Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chiết khấu không đồng…

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thứ Hai đầu tuần này, ngày 10 tháng 10, được nhiều nhà bán lẻ xem là một ngày đẹp để thực hiện các chương trình khuyến mãi của mình. Tuy nhiên, từ sáng sớm đã có một mặt hàng chẳng cần khuyến mãi gì cả mà vẫn bán chạy hơn tôm tươi. Thậm chí, dù chỉ bán “nhỏ giọt”, nhiều chỗ mỗi người chỉ được phép mua số lượng hết sức hạn chế, khách hàng vẫn xếp hàng rồng rắn chờ mua cho được.

Không cần nói, độc giả cũng biết đó là gì rồi. Vâng, đó chính là một mặt hàng gần như không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của chúng ta: xăng.

Phải nói rằng diễn biến thị trường xăng dầu trong nước mấy tuần qua, đặc biệt là mấy ngày qua, thật là kỳ lạ dưới mắt người tiêu dùng. Đành rằng trước đây, hiện tượng xăng khan hiếm đã từng xảy ra, việc có tiền vẫn không mua được xăng chưa bao giờ nghiêm trọng như vậy tại TPHCM khi hàng loạt cây xăng đồng loạt đóng cửa treo bảng hết xăng.

Tại các trạm xăng vẫn còn hoạt động, “thượng đế” lớp trong lớp ngoài xem ra có vẻ kiên nhẫn chờ đến lượt mình. Không kiên nhẫn hả? Xin mời cứ đến cây xăng kế tiếp nơi mọi thứ cũng y hệt như vậy. Trong đám đông chờ mua được xăng đó rất dễ nhận ra một loại khách hàng không thể không mua xăng. Họ nổi bật trong bộ đồng phục của các hãng xe công nghệ. Thử nghĩ họ sẽ phải xoay xở ra sao với một lít xăng vừa đổ xong? Làm thế nào để giao hàng ở một địa điểm nào đó mà vẫn chưa biết trạm xăng nào có bán xăng ở gần đó?

Báo chí cũng đã có bài phỏng vấn một số người trong ngành về nguyên nhân của hiện tượng khan hiếm xăng đang diễn ra. Tựu trung, người trả lời đều nói khó khăn trên thị trường làm gián đoạn nguồn cung.

Chắc những gì họ giải thích cũng có phần đúng. Tuy vậy, nguyên nhân này không phải là không thể giải quyết bởi nó không phải mới xảy ra ngày một ngày hai, mà đã có từ lâu khi thị trường xăng dầu thế giới biến động. Theo người viết, có thể tìm ra một nguyên nhân khác sát sườn hơn, thực tế hơn ngay tại thời điểm này, ở một chỗ khác: chính tại các cây xăng treo bảng hết xăng, nghỉ bán. Nhiều tấm bảng như vậy được các tờ báo mạng chụp lại bắt đầu bằng dòng chữ: “Chiết khấu 0 đồng, tạm nghỉ bán…” Có lẽ đấy chính là một trong những lý do thực đằng sau hiện tượng khan hiếm xăng đang diễn ra.

Nếu quả thực như vậy, đây chủ yếu là vấn đề điều hành. Vậy thì, chúng ta thử xem các nhà điều hành nói gì. Báo mạng dantri.com dẫn thông báo về tình hình xăng dầu do Bộ Công Thương phát đi tối hôm qua cho biết hiện tượng các cây xăng đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tại một số địa phương không phải là phổ biến(1). Tuy nhiên, cũng chính thông báo này nói rằng ở TPHCM, 20% số cửa hàng xăng dầu tạm hết mặt hàng xăng, một tỷ lệ không hề nhỏ.

Trong khi đó, trong một buổi họp báo chiều hôm qua về nội dung tương tự, đại diện Sở Công Thương TPHCM khẳng định “tình hình vẫn trong tầm kiểm soát”(2). Thế nhưng, hình ảnh người dân khổ sở chen chúc tại các cây xăng dường như mâu thuẫn với lời khẳng định trên và khiến nó kém phần thuyết phục trong mắt người tiêu dùng.

Ai cũng biết, tương tự như gạo hay thịt, xăng là một mặt hàng thiết yếu, không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân. Nhưng khác với gạo hay thịt, xăng là mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý. Chính website của Bộ Công Thương đã khẳng định điều này khi viết: “Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, phải bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống”(3).

Xăng có thể được xem như một phần mạch máu của nền kinh tế. Mạch máu tắt nghẽn, nền kinh tế sẽ có vấn đề.

Như đã nói ở trên, dường như các nguyên nhân dẫn đến các rắc rối trong việc cung cấp xăng cho người dân đang diễn ra chủ yếu liên quan đến vấn đề điều hành, mà trước nhất là “chiết khấu không đồng”. Nếu vậy, chính các nhà điều hành phải đứng ra giải quyết trong thời gian sớm nhất để người tiêu dùng được nhờ!

Cũng xin lưu ý là không nên để xảy ra tình trạng một số người lợi dụng hiện tượng khan hiếm xăng để trục lợi và giữ người tiêu dùng, thậm chí cả thị trường xăng, làm "con tin”. Cần xử lý đích đáng bất kỳ ai làm như vậy.

---------------

(1)https://dantri.com.vn/kinh-doanh/dan-kho-so-mua-xang-bo-cong-thuong-viec-cay-xang-dong-cua-khong-pho-bien-20221010213343916.htm

(2)https://dantri.com.vn/xa-hoi/cay-xang-ban-nho-giot-20000-den-30000-dongnguoi-co-quan-quan-ly-noi-gi-20221010144715337.htm

(3)https://moit.gov.vn/media/video/tin-tuc-video/xang-dau-la-mat-hang-chien-luoc-phai-bao-dam-nguon-cung-trong-moi-tinh-huong.html

3 BÌNH LUẬN

  1. Theo Bộ trưởng Tài chính, ta có đến 36 đầu mối nhập khẩu xăng dầu, trong khi Nhật chỉ có 5. Tại sao nhiều như vậy, chắc không khó để trả lời. Một khi quá nhiều đầu mối tất yếu dẫn đến quá nhiều lợi ích chồng chéo, đan xen, chen lấn lẫn nhau.

  2. Giá xăng dầu hôm nay bắt đầu trở chiều, tăng mạnh. Bất chấp giá quốc tế đang giảm. Không ngoài lý do tăng để cứu vãn lỗi điều hành ?

  3. Khi chiết khấu 0 đồng thì doanh nghiệp càng bán càng lỗ.
    Nên việc ngưng bán sẽ là hệ quả tất yếu.
    Vấn đề ở chỗ có ai thấy được điều này hay không để có sự điều chỉnh phù hợp trước khi hệ quả đó xảy ra.
    Nhìn xa trông rộng thì mới hạn chế được rủi ro.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới