(KTSG) - Lạm phát ở mức cao kỷ lục đã buộc các ngân hàng trung ương trên thế giới phải đưa ra những quyết định đầy khó khăn: tăng lãi suất, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, giờ đây, giới hoạch định chính sách đang phải đối mặt với một bài toán hóc búa không kém: tăng với tốc độ bao nhiêu là vừa, và bao giờ sẽ chấm dứt?
- World Bank: Kinh tế toàn cầu suy thoái nếu các nước tăng lãi suất quá nhanh
- Liên hiệp quốc kêu gọi các ngân hàng trung ương dừng tăng lãi suất
Làn sóng tăng lãi suất đang dần chậm lại
Trong chín tháng đầu năm, các số liệu thống kê cho thấy, 90 nền kinh tế đã tiến hành khoảng 260 đợt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và hỗ trợ đồng nội tệ không bị giảm quá sâu so với đô la Mỹ.
Reuters cho biết, các ngân hàng trung ương tại 10 nền kinh tế phát triển (nhóm G10) đã tăng lãi suất tổng cộng 21,65 điểm phần trăm trong năm nay. Trong đó, chỉ duy nhất Nhật Bản là quốc gia chưa tiến hành đợt tăng lãi suất nào.
Tại các nền kinh tế mới nổi, động thái tăng lãi suất còn mạnh mẽ hơn, với tổng mức tăng 63,40 điểm phần trăm trong năm nay - vượt xa con số 27,45 điểm phần trăm trong cả năm 2021.
Tuy nhiên, xu hướng tăng lãi suất đang có những dấu hiệu chậm lại trong thời gian gần đây, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn. Theo Reuters, các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới đang bắt đầu lo sợ rằng nền kinh tế toàn cầu vốn đã gặp nhiều khó khăn vì lạm phát tăng cao và chuỗi cung ứng đình trệ, sẽ càng trở nên suy yếu hơn vì các chính sách tăng lãi suất quyết liệt.
Giới hoạch định chính sách tại nhiều ngân hàng trung ương lớn ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Mỹ, Canada và Úc đều đã phát đi những tín hiệu cho thấy, giai đoạn tăng lãi suất mạnh mẽ nhất có thể đã qua, ngay cả khi tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế này vẫn ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.
Hôm 26-10, Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) đã khiến thị trường bất ngờ khi quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm, thấp hơn so với mức dự báo 0,75 điểm phần trăm của giới chuyên gia.
Trước đó, hồi đầu tháng, Ngân hàng dự trữ Úc (RBA) cũng có động thái tương tự khi chỉ tiến hành tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, thay vì mức 0,5 điểm như dự kiến ban đầu.
Những bước đi mang tính thận trọng tại Canada và Úc đang làm gia tăng những đồn đoán của thị trường về việc các ngân hàng trung ương có thể đang hướng tới một cú “xoay trục” - sự thay đổi theo hướng tăng lãi suất ở mức thấp hơn nhằm đảm bảo vừa kiềm chế lạm phát, vừa không gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và thị trường.
Sự mong manh của các nền kinh tế
Động lực chính của sự thay đổi trong quan điểm của nhiều ngân hàng trung ương là triển vọng kinh tế ảm đạm hơn khi Eurozone hiện đang rơi vào suy thoái và phần còn lại của thế giới cũng đang phải vật lộn với những khó khăn ở các mức độ khác nhau.
Những triển vọng kém khả quan này, thậm chí đang dẫn tới sự sụt giảm mạnh của giá nguyên liệu thô và năng lượng. Một ví dụ rõ ràng nhất, giá khí đốt tự nhiên đã giảm ở châu Âu. Từ chỗ thiếu hụt trầm trọng, nguồn cung loại nhiên liệu này hiện đang dư thừa tới mức các cơ sở hạ tầng hiện có của châu Âu không đủ để tiếp nhận.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều lo ngại về những đợt bất ổn tài chính tại Anh - nơi các quỹ hưu trí gần như sụp đổ khi lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn tăng vọt, hay tại các thị trường mới nổi trong những tuần gần đây.
“Trong hai tuần qua, một số Ngân hàng Trung ương G10 đã sẵn sàng xoay trục”, Alfonso Peccatiello, tác giả của bản tin tài chính Macro Compass, cho biết. “Tại sao lại có sự thay đổi quan điểm đột ngột như vậy? Bởi vì tất cả các nền kinh tế này này đều có điểm chung: sự mong manh cố hữu”.
Chuyên gia này chỉ ra rằng, các khoản vay thế chấp đang đẩy Canada và các ngân hàng nước này vào vùng nguy hiểm, trong khi các quốc gia Nam Âu phải vật lộn với mức nợ công cao, và không thể trông chờ nhiều vào sự hỗ trợ từ các nước Eurozone khác.
Tại Úc, nền kinh tế cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ giá bất động sản lao dốc, sự thua lỗ của các quỹ hưu trí, cho tới nhu cầu hàng hóa toàn cầu giảm mạnh.
Ngay cả nền kinh tế Mỹ, cho đến thời điểm gần đây vẫn được cho là mạnh đến mức quá nóng, cũng đang ghi nhận những dấu hiệu mong manh và thị trường nhà ở đang dần hạ nhiệt.
Thế tiến thoái lưỡng nan của các ngân hàng trung ương
Tuy nhiên, tình trạng lạm phát cao dai dẳng đang khiến công việc của các ngân hàng trung ương trở nên vô cùng khó khăn. Các dữ liệu mới công bố cho thấy, giá tiêu dùng đã tăng nhanh hơn dự kiến ở Đức, Pháp và Ý trong tháng này.
Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương vẫn chưa thể thành công trong việc kiềm chế đà leo thang giá cả, việc tạo ra một sự “xoay trục” vào lúc này sẽ trở nên khó biện minh hơn với nhà đầu tư. Điều này đòi hỏi một hành động cân bằng bất thường từ các nhà hoạch định chính sách: thuyết phục thị trường rằng họ nghiêm túc trong việc chống lạm phát mà vẫn không làm nền kinh tế bị bóp nghẹt.
Christian Scherrmann, chuyên gia kinh tế Mỹ tại DWS, cho biết: “Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần phải mở ra một con đường hướng tới các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn mà không khiến nhiều người nghĩ rằng, họ đang quá ôn hòa”.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thử làm điều đó vào hôm thứ Năm tuần trước, khi cho biết họ có kế hoạch tăng lãi suất “hơn nữa” nhưng đã đạt được “tiến bộ đáng kể” trong việc rút lại cơ chế chính sách tiền tệ.
Sự điều chỉnh trong những phát ngôn là rất nhỏ, nhưng cũng đủ để các nhà đầu tư bắt đầu dự đoán về những đợt tăng lãi suất ở quy mô nhỏ hơn trong thời gian tới.
Một số nhà phân tích cũng dự báo về khả năng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có thể áp dụng đợt tăng lãi suất ở quy mô nhỏ hơn ngay trong cuộc họp chính sách tuần này. Deutsche Bank dự đoán, quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm sẽ không được nhất trí, và các nhà hoạch định chính sách sẽ thiên về mức tăng 0,5 điểm phần trăm.
Quan trọng nhất Fed đã bắt đầu cuộc tranh luận về việc nên đẩy chi phí vay lên đến mức nào là an toàn? Làm thế nào và khi nào có thể bắt đầu làm chậm tốc độ tăng lãi suất, đang là vấn đề mà giới hoạch định chính sách của Fed rất quan tâm.
Trong khi việc tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tuần này là điều không gây nhiều tranh cãi, các nhà đầu tư hiện đang tin vào khả năng giới chức Fed sẽ thận trọng hơn trong tương lai.
IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương kiên nhẫn
Trong bối cảnh đó, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva đã lên tiếng kêu gọi các ngân hàng trung ương cần kiên nhẫn và tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa để chống lạm phát.
Trả lời phỏng vấn Reuters hôm thứ Tư tuần trước, bà Georgieva cho biết: “Tại thời điểm này, chúng tôi hướng đến được trạng thái trung tính và ở đa số các nước, chúng ta chưa đạt được điều này. Các ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất vì lạm phát cao sẽ làm suy giảm tăng trưởng, và những người nghèo nhất sẽ chịu tác động nặng nề nhất”.
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng trung ương chính là hiệu quả của việc tăng lãi suất có “độ trễ lớn và có thể thay đổi”. Do vậy, giới hoạch định chính sách sẽ rất khó để biết được rằng họ đã thắt chặt chính sách quá mạnh tay hay thắt chặt chưa đủ mức cần thiết.
Một đánh giá vào năm 2013 của các chuyên gia Tomas Havranek và Marek Rusnak thuộc Ngân hàng Trung ương Séc (CCB) kết luận rằng tại các nền kinh tế phát triển, cần tới 2-4 năm để việc tăng lãi suất đạt tác động tối đa lên lạm phát.
Còn theo một nghiên cứu vào năm 2016 của James Cloyne - người khi đó làm việc tại BoE và chuyên gia Patrick Hurtgen của Ngân hàng Bundesbank (Đức), lãi suất cơ bản tăng 1 điểm phần trăm tại Anh sẽ làm GDP của nước này giảm 0,6% và giảm lạm phát tối đa 1 điểm phần trăm trong vòng 2-3 năm.
Hồi đầu tháng này, IMF nhận định sự điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng sẽ gây ra tác động lớn nhất tới tăng trưởng trong vòng khoảng 1 năm và tới lạm phát trong vòng 3-4 năm.
Do vậy, IMF dự kiến rằng “năm 2024 mới là thời điểm các ngân hàng trung ương cảm nhận được tác động từ các động thái tăng lãi suất của mình”. Nếu đảo chiều chính sách quá sớm, các ngân hàng trung ương sẽ chỉ gây ra “nỗi đau” cho nền kinh tế với lãi suất cao mà không đạt được lợi ích nào từ việc giảm lạm phát. Giám đốc IMF - bà Georgieva khuyến cáo, “Lợi ích sẽ đến nhưng không phải là tức thời, điều này đòi hỏi xã hội cần kiên nhẫn”.
Nguồn: Reuters, Investmentweek, WSJ, CNBC