Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hụt nguồn cung chất kích thích sinh sản từ Trung Quốc, sản xuất cá tra giống bị ảnh hưởng

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – HCG (Human Chorionic Gonadotropin) là loại kích dục tố được các trại sản xuất cá tra sử dụng cho cá sinh sản. Tuy nhiên, nguồn HCG nhập từ Trung Quốc bị “đứt gãy” đã tác động không ít đến hoạt động sản xuất cá tra giống ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nông dân thu hoạch cá tra giống. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng giống cá tra” diễn ra vào hôm nay, 18-8, ông Trần Hữu Phúc đến từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II, dẫn báo cáo của Tổng cục thuỷ sản (9-2021) cho thấy cả nước có 130 cơ sở sản xuất giống cá tra, trong đó, 100% các trại sản xuất cá tra giống đều sử dụng kịch dục tố HCG.

Theo ông Phúc, HCG được lựa chọn sử dụng nhiều nhất, bởi tỷ lệ rụng trứng của cá tra khi sinh sản nhân tạo đạt 100%. “Đặc biệt, trước đây giá thành rẻ hơn so với các loại chất kích thích sinh sản khác”, ông Phúc cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, nguồn nhập khẩu HGC từ Trung Quốc bị thiếu hụt dẫn đến giá tăng đột biến, nên đã tác động làm tăng giá cá tra giống được sản xuất ra, mà cụ thể trong quí 1 và 2 năm nay, giá cá tra giống đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, ông Phúc cho biết, nhiều trại sản xuất cá tra bột phản ánh chất lượng HCG không được đồng nhất giữa các nguồn cung cấp. “Thậm chí, ngay trong cùng một nhãn hiệu của 1 công ty cũng không ổn định giữa các đợt sản xuất khác nhau. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng sinh sản ra cá bột và cá giống”, ông cho biết.

Trao đổi với KTSG Online bên lề hội nghị, ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thuỷ sản An Giang (AFA), nhấn mạnh toàn bộ HCG được sử dụng trong sản xuất cá tra giống trong nước lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ Trung Quốc. “HCG kích thích con cá sinh sản rất mạnh”, ông cho biết.

Theo ông Bình, bên cạnh việc sử dụng HCG, điều quan trọng là phải nuôi vỗ cá bố mẹ đầy đủ để có trứng lớn, con giống sản xuất ra khoẻ mạnh. “Nhưng, nếu sử dụng HCG cho cá sinh sản liên tục, thì tỷ lệ hao hụt sẽ cao, chất lượng con giống không tốt”, ông nói.

Trong khi đó, ông Phúc của Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II cho rằng, việc sử dụng HCG trong sản xuất giống ca tra đang gặp những tồn tại, trong đó, nổi bật là một số nước nhập khẩu cá tra thịt đòi hỏi truy xuất lịch sử sinh sản và ương nuôi cá không sử dụng một số chất, bao gồm HCG.

Chính vì vậy, theo ông Phúc, việc thay thế HCG bằng một số chất khác là cần thiết, bởi vừa giúp ứng phó được các yêu cầu mới do thị trường đặt ra, vừa tránh phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Theo đó, Phúc cho biết, có thể thay thế HCG bằng: (1) não thuỷ thể; (2) kết hợp não thuỷ thể với LH-Rha (Luteinzing Hormone- Releasing Hormone analog) và (3) sản phẩm Ovaprim.

Tuy nhiên, ông Phúc lưu ý, các kết quả thử nghiệm trước đây đều ở phạm vi nhỏ và rất hạn chế trong kiểm chứng ở điều kiện thực tế sản xuất. “Do đó, cần được nghiên cứu một cách chi tiết hơn về liều lượng, các thông số kỹ thuật trước và sau khi rụng trứng cho từng đàn cá của từng cơ sở ứng dụng”, ông gợi ý.

Trước đó, tại hội nghị này, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thuỷ sản thuộc Tổng cục thuỷ sản Việt Nam cho biết, hoạt động sản xuất cá tra giống ở ĐBSCL thời gian qua đã đạt được nhiều thành công, đáp ứng được vai trò giúp ngành cá tra chinh phục thị trường nhập khẩu.

Riêng năm 2022, toàn vùng có khoảng 103 cơ sở sản xuất giống tập trung và 1.913 cơ sở ương dưỡng cá tra giống đang hoạt động. Trong đó, 7 tháng đầu năm nay, đã có trên 1.953 héc ta diện tích sản xuất cá giống đã thu hoạch, với sản lượng cá tra bột và cá giống cung cấp ra thị trường lần lượt đạt khoảng 15,9 tỉ con và trên 2,2 tỉ con.

Đứng ở góc độ địa phương, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện diện tích sản xuất cá tra của địa phương chiếm trên 33% diện tích và gần 35% sản lượng của ĐBSCL, cung cấp khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng. “Toàn tỉnh có 76 cơ sở cho sinh sản và 1.104 cơ sở ương dưỡng cá giống với diện tích khoảng 950 héc ta”, ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, ngành cá tra của địa phương đang đối mặt với không ít thách thức trong quá trình phát triển, bao gồm chất lượng con giống có biểu hiện suy giảm; liên kết chuỗi sản xuất còn lỏng lẻo; thiếu thông tin định hướng thị trường; chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất còn nhiều khó khăn…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới