Thứ Bảy, 24/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Chậm thích ứng có thể đánh mất cơ hội lên ‘chuyến tàu’ FTA

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) là song hành các FTA chỉ có thể mang lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế khi cộng đồng doanh nghiệp có thể phát huy tối đa vai trò và năng lực của mình trong quá trình thực thi các hiệp định. Trong thời gian qua, có không ít doanh nghiệp không vượt qua được các rào cản kỹ thuật, hoặc cạnh tranh bằng cách thức phá giá, chậm thay đổi khiến cho các ưu đãi từ FTA chưa được phát huy.

Thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, có doanh nghiệp vì chậm thay đổi, chậm đáp ứng các yêu cầu mới mà đánh mất khách hàng lớn. Ảnh minh họa: Trung Chánh.

Trong 2 năm qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều rủi ro và bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan. Kết quả này có được một phần do nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được lợi ích từ các cam kết mở cửa thị trường mà Việt Nam đã ký kết cùng các nước. Theo số liệu của Bộ Công Thương, hàng năm, đã có hơn một triệu bộ C/O ưu đãi được cấp với trị giá khoảng 61,19 tỉ đô la Mỹ, với mức tăng khoảng 15% về trị giá và tăng 10% về số lượng bộ C/O hàng năm.

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên của hiệp định CPTPP đạt mức tăng trưởng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, các FTA chỉ có thể mang lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế khi doanh nghiệp có thể phát huy tối đa vai trò và năng lực của mình trong quá trình thực thi các hiệp định. Để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần đón đầu và tận dụng cơ hội về dòng vốn dịch chuyển đầu tư, khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có FTA nhất là tại các là thị trường EU, Mỹ… Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm, tìm hiểu rõ chuỗi cung ứng của mình để cố gắng lấp hoặc tham gia lấp đầy các chỗ đứt, gãy của các chuỗi cung ứng này.

Chậm thay đổi, thích nghi yếu

Nhờ hành lang pháp lý từ các FTA như hiệp định EVFTA, CPTPP, … các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận và cạnh tranh tốt hơn với các thị trường xuất khẩu lớn và khó tính như Mỹ và châu ÂU (EU) nhờ lợi thế ưu đãi thuế quan mang lại. Nhờ vậy mà giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đi đến xứ xở cờ hoa và khu vực các nước EU,… ngày càng tăng cao.

Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được lợi thế về những ưu đãi thuế quan mang lại qua các hiệp định mà Việt Nam ký kết với các nước và khu vực đã có hiệu lực. Sự hiểu biết về các FTA của các doanh nghiệp còn rất hạn chế và thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chưa nắm thông tin về thị trường xuất khẩu dẫn đến mất cơ hội kinh doanh hoặc bị phía đối tác nhập khẩu từ chối.

Dù ưu đãi thuế quan từ các FTA giúp hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hơn các nước khác, nhưng theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TPHCM (FFA), hiện nay việc các nước nhập khẩu đã đặt ra các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dẫn đến thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bà Chủ tịch FFA cho biết thêm các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những thông tin này rất chậm. Điều này đã dẫn đến một số mặt hàng thực phẩm Việt Nam ở một số thị trường trong khu vực châu Âu gần đây đã gặp khó vì sử dụng các hóa chất cấm trong ngành chế biến.

“Công tác phối hợp để cập nhật và phát thông tin cảnh báo về các thay đổi quy định trong tiêu chuẩn hàng hóa, các biện pháp kiểm soát, phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, khiến doanh nghiệp bị động và lúng túng trong ứng phó và dễ rơi vào tình trạng bị kiện hoặc không xuất hàng được”, bà Chi nói.

Cũng liên quan đến vấn đề hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu mà câu chuyện của đại diện Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu ra trong một hội thảo về xuất khẩu vào các thị trường FTA do Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM gần đây thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp.

Cụ thể theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tận dụng hết cơ hội khi xuất khẩu sang thị trường EU và Mỹ vì sản phẩm chủ yếu là sơ chế. Đáng chú ý, các doanh nghiệp cũng chậm thay đổi để thích ứng dẫn đến gặp khó khăn hoặc thậm chí là dẫn đến bị mất khách hàng.

Bà Lan dẫn chứng câu chuyện một doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng tôm Việt Nam vừa qua bị mất thị trường EU chỉ vì từ chối thay đổi khay nhựa đóng gói mà khách hàng yêu cầu. Ngay sau đó, một số nhà cung cấp khác đã mua sản phẩm của Thái Lan rồi đóng khay và nhanh chóng xuất khẩu cho khách hàng này.

Chia sẻ câu chuyện này của người đại diện VASEP cho thấy mặc dù sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chính là con tôm vẫn đạt chất lượng theo yêu cầu của khách hàng nhưng nếu doanh nghiệp đóng gói bao bì cho sản phẩm bằng những vật liệu không đạt yêu cầu của phía đối tác hoặc nước nhập khẩu thì cũng bị loại khỏi thị trường.

Bởi lẽ bên cạnh yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, thị trường khu vực châu Âu còn đặt tính an toàn cao và tính bền vững trong sản xuất, trong khi bao bì đóng gói sản phẩm liên tục thay đổi theo hướng thân thiện môi trường. Do đó, việc doanh nghiệp không cập nhật theo xu hướng hoặc chậm thay đổi thì sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Bên cạnh sự chậm chạm, không chịu thay đổi, bà Lan cho rằng một mặt cũng do công nghiệp hỗ trợ trong nước còn yếu để hỗ trợ cho các ngành thực phẩm và chế biến xoay chuyển.

Cạnh tranh bằng cách phá giá “níu chân” nhau

Nông sản trái cây tươi Việt Nam xuất khẩu vào nhiều nước trên thế giới. Ảnh minh họa: TL.

Bên cạnh chậm thay đổi theo yêu cầu phía đối tác nhập khẩu hoặc không cập nhật thông tin về các quy định của phía thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam còn có tình trạng tự hại, “níu chân” nhau theo lối văn hoá thương mại kém lành mạnh…

Liên quan vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, chia sẻ câu chuyện của chính doanh nghiệp ông bị một doanh nghiệp đồng hương cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường châu Âu.

Cụ thể theo ông Bình, trước đây Trung An và các công ty xuất khẩu gạo khác của Việt Nam khi xuất vào thị trường EU hoàn toàn không có tên của công ty trên bao bì, nhãn mác. Và nhận thấy EVFTA mang lại cơ hội xuất khẩu lớn nên hơn 2 năm qua Trung An quyết tâm xây dựng thương hiệu gạo ở thị trường khu vực này.

Điều này buộc công ty phải cắt bỏ toàn bộ các khách hàng cũ và ra thông báo với các thương nhân nhập khẩu gạo của Trung An rằng phải đóng bao bì của Trung An. Thời gian đầu, các thành viên trong Công ty Trung An e ngại với việc công bố như vậy chắc chắn sẽ bị mất khách hàng ở thị trường này sẽ giảm nhiều. Thế nhưng, theo ông Bình, sự kiên quyết xây dựng thương hiệu gạo Trung An cho thấy doanh số bán hàng của công ty tại EU tăng rất nhiều, thậm chí gạo sạch của Trung An tại thị trường Đức đang đứng hàng đầu.

Thế nhưng, người đứng dầu dẫn dắt Công ty Trung An lưu ý trường hợp có doanh nghiệp đồng hương tương đối lớn (không tiện nêu tên) khi xâm nhập thị trường EU đã thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể theo ông Bình, cách đây khoảng 2 tháng, doanh nghiệp này đem 50 container gạo sang EU bán. Lẽ ra phía phía doanh có thể bán gạo theo giá thị trường là 1.150 đô la Mỹ/tấn, nhưng vì muốn cạnh tranh nên đã giảm giá xuống dưới 1.000 đô la/tấn.

Mặc dù gạo giá rẻ của doanh nghiệp này sau đó bị các khách hàng trả lại vì hạt gạo ăn cứng hơn, nhưng theo ông Bình, kiểu tranh giành khách hàng bằng cách giảm giá bán này dẫn đến “níu chân” nhau giữa xứ người và làm cho gạo của Việt Nam mất lợi thế và giá trị ở thị trường xuất khẩu.

“Vì văn hóa thương mại kém, kiểu sang thị trường nào là tìm mọi cách hạ giá thành sản phẩm để giành khách hàng của nội bộ doanh nghiệp Việt với nhau, khiến giá bán của gạo Việt đang thấp hơn giá trị thật. Trên thực tế gạo Việt Nam có thể bán với giá đến 2.000 đô la/tấn thay vì chỉ có thể bán hơn 1.000 đô la/tấn”, ông Bình nói, và cho rằng: “Có như thế, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam mới có thể đạt lợi nhuận tốt hơn, đúng với tiềm năng và công suất giá trị của gạo sạch Việt Nam”.

Lúa gạo Việt Nam xuất khẩu đi nhiều nước trong đó có cả thị trường châu Âu. Ảnh minh họa: TL

“Bây giờ, chúng ta không nghĩ đến chuyện lời nhiều hay lời ít, mà phải làm sao để gạo Việt chất lượng vào châu Âu và cần phải trả lại giá trị thực của nó. Nhưng rất tiếc, do văn hoá thương mại kém của nhiều doanh nghiệp Việt khiến chúng ta không chỉ không phát huy mà thậm còn làm mất đi lợi thế”, ông Bình bộc bạch.

Vấn nạn cạnh tranh theo lối văn hoá thương mại kém này, theo ông Bình là không chỉ riêng ra ở ngành gạo, mà còn ở hoa quả, cá tra, ông Bình nêu tại hội thảo đánh giá tình hình tận dụng EVFTA diễn ra ở TPHCM gần đây.

Cũng cho rằng “ta tự hại ta”, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu, cho biết nhiều khi những thông tin xấu không chính thức ở trên mạng xã hội cũng sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Luận dẫn câu chuyện về chuyến đi xúc tiến thương mại thị trường châu Âu gần đây của công ty ông khi gặp đối tác ở Bỉ, ông đem trái bưởi từ Việt Nam qua để tặng cho cửa hàng bán sản phẩm organic của nước này nhưng bị chủ cửa hàng này từ chối.

“Các cửa hàng này nói rằng không dùng các sản phẩm nông sản Việt Nam. Trong khi đó, tôi thấy cửa hàng của họ có hàng Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia”, ông Luận nói, và cho biết thêm: “Sau 2 giờ đồng hồ thuyết phục cửa hàng thì người ta đưa ra những lý do để từ chối, trong đó họ thấy thông tin đâu đó trên mạng về việc chúng ta nhúng thuốc trái cây nên họ không hứng thú”.

Có hàng loạt quy định khắc khe và rào cản khác mà do không chịu cải tiến để đáp ứng hoặc không tìm hiểu, cập nhật khiến các doanh nghiệp Việt Nam đánh mất cơ hội kinh doanh ở các thị trường xuất khẩu lớn với nhiều lợi thế về ưu đãi thuế quan từ các FTA.

Để tận dụng được những lợi thế mà các FTA mang lại, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, cho rằng các doanh nghiệp phải luôn cập nhật những thông tin mới và hướng dẫn, đào tạo đội ngũ nhân viên tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để.

Tiếp đến, các doanh nghiệp nên bám sát thông tin, hướng dẫn từ các cơ quan ban ngành để chủ động đáp ứng các thay đổi thương mại của quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp cần sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các FTA.

Trên thực tế bên cạnh thiếu sự chủ động trong tìm hiểu các cơ hội xuất khẩu, theo các chuyên gia, không ít doanh nghiệp còn tỏ vẻ tự ti hoặc nghĩ rằng các thị trường như Mỹ và EU,… rất khó tính mà không chịu tìm hiểu để khai thác hoặc mở rộng cơ hội xuất khẩu. Cứ thế, nhiều doanh nghiệp Việt sẽ khó có thể lớn lên trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, trong số 15 Hiệp định FTA Việt Nam đang thực thi, có 3 FTA thế hệ mới là CPTPP, EVFTA và UKVFTA là những hiệp định rất quan trọng. Đây là các FTA mang lại nhiều kết quả đàm phán cơ lợi cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam, tạo dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới