Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xu hướng ‘nhân dân tệ hóa’ trong nền kinh tế Nga

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đồng nhân dân tệ ngày càng được sử dụng rộng rãi ở Nga khi các nhà nhập khẩu cần nó để thanh toán cho hàng mua từ Trung Quốc trong bối cảnh Moscow bị phương Tây chặn khỏi hệ thống thanh toán quốc tế.

Các nhà nhập khẩu của Nga chuyển sang sử dụng nhân dân tệ để thanh toán hàng nhập khẩu của Trung Quốc khi Moscow bị chặn khỏi hệ thống thanh toán quốc tế chủ yếu sử dụng đồng đô la Mỹ và euro. Ảnh: Reuters

Nhân dân tệ trỗi dậy ở thị trường tiền tệ của Nga

Doanh nhân Wang Min, chủ một công ty sản xuất gia công đèn LED ở Quảng Đông, Trung Quốc, vui mừng trước tin Nga chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Công ty ông giờ đây có thể định giá hợp đồng cho khách hàng Nga bằng nhân dân tệ thay vì đô la Mỹ hoặc euro.

Hoạt động kinh doanh của Wang thay đổi lớn sau khi cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt sau đó của phương Tây đối với Moscow khiến các ngân hàng và nhiều công ty của Nga không thể tiếp cận hệ thống thanh toán bằng đồng đô la Mỹ và đồng euro.

Quy mô kinh doanh của công ty Wang với thị trường Nga vốn rất nhỏ, nhưng giờ đây ông đang chuẩn bị đầu tư vào kho bãi ở đó.

“Chúng tôi hy vọng thị trường Nga trong năm tới có thể đóng góp đến 10-15% tổng doanh số bán hàng của chúng tôi”, ông nói. Hiện tại, doanh số hàng năm của công ty ông khoảng 20 triệu đô la Mỹ, chủ yếu nhờ thị trường châu Phi và Nam Mỹ.

Wang đang tìm cách tận dụng quá trình “nhân dân tệ hóa” nhanh chóng của nền kinh tế Nga trong năm nay khi Moscow bị phương Tây cô lập kinh tế, để tìm kiếm sự đảm bảo tài chính từ cường quốc láng giềngTrung Quốc.

Ông nhìn thấy một tình huống đôi bên cùng có lợi khi sử dụng nhân dân tệ: nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ giảm thiểu rủi ro tiền tệ và việc thanh toán cũng trở nên thuận tiện hơn đối với khách hàng Nga.

Trong khi đã dần thâm nhập vào Nga trong nhiều năm qua, nhân dân tệ trở nên phổ biến nhanh chóng trong 9 tháng qua khi đồng tiền này tràn vào các thị trường và dòng chảy thương mại của Nga, theo dữ liệu và khảo sát của Reuters.

Sự dịch chuyển tài chính của Nga về phía đông có thể thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, tạo ra một đối trọng kinh tế với đồng đô la Mỹ, giúp hạn chế các nỗ lực của phương Tây nhằm gây sức ép lên Moscow bằng các đòn trừng phạt kinh tế.

Tổng giá trị giao dịch trong cặp tiền nhân dân tệ  - rúp trên sàn giao dịch Moscow đã tăng vọt lên mức trung bình gần 9 tỉ nhân dân tệ (1,25 tỉ đô la Mỹ) mỗi ngày vào tháng trước. Trước đây, con số này hiếm khi vượt quá 1 tỉ nhân dân tệ trong cả tuần.

“Việc giữ các loại tiền tệ truyền thống như đô la Mỹ, euro và bảng Anh đột nhiên trở nên rất rủi ro và tốn kém. Mọi người đều có động lực và thậm chí đổ xô về phía đồng rúp hoặc các loại tiền tệ khác, bao gồm và trước hết là đồng nhân dân tệ”, Andrei Akopian, Giám đốc điều hành Công ty đầu tư Caderus Capital, có trụ sở tại Moscow, nói khi ám chỉ đến rủi ro một ngân hàng nắm giữ ngoại tệ của một nước phương Tây bị trừng phạt.

Dữ liệu cho thấy giao dịch cặp tiền nhân dân tệ - rúp đạt tổng cộng 185 tỉ nhân dân tệ trong tháng 10, gấp hơn 80 lần so với hồi tháng 2 khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào gần cuối tháng đó.

Theo Dmitry Piskulov, người đứng đầu các dự án quốc tế tại bộ phận thị trường ngoại hối của Sở giao dịch Moscow, cho biết ​​tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trên thị trường tiền tệ ở Nga tăng lên 40-45% từ mức dưới 1% vào đầu năm.

Cặp đô la Mỹ - rúp, chiếm hơn 80% khối lượng giao dịch trên thị trường Nga hồi tháng 1 nhưng đã giảm xuống còn khoảng 40% vào tháng 10.

Các tập đoàn lớn của Nga tăng sử dụng nhân dân tệ

Dòng chảy tiền trên thị trường quốc tế cũng phản ánh xu hướng tương tự. Cho đến tháng 4, Nga vẫn chưa nằm danh sách 15 nền kinh tế sử dụng đồng nhân dân tệ hàng đầu bên ngoài Trung Quốc đại lục, xét về giá trị của dòng chảy ra vào. Nhưng kể từ đó, nước này đã nhảy lên vị trí thứ 4.

Shen Muhui, chủ tịch một hiệp hội các nhà xuất khẩu nhỏ ở tỉnh Phúc Kiến, chia sẻ lạc quan về triển vọng kinh doanh ở thị trường Nga. Ông cho biết ngày càng có nhiều khách hàng Nga mở tài khoản nhân dân tệ và thanh toán các giao dịch trực tiếp bằng đồng tiền Trung Quốc. Ông đánh giá điều này tạo ra một lợi thế lớn cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

“Xung đột Nga-Ukraine đã mang lại cơ hội cho doanh nhân Trung Quốc”  Shen nói, đồng thời cho biết thêm rằng hiệp hội của ông đã nhận được nhiều yêu cầu từ các công ty Trung Quốc quan tâm đến việc kinh doanh tại Nga.

Không chỉ các công ty Trung Quốc tận dụng cơ chế thanh toán bằng nhân dân tệ để gia nhập thị trường Nga. Bảy công ty khổng lồ của Nga, bao gồm Rusal, Rosneft và Polyus, đã huy động được tổng cộng 42 tỉ nhân dân tệ trái phiếu trên thị trường Nga, theo tính toán của Reuters. Và danh sách này có thể tăng lên với Sberbank, ngân hàng lớn nhất Nga và Công ty dầu khí Gazpromneft cho biết đang xem xét phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ.

Tập đoàn nhôm Rusal mua nguyên liệu thô từ Trung Quốc để chế biến rồi sau đó bán một lượng lớn thành phẩm ở đó. Rusal cho biết đã tăng sử dụng nhân dân tệ trong các giao dịch mua bán ở Trung Quốc trong năm nay và tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng.

Tổng thống Vladimir Putin từ lâu đã tìm cách giảm sự phụ thuộc của Nga vào đồng đô la Mỹ, và các căng thẳng địa chính trị với phương Tây càng thúc đẩy nỗ lực này trong năm nay.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, là cường quốc lớn nhất toàn cầu không tham gia trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Hồi tháng 9, Andrey Melnikov, Phó giám đốc bộ phận hợp tác quốc tế tại Ngân hàng trung ương Nga (CBR), cho biết nhân dân tệ chiếm khoảng 19% trong các giao dịch thương mại của Nga với Trung Quốc vào năm 2021, so với 49% của đồng đô la Mỹ. Trong khi số liệu năm 2022 vẫn chưa được công bố, đồng nhân dân tệ thực tế đang dần chiếm thị phần của đồng đô la Mỹ trong giao dịch thương mại giữa hai nước.

Melnikov ghi nhận nhu cầu thanh khoản bằng đồng nhân dân tệ đã tăng mạnh do Nga bị hạn chế khả năng tiếp cận các phương thức thanh toán truyền thống cũng như do vàng và dự trữ ngoại tệ của Nga ở các nước phương Tây bị phong tỏa.

Ngân hàng trung ương Nga kêu gọi giám sát rủi ro tiềm ẩn

Thống đốc CBR Elvira Nabiullina nói với các nghị sĩ Nga trong tháng này rằng dòng nhân dân tệ đổ vào cho thấy “sự chuyển đổi thành phần tiền tệ trong nền kinh tế của chúng ta”.

Các cơ quan quản lý Nga cũng nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn bao gồm tình trạng mất cân đối khi số lượng tài khoản vãng lai và tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ ngày càng tăng giữa lúc hoạt động cho vay bằng đồng nhân dân tệ chỉ mới bắt đầu phát triển.

CBR kêu gọi các ngân hàng trong nước nên tìm cách giảm sự rủi ro ngày càng tăng của xu hướng nhân dân tệ hóa trong bảng cân đối kế toán của họ bằng cách tăng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ cho hàng nhập khẩu, đầu tư vào chứng khoán bằng đồng nhân dân tệ hoặc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch thương mại với các nước khác.

Tại một hội nghị trong tháng này, Elizaveta Danilova, Giám đốc bộ phận ổn định tài chính của CBR, cho biết các nhà quản lý không có kế hoạch hạn chế sử dụng đồng nhân dân tệ và có thể khuyến khích các ngân hàng sử dụng nhiều hơn bằng cách nới lỏng các yêu cầu dự phòng đối với đồng tiền này trong khi thắt chặt dự phòng đối với đô la Mỹ và euro.

Akopian của Caderus Capital cho biết một số công ty môi giới của Nga ghi nhận khách hàng của họ đang giữ một phần lớn tài sản bằng đồng nhân dân tệ.

Dòng tiền nhân dân tệ chảy vào mạnh đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về lãi suất tiền gửi bằng đồng tiền này ở Nga, hiện đang dao động từ 0,01-2,45% cho kỳ hạn một năm so với mức 1,6% ở Trung Quốc.

“Bạn có thể mở tài khoản nhân dân tệ ở hầu hết các ngân hàng Nga nhưng chỉ hưởng lãi suất rất thấp vì các nhà đầu tư nắm rất nhiều nhân dân tệ”, Akopian nói.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới