Thứ Hai, 29/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu chạy nước rút để ứng phó rủi ro thiếu năng lượng trong mùa đông

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Châu Âu đang chạy nước rút để bảo đảm năng lượng không thiếu hụt lớn trong mùa đông sắp tới. Đức khẩn trương tìm cách chốt các hợp đồng mua khí đốt hỏa lỏng (LNG) từ các nhà sản xuất ở Trung Đông và các quốc gia châu Âu khác, đưa ra những biện pháp hạn chế tiêu thụ năng lượng. Động thái này diễn ra khi Nga hạn chế dòng chảy khí đốt sang châu Âu ở mức thấp kỷ lục.

Cuối tuần này, Thủ tướng  Đức Olaf Scholz sẽ có chuyến công du đến các nước Trung Đông gồm Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia để thảo luận kế hoạch hợp tác năng lượng cũng như các hợp đồng mua LNG. Ảnh: AP

Trước đây, khoảng 40% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu phụ thuộc vào Nga. Nhưng hiện nay, nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh, khiến các chính phủ châu Âu phải sốt sắng tìm nguồn cung thay thế, gây ra lo ngại về khả năng cắt điện và suy thoái kinh tế trong mùa đông sắp tới. Đường ống Nord Stream 1 cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu tạm dừng hoạt động nhưng dòng khí đốt của Nga đến châu lục này qua Ukraine vẫn tiếp tục với lưu lượng đã giảm nhiều so với trước đây.

Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow đã gây trở ngại cho việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Các lãnh đạo châu Âu cho rằng Moscow đang sử dụng năng lượng làm vũ khí để gia tăng sức ép, buộc Liên minh châu Âu (EU) phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Cuối tuần này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ có chuyến thăm đến các nước Trung Đông gồm Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia để thảo luận kế hoạch hợp tác năng lượng cũng như các hợp đồng mua LNG.

Chính phủ Đức cho biết trong chuyến thăm này, Thủ tướng Olaf Scholz sẽ chứng kiến lễ ký kết hợp đồng mua LNG trong dài hạn từ UAE để cung cấp cho các kho cảng LNG đang được xây dựng ở Đức. Công ty năng lượng RWE của Đức tiết lộ đang đàm phán thuận lợi với Qatar về việc mua LNG của nước này.

“Nếu mọi thứ suôn sẻ, với mức tiết kiệm năng lượng cao và có một chút may mắn với thời tiết, chúng tôi có cơ hội dễ dàng vượt qua mùa đông”, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck cho biết sau chuyến thị sát một nhà kho LNG trong tương lai ở miền bắc nước Đức.

Theo Emmanuelle Wargon, Chủ tịch Ủy ban Quản lý năng lượng quốc gia Pháp (CRE), Đức cũng có thể tiếp nhận khí đốt từ Pháp bắt đầu từ ngày 10-10, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố hai nước sẽ hỗ trợ lẫn nhau về nguồn cung năng lượng.

Chủ tịch CRE Emmanuelle Wargon nói rằng nếu cuộc chạy đua sửa chữa các lò phản ứng hạt nhân của Tập đoàn điện lực pháp (EDF) bị đình trệ, thì các biện pháp đặc biệt để tiết kiệm năng lượng trong mùa đông này có thể bao gồm cắt điện cục bộ.

Bà nói với đài truyền thanh France Info: “Nhưng sẽ không có chuyện cắt nguồn cung khí đốt sưởi ấm cho các hộ gia đình”.

Tại Tây Ban Nha, Bộ trưởng Công nghiệp Reyes Maroto cho biết chính phủ sẽ buộc các công ty sử dụng nhiều năng lượng dừng hoạt động trong các khung giờ cao điểm tiêu thụ điện là một lựa chọn trong mùa đông này nếu cần thiết.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Europa Press, bà nói các công ty bị cắt điện sẽ được bồi thường về mặt tài chính.

Và tại Phần Lan, cơ quan điều hành lưới điện quốc gia Fingrid cảnh báo người dân nên chuẩn bị cho tình trạng mất điện. Phần Lan, nước phụ thuộc vào nhập khẩu điện để đảm bảo nguồn cung năng lượng đáng tin cậy, đã chứng kiến khả năng nhập khẩu điện từ Thụy Điển bị suy yếu sau khi Công ty điện lực Vattenfall của Thụy Điển hồi đầu tháng này đã thông báo trì hoãn hai tháng kế hoạch khởi động lại lò phản ứng hạt nhân Ringhals 4.

Hôm 19-9 nhà bán lẻ điện Karhu Voima Oy của Phần Lan thông báo đã nộp đơn xin phá sản do giá điện tăng mạnh.

Trong khi đó tại Đức, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nhấn mạnh Berlin sẽ không để các nhà nhập khẩu khí đốt lớn như VNG vỡ nợ. Hiện giới chức trách đang thảo luận về gói cứu trợ tài chính tiếp theo dành cho Uniper, công ty nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức.

Ngân hàng trung ương Đức cho biết nền kinh tế Đức đang tăng trưởng âm và cảnh báo tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tháng mùa đông khi lượng tiêu thụ khí đốt bị cắt giảm.

Tại Bồ Đào Nha, chính phủ đã thẳng thừng cảnh báo mối lo ngại thiếu điện trong mùa đông.

“Sắp tới, chúng ta có thể gặp khó khăn, chẳng hạn như không được cung cấp khối lượng khí đốt theo kế hoạch”, Bộ trưởng Môi trường và năng lượng Bồ Đào Nha Duarte Cordeiro nói, đồng thời cho biết thêm Bồ Đào Nha đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp để tăng cường an ninh năng lượng.

Ông nói: “Bồ Đào Nha đang chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn, và thúc giục Ủy ban châu Âu (EC) xúc tiến kế hoạch thành lập một nền tảng mua khí đốt chung của Liên minh châu Âu (EU) cũng như ấn định giá trần cho khí đốt nhập khẩu”.

Dữ liệu từ Hiệp hội Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy các kho dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đã được lấp đầy 85,6%, trong khi đó, các cơ sở dự trữ khí đốt ở Đức đạt đạt gần 90% công suất.

Các nhà phân tích tại Công ty Energi Danmark nói: “Mức dự trữ khí đốt ở châu Âu sẽ tiếp tục được tăng thêm nhờ công việc bảo trì các kho dự trữ theo kế hoạch đã hoàn thành và dòng chảy khí đốt từ Na Uy tăng lên kể từ tuần này”.

Các nước châu Âu đang đang tăng tốc nhập khẩu than để thay thế cho khí đốt. Noble Resources International dự báo nhập khẩu than nhiệt lượng cao của châu Âu sẽ đạt 100 triệu tấn trong năm nay, cao nhất kể từ năm 2017.

Theo Reuters

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi đọc nhiều bài báo khác nhau về vấn đề khí đốt của châu Âu, tôi thấy khó hiểu khi có báo thì viết trước khủng hoảng Nga-Ukraina, Nga cung cấp 40% lượng khí đốt EU tiêu thụ (như tác giả viết trong bài này), có báo lại viết Nga chiếm 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu. Hai số liệu này nghe có vẻ giống nhau nhưng hoàn toàn khác nhau, buộc tôi phải đọc số liệu từ các tổ chức quốc tế. Và con số chính xác tôi nhận được là Nga chiếm 40% nhập khẩu chứ không phải tổng tiêu thụ, lượng khí của Nga chiếm khoảng 20% tổng tiêu thụ. Vì EU cũng có khí đốt, nhưng họ chỉ tự chủ được 50%, nhập khẩu 50%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới