever và công ty con chuyên làm kem Ben&Jerry’s.

Kem Ben&Jerry’s - Ảnh: Klook

Thập niên 1970, Ben Cohen và Jerry Greenfield là bạn học, sau khi ra trường họ rủ nhau lập nghiệp, lúc đầu định làm bánh bagel nhưng do máy móc đầu tư khá đắt đỏ, họ chuyển sang làm kem. Nhờ những ý tưởng độc đáo vào thời điểm đó như trộn sô cô la hay đậu vào kem, họ nhanh chóng xây dựng được một thương hiệu kem, giá đắt hơn kem thường một tí nhưng đổi lại sẽ cho khách những trải nghiệm thú vị mới lạ. Thương hiệu kem Ben&Jerry’s nhanh chóng phát triển và lan rộng.

Độc đáo hơn nữa là quan điểm xây dựng doanh nghiệp của hai anh chàng bạn thân này: họ cho mình có một sứ mệnh xã hội là đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng và đối xử bình đẳng. Thế là họ ra quy định cấp cao nhất trong công ty không được hưởng lương cao quá công nhân lương thấp nhất 5 lần. Ben và Jerry luôn phát biểu về các vấn đề nóng của xã hội như lên tiếng ủng hộ cộng đồng LGBTQ, ứng phó với biến đổi khí hậu hay chống phân biệt chủng tộc…

Thập niên 1990, khi hãng kem Ben&Jerry’s đang gặp khó khăn về tài chính thì tập đoàn Unilever xuất hiện. Mặc dù họ có là nhà sản xuất kem lớn nhất thế giới nhưng chưa sở hữu một nhãn hiệu kem cao cấp nào nên muốn mua Ben&Jerry’s nhằm cạnh tranh với một nhãn kem cao cấp khác lúc đó là Haagen-Dazs. Thoạt tiên Ben và Jerry không chịu bán, vì họ sợ khi rơi vào tay một tập đoàn lớn, các giá trị xã hội mà họ dày công xây dựng sẽ bị gạt sang một bên.

Cuối cùng Unilever thỏa thuận một cách dàn xếp chưa từng có: Unilever đồng ý cho Ben&Jerry’s sau khi về với mình vẫn được tổ chức hội đồng quản trị riêng, bao gồm chủ yếu các thành viên độc lập (9 người), chỉ có hai người do Unilever cử sang. Hội đồng này được toàn quyền trong lĩnh vực bảo vệ thương hiệu và các giá trị xã hội do Ben và Jerry đặt ra. Nói cách khác, dù bán công ty cho Unilever, Ben và Jerry vẫn kiểm soát được sứ mệnh xã hội của công ty mình sáng lập, Unilever kiểm soát các khía cạnh kinh doanh khác. Cách dàn xếp này là chưa có tiền lệ nên được các trường kinh doanh đưa vào giảng dạy, trở thành một trường hợp nghiên cứu điển hình.

Năm 2000, Unilever mua lại Ben&Jerry’s với giá 326 triệu đô la; hai ông làm thành viên hội đồng quản trị trong mấy năm rồi cũng rút lui nhưng những thành viên độc lập kế tục hbai ông vẫn duy trì các hoạt động xã hội như ủng hộ hôn nhân đồng tính, ủng hộ người nhập cư... Unilever không phản đối gì mà còn khoe Ben&Jerry’s như một tấm gương về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Mãi cho đến một vụ gần đây mang tính chính trị: hãng kem tuyên bố sẽ ngưng bán kem ở bờ Tây và Đông Jerusalem nơi có những khu định cư của Israel. Nhiều nước cho rằng đây là những khu vực của người Palestine và việc Israel xây dựng các khu định cư là trái với quyết định của Liên hiệp quốc. Chính phủ Israel bác bỏ những cáo buộc này.

Nói là ngưng bán kem Ben&Jerry’s ở đây, nhưng thật ra là ngưng hợp đồng nhượng quyền thương mại cho một công ty sản xuất kem cho thị trường Israel khi hợp đồng này hết hạn vào cuối năm 2022. Quyết định này được hiểu là một sự phản đối chính sách của Israel đối với người Palestine, nhất là việc xây dựng các khu định cư làm căng thẳng thêm tình hình.

Ngược lại, Chính phủ Israel xem đây là một thái độ bài Do thái đáng lên án, rằng họ đang xúi giục tẩy chay Israel. Thậm chí Bộ Kinh tế nước này còn cho phát một video trên TikTok chiếu cảnh vứt bỏ kem Ben&Jerry’s vào thùng rác!

Thoạt tiên Unilever ủng hộ Ben&Jerry’s, nhưng sau khi bị chính quyền Israel cảnh báo sẽ có những hậu quả từ quyết định của Ben&Jerry’s, rồi thêm sức ép từ các quỹ đầu tư dọa sẽ bán cổ phiếu Unilever và từ chính nội bộ Unilever, tập đoàn này thay đổi thái độ.

Tháng 6-2022 họ tuyên bố tách hoạt động của Ben&Jerry’s tại Israel ra rồi bán lại cho một công ty phân phối địa phương, có nghĩa kem Ben&Jerry’s vẫn sẽ xuất hiện ở bờ Tây và Đông Jerusalem, trái ngược với mong muốn của hãng kem này.

Hội đồng quản trị Ben&Jerry’s họp, bàn bạc và cuối cùng quyết định sẽ kiện Unilever về chuyện bán để ngăn cản thương vụ này. Nhưng Unilever đang nhanh tay hơn, chỉ trong vòng vài ngày đã hoàn tất chuyện mua bán, Ben&Jerry’s coi như không thể làm gì để ngăn cản.

Theo Wall Street Journal, vụ kiện được chuyển hướng, không ngăn được chuyện bán thì nay họ đòi ngăn công ty mới đổi tên kem cho dù họ sẽ đặt theo kiểu kem ủng hộ Palestine.

Mục đích thứ nhì của vụ kiện là làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của Unilever khi thực thi các cam kết ngày xưa lúc mua Ben&Jerry’s. Vụ kiện có lẽ rồi chẳng đi đến đâu vì dù sao đây là mối quan hệ giữa hai công ty mẹ - con; có lẽ hai bên sẽ đóng cửa thương lượng với nhau để dàn xếp ngoài tòa, tìm một giải pháp dung hòa hai bên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới