Thứ Sáu, 16/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nghị trường nóng với vấn đề thiếu giáo viên và ‘3 thiếu’ của ngành y tế

TH

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm nay (27-10), Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023. Liên quan đến lĩnh vực giáo dục và y tế, nhiều đại biểu đã chất vấn về tình trạng thiếu giáo viên và thiếu nhân lực, thuốc cùng trang thiết bị khám, chữa bệnh.

Quốc hội dành ra hai ngày 27 và 28-10 để thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Các vấn đề về ngân sách được đưa ra thảo luận bao gồm kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp): cần phải phân tích thật kỹ những vấn đề liên quan đến tiền lương, điều kiện môi trường làm việc của giáo viên. Ảnh: Quốc hội

Chính sách bất hợp lý gây ra tình trạng thiếu giáo viên

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm quan tâm xem xét việc tinh giản biên chế trong ngành giáo dục cho phù hợp hơn.

Cùng với các ngành, các cấp, ngành giáo dục cũng thực hiện lộ trình giảm 10% biên chế mỗi năm. Tuy nhiên, đối với ngành giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục phổ thông thì hầu hết các trường đều có đặc thù nhất định, xác định rõ định mức giáo viên đối với từng cấp học.

Chính vì vậy, việc thực hiện giảm 10% biên chế viên chức hàng năm đối với hệ thống giáo dục phổ thông gây ra tình trạng bất hợp lý và rất khó khăn cho ngành giáo dục.

Phát biểu tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề cập đến thực trạng và nguyên nhân giáo viên nghỉ việc thời gian qua.

Về nguyên nhân, bà cho rằng, có vấn đề về lương, áp lực công việc và có vấn đề liên quan tới việc giáo viên không đủ điều kiện để đáp ứng những yêu cầu của chương trình giao thông phổ thông mới. Cụ thể, có một bộ phận giáo viên phản ánh là được đào tạo một môn nhưng phải dạy tích hợp nên không đủ tự tin đứng trước học sinh.

Đại biểu cho rằng, sắp tới ngành giáo dục chắc chắn sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu giáo viên. Do vậy, cần phải phân tích thật kỹ những vấn đề liên quan đến tiền lương, điều kiện môi trường làm việc của giáo viên.

Ngành giáo dục cần quan tâm thêm đến việc chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bởi hiện tại giáo viên đang thiếu rất nhiều, Chính phủ cần phải sớm có cái nhìn về vấn đề này để có ý kiến với Quốc hội giải quyết ngay.

Cũng liên quan đến giáo dục, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ cân nhắc thời điểm tăng học phí nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Giải trình về vấn đề thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ đã tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 giáo viên. Con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc.

Về nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nhiều năm về trước đã không đủ do số lượng giáo viên bỏ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, tuyển ít hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu thiếu do tăng dân số tự nhiên.

Từ tháng 9-2015, tổng số học sinh khi bắt đầu năm học là trên 19 triệu học sinh nhưng đến tháng 9-2022, khi bắt đầu năm học là trên 23 triệu học sinh. Trong khi đó, số giáo viên vào tháng 9-2015 có 1.156.000 giáo viên cho bậc mầm non đến phổ thông. Đến thời điểm tháng 9-2022 có 1.227.000 giáo viên.

Có thể thấy, số giáo viên chỉ nhiều hơn 100.000 trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu. Bộ trưởng cho rằng, đây là tình trạng thiếu do vấn đề tăng số học sinh do tăng dân số tự nhiên.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM): giải pháp lâu dài cần hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược; Luật Bảo hiểm y tế và cần có Luật trang thiết bị

Ngành y tế với “3 thiếu”: nhân lực, thuốc và trang thiết bị

Bổ sung về đánh giá an sinh xã hội và công tác y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho biết, đến nay cả 3 chân kiềng của ngành y tế từ y tế cơ sở, y tế điều trị đều đối mặt với nhiều vấn đề, thiếu từ nhân lực, thuốc và trang thiết bị hiện đại. Các bệnh viện rất khó trong quá trình thực hiện tự chủ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, đại biểu Quốc hội luôn nhận được những lời phàn nàn của cử tri về chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là chất lượng khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, ở các bệnh viện, anh em nhân viên y tế từ lãnh đạo cho tới nhân viên đều lực bất tòng tâm, thiếu tất cả, từ nhân lực, đến thuốc có chất lượng và cả trang thiết bị hiện đại.

Theo bà, hiện nay chính sách về xã hội hóa, về tự chủ bệnh viện đang đi lệch hướng. Thay vì định hướng đầu tư cho y tế càng ngày phải càng tăng, mở rộng cơ hội và những nguồn đầu tư khác để tăng được chất lượng khám chữa bệnh thì lại thiên về tập trung vào những nguồn thu khác.

Hơn nữa trong tự chủ thì các bệnh viện lại không tự chủ được cả về nhân lực và tài chính hay bị ép giảm chi từ giá dịch vụ y tế cho đến giá thuốc, vật tư y tế… Cùng với đó là những khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế.

Đại biểu này đề nghị, giải pháp tình thế cấp bách là cần phải giảm các thủ tục, về lâu dài cần hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược; Luật Bảo hiểm y tế và cần có Luật trang thiết bị.

Bày tỏ quan tâm đến một số vấn đề trong công tác quản lý Quỹ bảo hiểm y tế, đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) đề nghị khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; hoàn thiện quy trình tạm ứng, thanh toán, quyết toán bảo hiểm y tế…

Thêm vào đó, cần thu hẹp khoảng cách giữa chi phí các cơ sở y tế dùng để khám, chữa bệnh với số chi thanh toán của cơ quan bảo hiểm xã hội, rút ngắn thời gian thanh toán, quyết toán.

Trong phần giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đến thời điểm này, những vướng mắc liên quan tới việc thực hiện chế độ bảo hiểm y tế đối với người dân trong Quyết định 861 đã được tổng hợp, điều chỉnh.

Đối với tình trạng nợ đọng bảo hiểm y tế, có những vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật bảo hiểm y tế và Nghị định 146 còn quy định chưa thống nhất. Chính vì vậy, đang có vướng mắc trong quá trình thực hiện việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo phương thức giá dịch vụ y tế.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung Nghị định 146, hiện Bộ Tư pháp đang thẩm định.

Trước mắt, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị quyết về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để giải quyết khó khăn trong thanh toán trong năm 2021.

Theo Quochoi.vn

1 BÌNH LUẬN

  1. Ngày xưa, thời bao cấp, thì mới thiếu đói, thiếu ăn, thiếu thốn… đủ thứ. Nhưng ngày nay, không thể diễn ra chuyện đó. Mọi thứ gần như thừa, kể cả đôi khi thừa mứa đến phát ớn, đến nỗi nhiều người muốn quay lại… như xưa. Như vậy, những cái mà ta gọi là “thiếu” hôm nay, chỉ quy vào mấy chữ: Thiếu trách nhiệm/ Thiếu trình độ/ Thiếu dũng cảm…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới