Thứ sáu, 8/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhập khẩu ở cảng lớn nhất Mỹ suy giảm, báo hiệu nhu cầu suy yếu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong tháng 8, số lượng container cập cảng Los Angeles, cảng nhộn nhịp nhất của Mỹ, giảm mạnh nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19. Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu chậm lại.

Hôm 15-9, cảng vụ Los Angeles cho biết trong tháng 8, số lượng container nhập vào cảng này đến cảng giảm 17% so với tháng trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5-2020, xuống còn khoảng 404.000 container 20 feet. Đây cũng tháng có số lượng container nhập khẩu được xử lý ít nhất ở cảng Los Angeles trong năm nay.

Bất chấp sự sụt giảm này và số lượng container nhập khẩu được dự báo giảm về mức thấp hơn nữa trong tháng 9, Giám đốc điều hành cảng Los Angeles, Gene Seroka dự báo năm 2022 sẽ là năm bận rộn thứ hai trong lịch sử của khu phức hợp cảng Los Angeles - Long Beach.

Dữ liệu cũng cho thấy trong tháng trước, cảng Long Beach lân cận xử lý lượng container nhập khẩu ít hơn 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Container nhập khẩu ở cảng này đã giảm trong hai tháng liên tiếp.

Trong tháng 8, số lượng container 20 feet nhập vào cảng Los Angeles giảm 17% so với tháng trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5-2020. Ảnh: APM Terminals

Khu vực hợp cảng Los Angeles- Long Beach xử lý đến 40% lượng container nhập khẩu từ châu Á vào Mỹ hàng năm. Trong 8 tháng đầu năm nay, cảng Los Angeles xử lý tổng cộng 7,2 triệu container 20 feet (bao gồm cả container xuất khẩu), thấp hơn 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng tắc nghẽn ở cảng Los Angeles và cảng Long Beach đã giảm rõ rệt. Hồi tháng 1-2022, có 108 tàu container phải neo đậu ngoài khơi để chờ đến lượt cập bến ở hai cảng này. Vào đầu tuần này, con số đó chỉ còn 8, mức thấp nhất trong lịch sử.

Seroka nói: “Chúng tôi đã có thể gần như loại bỏ được 90% tình trạng tồn đọng tàu chờ cập cảng so với đầu năm nay. Chúng tôi đã có thêm công suất ở các bến và khả năng xử lý hàng hóa nhập khẩu hiệu quả hơn so với mùa lễ Giáng sinh năm ngoái”.

Gene Seroka lý giải lượng container nhập khẩu vào cảng Los Angeles giảm một phần là do các nhà bán lẻ hủy các đơn hàng từ châu Á vì lo ngại nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu trong bối cảnh hàng tồn kho và lạm phát vẫn ở mức cao.

Hồi tháng 6, các nhà bán lẻ lớn của Mỹ bao gồm Amazon và Best Buy báo cáo lượng hàng tồn kho lớn do doanh số tăng chậm hoặc không tăng.

Bên cạnh đó, theo Seroka, do lo ngại tình trạng giao hàng chậm trễ, các chủ hàng có thể đã tăng tốc nhập khẩu từ những tháng trước cho những đơn hàng thường được giao vào tháng 8 để phục vụ nhu cầu mua sắm trong mùa thu và mùa đông.

Dữ liệu gần đây nhất cho thấy chi tiêu tiêu dùng và doanh số bán lẻ của Mỹ tăng với tốc độ chậm chạp, một dấu hiệu cho thấy lạm phát nóng nhất trong gần 4 thập niên đang bắt đầu gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Trong nhiều tháng qua, các cảng của Mỹ luôn trong tình trạng quá tải bởi lượng hàng hóa tồn đọng do các tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và sự chậm trễ trong giao hàng. Tình trạng này đang có dấu hiệu giảm bớt nhờ những cải thiện về logistics và nhu cầu hạ nhiệt khi lãi suất tăng.

Gene Seroka nói: “Chúng tôi vẫn thấy có sự chia rẽ giữa áp lực lạm phát, hai quí kinh tế suy giảm liên tiếp và xu hướng người tiêu dùng Mỹ mua sắm nhiều hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những chỉ số này và các chỉ số khác, nhưng cũng đặt ra kỳ vọng giống mọi người về những gì người tiêu dùng Mỹ sẽ làm khi đối mặt với tình trạng lạm
phát cao”.

Đồng thời, Seroka cho biết thêm một phần của sự sụt giảm lượng container nhập khẩu ở cảng Los Angeles có liên quan đến việc hàng hóa được chuyển đến các khu vực khác của đất nước bao gồm bờ Đông và vùng Vịnh Mexico khi các nhà bán lẻ điều chỉnh lại các tuyến đường vận chuyển để tránh lặp lại những khó khăn trong chuỗi cung ứng hồi năm ngoái và để tránh đối phó với tình trạng không chắc chắn xung quanh các cuộc đàm phán lao động ở các cảng ở bờ Tây nước Mỹ. Các cuộc đàm phán về hợp đồng lao động mới với lực lượng lao động ở các cảng này vẫn chưa được kết thúc.

Trong tháng trước, cảng Savannah ở bang Georgia thuộc bờ Đông nước Mỹ, đã xử lý 290.915 container nhập khẩu, cao nhất trong lịch sử của cảng này.

Trong một diễn biến khác, hôm 15-9, hãng giao nhận quốc tế FedEx (Mỹ) cảnh báo kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, đặc biệt ở châu Á và châu Âu, sẽ khiến doanh thu của công ty hụt 500 triệu đô la so với mục tiêu. FedEx cũng dự báo lợi nhuận trong năm có thể suy giảm hơn 40%, thay vì tăng trưởng như dự báo của các nhà kinh tế.

FedEx dự kiến các điều kiện kinh doanh sẽ trở nên xấu hơn trong quí 2 (từ tháng 9 đến tháng 11 theo năm tài chính của FedEx). FedEx đang phản ứng bằng cách giảm các chuyến bay, tạm dừng hoạt động một số máy bay, cắt giảm giờ làm việc của nhân viên, trì hoãn một số kế hoạch tuyển dụng và đóng cửa 90 địa điểm FedEx Office.

Thông tin bi quan này khiến giá cổ phiếu FedEx bị bán tháo, giảm sâu 21% trong phiên giao dịch 16-9, khiến 11 tỉ đô la vốn hóa bị thổi bay. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong lịch sử của cổ phiếu FedEx.

Theo Bloomberg, Freight Waves

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới