Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nghề gốm Chăm – di sản cần được bảo vệ khẩn cấp

Xuân Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngày 30-11-2022, theo thông tin từ kỳ họp của Ủy ban Liên chính phủ công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tổ chức tại Rabat (Marocco), nghệ thuật làm gốm của người Chăm Việt Nam đã được đưa vào danh sách văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Câu chuyện bảo vệ khẩn cấp nghề gốm Chăm lại làm dấy lên câu hỏi rằng, người ta sẽ làm gì để giải quyết những bài toán tồn đọng bấy lâu nay của những làng nghề được vinh danh?

Nghệ thuật làm gốm Chăm là di sản phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào danh sách của UNESCO. Cũng như thực trạng của nhiều làng nghề khác, sau khi được vinh danh, nghề gốm Chăm đang đứng trước nhiều vấn đề.

Những vấn đề nan giải

Thông tin nghệ thuật làm gốm Chăm được vinh danh khiến công chúng trong nước thấy hào hứng và tự hào về một nghề cổ xưa, tồn tại từ thế kỷ thứ 12, vẫn còn giữ được cách sản xuất thô sơ được xem là “hóa thạch của nghề gốm”, như làm bằng tay, nung gốm lộ thiên bằng rơm, củi...

Tuy nhiên, với những nghệ nhân luôn trăn trở với nghề thì nghề gốm Chăm được UNESCO vinh danh là “niềm vui trong nỗi lo” khi một cuộc suy thoái kinh tế đã xuất hiện những dấu hiệu khởi đầu, mà thị trường gốm đất nung “siêu ngách” cũng sẽ phải nhận những tác động không nhỏ.

Điều thắc mắc của những người thợ gốm là sau khi nghệ thuật gốm Chăm được tôn vinh, người ta sẽ làm gì để giải quyết những bài toán tồn đọng bấy lâu nay của những làng nghề?

Đằng sau sản phẩm gốm Chăm là một bề dày văn hóa. Ảnh: Xuân Huy

UNESCO vinh danh “giá trị phi vật thể của nghệ thuật làm gốm Chăm” nghĩa là bao hàm cả chuỗi sản xuất tạo nên sản phẩm gồm tất cả các khâu như làm đất, chế tác, phơi, nung. Quá trình sản xuất đó đạt hiệu ứng cao nhất khi được gắn trong bối cảnh là một không gian văn hóa Chăm gồm có kiến trúc truyền thống và sinh hoạt truyền thống được bảo tồn, lưu giữ. Nơi đó, các tri thức sản xuất được lưu truyền theo hình thức “mẹ truyền con nối”. Thế nhưng kiến trúc và nếp sinh hoạt hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với truyền thống. Vậy, việc khôi phục giá trị phi vật thể ở đây sẽ được xác định nội hàm như thế nào và đâu là những giới hạn? Đó là một vấn đề mà “câu chuyện bảo vệ khẩn cấp” cần phải xác định rõ.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu đất sét thô đang dần giảm chất lượng, ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả thành phẩm. Sự xuống cấp của nguồn nguyên liệu và lối nung thô sơ, nhiệt độ thấp, không đều, phụ thuộc vào thời tiết, dẫn đến những rủi ro cho các mẻ nung và khiến tỷ lệ răng, rạn cao. Vì vậy, việc giữ, quy hoạch và cải thiện nguồn nguyên liệu sản xuất cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Và sự tăng giá của các nguyên liệu đầu vào (đất, củi, rơm) cũng dẫn đến xu hướng tiết kiệm, nung nhanh, nung nhiệt độ thấp khiến chất lượng sản phẩm bị hạn chế.

Một điều đáng lưu ý khác là sau nhiều năm các hộ kinh doanh gốm bước ra kinh tế thị trường, những sự “cạnh tranh vặt” đã khiến tình làng nghĩa xóm, các quan hệ giềng mối trong hoạt động nghề bị sứt mẻ. Thực trạng chung hiện nay, các hộ kinh doanh sao chép mẫu mã của nhau và luôn phá giá khiến giá sản phẩm bị kéo xuống mức thấp nhất. Đặc thù và thế mạnh của từng bàn tay thợ, từng hộ làm nghề mất đi. Điều đó giải thích vì sao các sản phẩm “handmade” dù kỳ công vẫn có giá trị thấp, người làm nghề không có thu nhập tương xứng với sức lao động, khiến lớp người trẻ không hào hứng nối nghề.

Cần vai trò điều phối và hỗ trợ kỹ năng

Tất cả những điều vừa nêu (và còn nhiều vấn đề khác) đang đòi hỏi “nhiệm vụ bảo vệ khẩn cấp” một vai trò điều phối chung hoạt động sản xuất kinh doanh nghề gốm Chăm.

Phải khẳng định sản phẩm gốm Chăm dù thô nhưng bản thân nó có giá trị mỹ thuật riêng, chứa đựng một giá trị tinh thần lớn, đáp ứng một nhu cầu thị trường nhất định, và nhờ đó mà có thể cạnh tranh với các sản phẩm đất nung khác. Nhưng nó đã và đang bị thị trường (còn chưa tôn trọng đúng giá trị sản phẩm handmade) và chính những người sản xuất - kinh doanh tự kéo giá trị sản phẩm của cộng đồng mình xuống thấp. Thị trường gốm có đôi lần trở nên xôm tụ những rồi lại chìm xuống. Có vẻ như, để có thể duy trì làng nghề lâu dài thì cần một sự điều phối lợi ích (đơn hàng, thu nhập) của các làng nghề. Ở đây, cũng cần phải nhắc đến vai trò của hiệp hội ngành gốm trong việc bình ổn giá chung.

Nói về việc quản lý quy hoạch đơn hàng, công việc lao động và nguồn thu nhập cho các hộ kinh doanh (để giúp họ duy trì nghề), có thể học hỏi cách làm du lịch của nhiều làng nghề cổ ở Nhật. Họ không chỉ bảo tồn phương thức sản xuất xưa mà còn cả nếp sinh hoạt truyền thống cũng như kiến trúc truyền thống. Tất cả được quy hoạch vào một không gian. Thu nhập từ bán vé tham quan làng cổ hay các lợi tức công cộng được phân chia và hỗ trợ cho các hộ sản xuất, nhất là những hộ khó khăn, yếu thế, để duy trì hoạt động bền vững của làng nghề. Cách làm này đòi hỏi vai trò quản lý và điều tiết chung.

Về kỹ năng làm nghề, điểm yếu hiện nay của nhiều nghệ nhân là coi nhẹ yêu cầu của đơn hàng, tức làm hàng phần nào tùy tiện, ngẫu hứng, và thường lấy lý do “handmade” để bao biện cho việc làm sai yêu cầu về kiểu dáng hay kích cỡ sản phẩm. Ý thức đáp ứng nhu cầu thị trường đang là một trở ngại nơi người thợ. Bên cạnh tình trạng đó, nhiều nghệ nhân gặp khó khăn trong việc kết nối thị trường. Việc bán hàng của các hộ sản xuất vẫn trông chờ vào ký gởi hàng tại các quầy, các đại lý có gian hàng ở mặt tiền làng, và chủ yếu hướng đến du khách mua trực tiếp.

Để nâng cao năng lực thị trường qua đó ổn định sinh kế cho làng nghề, công tác bảo tồn di sản nghệ thuật làm gốm Chăm cần chú trọng vấn đề cải thiện ý thức nơi những nghệ nhân về yêu cầu thị trường, sự uy tín trong giao kết làm ăn, tầm quan trọng của bình ổn giá, của việc phát triển thế mạnh riêng trong mẫu mã, cũng như các kỹ năng mở rộng thị trường… Trong bối cảnh bán hàng đa kênh hiện nay, nên chăng tổ chức thêm các khóa tập huấn cho các làng nghề về những kỹ năng căn bản (như cách làm hình ảnh, nội dung, tiếp thị…) để có thể tiếp cận các kênh bán hàng online, thay vì chỉ trông chờ vào mua bán offline truyền thống như lâu nay.

Chuyện cải tiến gốm Chăm cũng là một vấn đề trăn trở bấy lâu của các làng nghề. Nung lộ thiên hay nung lò kín? Giữ nguyên màu đất nung truyền thống hay phun tạo màu? Quét thêm men bóng hay giữ sự mộc mạc?... Hiện nay, các hộ kinh doanh gốm Chăm có những cách làm rất khác nhau. Duy có điều cốt yếu và là thế mạnh giúp gốm Chăm có chỗ đứng riêng biệt, đó là gốm Chăm nhiều hỏa biến (do nung lộ thiên, không dùng lò kín), chất mộc mạc (dù non gốm do nhiệt độ nung thấp so với các dòng đất nung khác); đó là câu chuyện sản xuất truyền thống được bảo tồn qua ngàn năm, hay các câu chuyện văn hóa của từng sản phẩm. Vậy, gốm Chăm không cần phải chạy theo hay cố gắng bắt chước để giống các dòng đất nung khác. Vấn đề chính của dòng gốm này là truyền thông câu chuyện đặc trưng của sản phẩm với những thế mạnh riêng không lẫn lộn, bên cạnh việc tích cực cải tiến mẫu mã, chú trọng tiếp thị các câu chuyện văn hóa thì sẽ nâng tầm giá trị cho sản phẩm.

Hiện cũng đã có những nghệ nhân gốm Chăm trẻ tuổi có sự chuyển biến tích cực trong việc thay đổi mẫu mã, cải tiến sản xuất và có thu nhập tương đối tốt. Tuy đội ngũ này chưa đông nhưng họ là gợi ý cho các thế hệ trẻ, rằng nếu đam mê và theo đuổi đến cùng, nghề gốm vẫn có thể đảm bảo một thu nhập tốt. Niềm tin về nghề như là một “cần câu” giúp người trẻ có thể làm chủ sinh kế tương lai là điều cần nhất cho việc lưu truyền nghề truyền thống. Đó là hướng đi bền vững, thay vì trông vào những “con cá” là sự rót vốn cho các dự án mang tính tạm thời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới