Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đồng Tháp sẽ có 1.225 héc ta nuôi cá tra đạt GAP, xuất khẩu khoảng 980 triệu đô la Mỹ

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra đến năm 2025. Trong đó, sẽ có 1.225 héc ta sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và kim ngạch xuất khẩu đạt 980 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Đến năm 2025, xuất khẩu cá tra Đồng Tháp đạt 980 triệu đô la Mỹ. Ảnh: Trung Chánh

Mục tiêu của kế hoạch nêu trên sẽ phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cụ thể, đến năm 2025, diện tích thả nuôi cá tra đạt 2.450 héc ta, sản lượng đạt 555.000 tấn (tương đương giá trị sản xuất đạt trên 9.046 tỉ đồng, chiếm 17,2% cơ cấu ngành nông, lâm, thuỷ sản). Trong đó, có 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp sản xuất tốt (GAP), tức có khoảng 1.225 héc ta diện tích đạt chứng nhận GAP.

Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu cá tra của tỉnh Đồng Tháp đạt 980 triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Tỉnh Đồng Tháp cũng đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 đối với ngành hàng cá tra sẽ có 100% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện theo quy định; 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định; 90% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Ngoài ra, Đồng Tháp cũng đặt chỉ tiêu phấn đấu có trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao; đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột phải sử dụng đàn cá cải thiện di truyền.

Kế hoạch cũng đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, có 60% diện tích vùng nuôi có hệ thống xử lý nước thải, bùn thải theo quy định; 100% nguồn nước cấp trên dòng sông chính được quan trắc thường xuyên theo quy định.

Có 85-90% cơ sở nuôi cá tra cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Trong đó, trên 90% số lượng cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu đạt chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương). Phấn đấu đạt mục tiêu chung của ngành cá tra là chiếm 10-15% thị phần tiêu thụ nội địa trên tổng sản lượng.

Tại hội nghị giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng giống cá tra diễn ra mới đây tại tỉnh Đồng Tháp, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Đồng Tháp là địa phương sản xuất cá tra đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với diện tích chiếm 33% (diện tích nuôi cá tra cả vùng ĐBSCL đạt khoảng 5.600-5.700 héc ta) và sản lượng chiếm khoảng 35% của toàn vùng (sản lượng cá tra của vùng ĐBSCL đạt 1,5-1,6 triệu tấn).

Theo ông Tuấn, tỉnh Đồng Tháp có 76 cơ sở cho cá sinh sản và 1.104 cơ sở ương giống cá tra, cung cấp khoảng 20 tỉ con cá tra bột và khoảng 1,3 tỉ con cá giống, đủ cho nhu cầu nuôi thương phẩm trong tỉnh và một số địa phương lân cận.

Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong tháng 8-2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt trên 187 triệu đô la Mỹ, tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, loại thuỷ sản này đã mang về cho Việt Nam gần 1,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, ngoại trừ thị trường Nga, xuất khẩu cá tra bị sụt giảm 12% do chiến sự làm gián đoạn xuất khẩu trong tháng 3 và tháng 4, thì những thị trường khác đều ghi nhận mức tăng trưởng rất cao. Trong đó, kim ngạch cá tra sang Trung Quốc tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, đạt gần 500 triệu đô la Mỹ; xuất khẩu sang Mỹ đạt 428 triệu đô la Mỹ, tăng 90%...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới