Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chờ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi…

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau một số vụ án xoay quanh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần đây, cũng như làn sóng mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn trong thời gian qua, có thể thấy niềm tin vào kênh đầu tư này bị sụt giảm và có thể lan tỏa những hiệu ứng tiêu cực lên các lĩnh vực liên quan.

Khi niềm tin sụt giảm

Theo số liệu của FinnRatings, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tính đến thời điểm cuối tháng 9-2022 đạt hơn 1,3 triệu tỉ đồng, tương đương với hơn 13% GDP năm 2021. Trong đó, nếu loại bỏ các trái phiếu ngân hàng thì số dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng là 908.800 tỉ đồng và các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455.000 tỉ đồng. Con số này trên thực tế chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện nay cũng đang nắm giữ danh mục TPDN phi ngân hàng với quy mô khoảng 284.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 2,37% trên tổng tài sản sinh lời tại thời điểm 30-6.

FiinRatings nhận định rủi ro của tín dụng TPDN đến an toàn hệ thống là rất thấp. FiinRatings cho rằng các nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN nên giữ bình tĩnh và sự tỉnh táo, tránh việc bán tháo và cắt lỗ TPDN đang nắm giữ mà không đánh giá được sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Nhưng sau một số vụ án xoay quanh việc phát hành trái TPDN gần đây, cũng như làn sóng mua lại TPDN trước hạn trong thời gian qua, có thể thấy niềm tin vào kênh đầu tư này bị sụt giảm và có thể lan tỏa những hiệu ứng tiêu cực lên các lĩnh vực liên quan.

Điều quan trọng nhất hiện nay là phải sớm lấy lại niềm tin cho thị trường, mà trách nhiệm nằm ở chính các cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường.

Một trong những rủi ro lớn của thị trường TPDN chính là hiện tượng nhiều nhà đầu tư rút tiền trái phiếu - yêu cầu nhà phát hành mua lại trái phiếu ngay lập tức, điều thực tế đang diễn ra.

Đặc biệt, khi mà một số tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành, phân phối TPDN trước đây, từ ngân hàng cho đến công ty chứng khoán, chưa tuyên bố rõ ràng về vai trò và trách nhiệm liên quan, càng khiến các nhà đầu tư thêm lo sợ. Cần nhớ rằng cũng chính các tổ chức này từng nhiệt tình chào bán và phân phối TPDN cho khách hàng của mình là nhà đầu tư và người gửi tiền.

Đơn cử như vào những ngày cuối tháng 10, Công ty Chứng khoán VPS thông báo từ nhiệm vai trò đại lý đăng ký, lưu ký và vai trò đại lý quản lý tài sản bảo đảm từ ngày 1-12-2022 của trái phiếu do CTCP Tập đoàn Xây dựng SCG và Công ty Roman E&C, đều phát hành ngày 31-12-2020, với tổng mệnh giá trái phiếu lần lượt là 1.500 tỉ đồng và 530 tỉ đồng.

VPS cho biết theo quy định của hợp đồng, VPS có thể từ nhiệm và ngừng thực hiện toàn bộ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình liên quan đến các vai trò trên, sau khi thông báo bằng văn bản cho tổ chức phát hành và những người sở hữu trái phiếu ít nhất 30 ngày làm việc trước ngày dự kiến từ nhiệm.

Bao giờ phục hồi

Thật ra, việc các tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành hay phân phối TPDN đến khách hàng có phản ứng như trên là điều được dự đoán từ trước. Trong những năm qua khi thị trường TPDN phát triển nóng sốt với sự tham gia nhiệt tình của các ngân hàng, công ty chứng khoán, đã có hàng loạt lời cảnh báo từ góc độ cơ quan quản lý cho đến giới phân tích, với luận điểm nhà đầu tư khi mua TPDN cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp phát hành chứ không nên tin tưởng hoàn toàn vào tổ chức tư vấn hay chịu trách nhiệm phân phối.

Với mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận, các tổ chức nói trên có thể lờ đi những rủi ro của doanh nghiệp phát hành, mà chỉ chăm chăm tìm người mua trái phiếu để hưởng những khoản phí hoa hồng tư vấn, bảo lãnh hay ăn chênh lệch lãi suất từ nghiệp vụ mua sỉ và bán lẻ lại cho các nhà đầu tư cá nhân. Và khi rủi ro xảy ra, dễ đoán được các trái chủ là người gánh lấy thiệt hại, còn các tổ chức tư vấn dường như thoát khỏi mọi trách nhiệm liên quan.

Hiện quy mô dư nợ toàn thị trường TPDN chưa tới 15% GDP; trong đó, riêng TPDN riêng lẻ khoảng 12,8% GDP (hơn 1,2 triệu tỉ đồng), còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và cũng cách xa mục tiêu đề ra. Theo Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường TPDN tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP.

Do đó, tiềm năng phát triển của thị trường TPDN vẫn rất lớn. Nhiều tổ chức cũng dự báo kênh đầu tư này sẽ phục hồi trong giai đoạn tới, khi mà các doanh nghiệp cũng dần thích nghi được với những quy định mới theo Nghị định 65/2022. Câu hỏi đặt ra là bao lâu nữa? Rõ ràng điều quan trọng nhất hiện nay là phải sớm lấy lại niềm tin cho thị trường, mà trách nhiệm nằm ở chính các cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường.

Nhìn vào bài học của Trung Quốc. Chỉ cần một vài doanh nghiệp nhỏ vỡ nợ trái phiếu hoặc không thể trả lãi đúng hạn, cũng có thể lây lan nỗi sợ hãi và khiến niềm tin dành cho thị trường này sụt giảm nghiêm trọng.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp còn lại phải đối mặt với khó khăn và thách thức khi muốn phát hành trái phiếu mới, mà còn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng trong nền kinh tế, khi các ngân hàng giảm đột ngột sự sẵn có của các khoản vay còn các nhà đầu tư cũng thắt chặt hoạt động đầu tư của mình.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính, đặc biệt là trên thị trường TPDN. Nếu thị trường phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn thì nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và khi đó thị trường mới có sự phát triển bền vững bởi “cung vững - cầu chắc”.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, trong tình thế hiện nay, vấn đề chủ yếu nằm ở lượng TPDN phát hành riêng lẻ sai mục đích hoặc mối quan hệ chồng chéo, chằng chịt giữa các chủ thể phát hành, khiến mức độ công khai, minh bạch bị ảnh hưởng.

Đối với vấn đề đầu tiên, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã vội vàng mua lại trái phiếu trước hạn sau khi Nghị định 65/2022 chính thức có hiệu lực.

Ngoài ra, trong bối cảnh khan hiếm tín dụng và các doanh nghiệp yếu kém tài chính không thể mua lại trái phiếu trước hạn, một số ý kiến đề xuất các tổ chức như SCIC, DATC hay cả VAMC cần hỗ trợ mua lại TPDN yếu kém, cũng như có thể xây dựng quỹ hỗ trợ thị trường TPDN khi gặp các vấn đề liên quan tới thanh khoản.

Việc Nhà nước tuyên bố sử dụng nguồn lực để can thiệp sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ để nhà đầu tư trái phiếu yên tâm và có thể lựa chọn có tiếp tục đầu tư trái phiếu hay không. Tuy nhiên, điểm hạn chế là với nguồn vốn hạn hẹp của các tổ chức trên, việc xử lý là không dễ. Thống kê cho thấy lượng TPDN riêng lẻ đến hạn thanh toán trong quí 4-2022 và năm 2023 vào khoảng 60.000 tỉ đồng và 260.000 tỉ đồng (tương đương 3,81% GDP năm 2021), lớn hơn rất nhiều so với vốn điều lệ của các tổ chức kể trên.

Với vấn đề thứ hai, đòi hỏi cơ quan quan quản lý phải kiểm soát chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp phát hành và các công ty liên quan để cảnh báo nhà đầu tư. Với khó khăn trên thị trường TPDN xuất phát từ vấn đề bất cân xứng thông tin, giải pháp quan trọng cần thực hiện là minh bạch thông tin, cả phía nhà phát hành lẫn đơn vị tư vấn và phân phối. Thực tế Nghị định 65/2022 cũng đã bổ sung các điều khoản theo hướng siết chặt yêu cầu với cả nhà phát hành, phân phối, trung gian, cũng như các yêu cầu với nhà đầu tư.

1 BÌNH LUẬN

  1. TPDN là chủ đề cần nhà nước quan tâm và hỗ trợ ngay lúc này, phải nỗ lực vực dậy kênh huy động vốn này, bởi lẽ nguồn tiền từ các ngân hàng rất hạn chế thời điểm này và không dễ đi vay. Các nghị định vừa qua của chính phủ chưa đủ lực để TPDN phục hồi. TPDN chỉ có thể sống lại và phát triển khi được quan tâm đúng mực bằng các giải pháp vực dậy lòng tin của nhà đầu tư:
    1. TPDN cần được bảo đảm trả lãi và vốn đúng hạn cho nhà đầu tư thông qua các TCTD và hoặc các tổ chức quỹ tài chính, quỹ tín dụng, công ty bảo hiểm… Bởi lẽ chỉ có các TCTD, các quỹ, bảo hiểm về tài chính mới đủ khả năng xem xét năng lực của tổ chức phát hành TPDN và khi đó mọi tiêu chuẩn đều minh bạch, nhà đầu tư sẽ đủ lòng tin và mua TPDN khi và chỉ khi đạt được tiêu chí này. Ngược lại sẽ rất khó để trực tiếp mua TPDN với tổ chức phát hành.
    2. Cần các thông tư, nghị định hay luật định rõ ràng về các tiêu chuẩn phát hành TPDN để đảm bảo các tổ chức phát hành nghiêm túc thực hiện theo đúng năng lực tài chính của mình và nguồn tiền huy động được sử dụng đúng mục đích đăng ký. Các kế hoạch sử dụng nguồn vốn TPDN phải được báo cáo định kỳ hàng quý cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra và giám sát, nếu có yếu tố vi phạm lập tức tuýt còi và giải quyết ngay, không để trở nên nghiêm trọng, và cũng không để một công ty vốn chỉ một đồng nhưng huy động mười đồng, trăm đồng hay ngàn đồng… bất chấp việc có thể trả lãi và vốn hay không.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới