(KTSG) - Hồ bơi rất sạch, nước hồ được xử lý và lọc nước tuần hoàn liên tục hai tiếng một lần, hóa chất để làm sạch khuẩn và trong nước hồ được nhập 100% từ Pháp. Đó là những thông tin mà tôi đọc được từ mạng xã hội sau khi T., anh bạn vong niên hiện đang sống trong một khu chung cư cao cấp nằm trên đường Bến Vân Đồn cho mượn thẻ cư dân để sử dụng tiện ích của hồ bơi nơi đây.
Thật ra, khu chung cư tôi đang thuê gần nơi anh ở cũng có hồ bơi nhưng thứ Hai lại đóng cửa để dọn dẹp nên tôi tiện thể ghé anh trò chuyện nhâm nhi cà phê sáng rồi tranh thủ đi bơi luôn.
Đến đầu giờ chiều tôi mới phải gặp đối tác và khách hàng còn anh thì buổi sáng đầu tuần bận bịu phải vào cơ quan. T. bảo tôi cứ xem mình như người ở đây vì có thẻ cư dân thì đi lại thoải mái và tận hưởng các tiện ích khác như phòng tập gym, spa, phòng tập yoga trong khu căn hộ cao cấp được xem là cao cấp nhất nhì quận 4 này.
- Thị trường căn hộ khu Tây trỗi dậy theo hạ tầng, tiện ích
- Dự án chạy đua tiện ích, khách hàng được hưởng lợi
Mặc dù chuyện đi bơi ở những không gian được gọi là “đẳng cấp” trong những dịp công tác kết hợp thăm nhà ở Sài Gòn cũng chẳng có gì đáng nói nhưng cái cảm giác trước khi tôi bước xuống hồ lần này có một cái gì đó khác biệt.
Từ hồ bơi trên tầng 7, tôi nhìn xuống đường Bến Vân Đồn chạy dọc theo sông Rạch Bến Nghé còn phía bên kia là quận 1 với Bến Chương Dương và trung tâm thành phố. Mặt tiền bên phải của chung cư là đường Nguyễn Hữu Hào trước đây gọi là hẻm Hãng Phân. Đi vài chục mét là tới căn nhà cũ của gia đình ba má và chín anh chị em tôi trong một khu lao động nghèo. Đi thêm khoảng hai mươi mét nữa sẽ đến xóm Lò Bún từng là điểm hẹn của giang hồ, trộm cướp và tệ nạn xã hội.
Bao kỷ niệm ngày xưa bỗng dưng ùa vào tâm trí bởi cách đây đúng 25 năm tôi đã rời nơi đây để tự thân lập nghiệp nơi xứ lạ quê người...
Bơi được mười vòng, tôi bám tay vào thành hồ nghỉ ngơi thư giãn ngắm nhìn cảnh quan xung quanh và hít thở không khí trong lành buổi sáng. Bỗng nhiên tôi thấy một phụ nữ châu Á tuổi khoảng trên ba mươi mặc bikini đứng chơi đùa dưới hồ cùng một bé gái chừng năm sáu tuổi và một thiếu nữ khoảng mười lăm tuổi mà tôi đoán là ba mẹ con.
Hồ chỉ có độ sâu 1,4 mét nên chuyện một số người chỉ xuống vui chơi dưới nước cũng là bình thường nhưng điều khiến tôi bực mình là cô con gái lớn lại vô tư mặc quần jeans kaki ngắn và áo thun xuống hồ.
Tôi bơi một mạch sang phía bên kia hồ rồi ngoắc cậu nhân viên cứu hộ lại để lưu ý rằng có một khách bơi không mặc trang phục phù hợp. Nhưng bơi thêm một hai vòng nữa thì tôi nhận thấy tình hình chẳng có gì thay đổi, tức là cô con gái lớn vẫn còn ung dung trong hồ với bộ quần áo mặc ra đường.
Nghe người mẹ trò chuyện với hai đứa con bằng tiếng Anh, tôi ngừng bơi cách họ chừng năm mét và cũng nói bằng tiếng Anh đại khái là xuống hồ thì không nên ăn mặc như vậy. Người mẹ quay lại nhìn tôi và lớn tiếng: “It is not your business!” (Đó không phải là chuyện của anh!).
Tôi đáp trả lại rằng đây chính là chuyện của tôi vì tôi đang bơi trong hồ này và mọi người cần giữ gìn vệ sinh. Cô ta quát bằng tiếng Anh: “Đây là Việt Nam, đất nước của tôi. Anh không có quyền yêu cầu tôi làm điều anh muốn”. Đến nước này thì tôi nói tiếng Việt rằng tôi cũng là người Việt Nam.
Người phụ nữ tỏ vẻ bất ngờ những cũng giả lả: “Anh là người Việt phải thông cảm cho người mình chứ!”. Không còn hứng thú bơi nữa và cũng không muốn đôi co, tôi bước ra khỏi hồ rồi đề nghị cậu nhân viên cứu hộ nên có thái độ cứng rắn hơn. Nhưng sau khi thay quần áo rời khu vực hồ bơi thì tôi vẫn thấy ba mẹ con còn ở dưới nước với hiện trạng y phục như trước.
Tôi kể lại tình huống nói trên cho T. thì anh nói những đối tượng như vậy không phải là cư dân ở đây mà thường là khách vãng lai đến cư trú ngắn hạn hoặc theo hình thức Airbnb. Thỉnh thoảng cũng có trường hợp cư dân không biết hay quên quy định y phục trong hồ bơi nhưng khi được nhắc nhở thì ai cũng sẵn sàng chấp hành trong không khí thân thiện hòa nhã.
T. nói vui không chừng người phụ nữ đó cũng là dân địa phương mà nếu căng thẳng quá thì có khi tôi có thể gặp rắc rối khi cô ta kêu chiến hữu giang hồ quận 4 tới gây sự. T. cho biết ở một khu căn hộ cao cấp gần đây đã từng xảy ra trường hợp cư dân ẩu đả, xô xát lẫn nhau vì ai cũng cho mình quyền sử dụng không gian hay tiện ích công cộng theo ý mình.
T. cũng lưu ý tôi rằng mặc dù là chung cư cao cấp nhưng “tính địa phương” của một số cư dân rất cao và khi phát sinh xung đột thì có người sẵn sàng thể hiện “cá tính” của mình.
“Đó không phải là chuyện của anh!”. Câu nói đó cứ ám ảnh tôi trong suốt thời gian tôi ở Sài Gòn hồi đầu tháng 9 vừa rồi và tôi tự hỏi phải chăng chính cái suy nghĩ đó đã khiến cho rất nhiều vấn đề ở thành phố mười triệu dân vẫn tồn tại dai dẳng không lối thoát.
Có lần tôi vào một quán phở nổi tiếng trên đường Lê Văn Sỹ sau khi gọi món chuẩn bị cầm đũa thì ngửi thấy khói thuốc ở bàn cạnh bên. Tính có ý kiến với chủ quán nhưng tôi hơi ngại vì không biết có đụng chạm gì không.
Một hôm tôi có dịp dự tiệc sinh nhật của con gái một anh bạn trên lầu hai của một nhà hàng 5 sao trên đường Đông Du quận 1. Tiệc xong thang máy đông người quá nên tôi và anh quyết định đi bộ nhưng khu vực cửa vào cầu thang bộ lại chất đầy bàn ghế. Chúng tôi bảo nhau rằng nhà hàng này không tuân thủ nguyên tắc phòng cháy chữa cháy nhưng rồi cùng quay lại thang máy để xuống tầng trệt để giao lưu với các bạn bè thân hữu khác.
Trong thời gian tôi ở Sài Gòn đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn trong đó có vụ một nhà hàng karaoke ở Bình Dương khiến ba mươi ba người bị tử vong và một trong những nguyên nhân chính là nhà hàng không có hệ thống thoát hiểm.
Tự nhiên tôi nhớ lại cái cửa thoát hiểm bị bàn ghế chặn ở nhà hàng ở đường Đông Du mà tôi đến ăn sinh nhật hôm nọ. Giả sử nơi đây xảy ra hỏa hoạn và có người chết ngộp vì không thể thoát ra ngoài được và lẽ ra tôi có lẽ góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro phát sinh bằng cách có ý kiến với ban quản lý nhà hàng hay thông báo cho cơ quan chức năng.
Nhưng ngẫm lại thì có nhiều lý do khiến tôi không dám mạnh dạn góp ý với nhà hàng khi đi cùng với anh bạn là chủ bữa tiệc sinh nhật. Dù sao tôi cũng chỉ là một thực khách năm thì mười họa đến nơi đây và có thể làm cho không khí họp mặt sinh nhật hôm đó mất vui.
Những chuyện xảy ra trong chuyến đi vừa rồi khiến tôi nghĩ đến một từ tiếng Anh rất khó dịch trọn vẹn ra tiếng Việt là “stakeholder” và nếu không để ý có thể lẫn lộn với từ “shareholder” (cổ đông). Theo từ điển Investopedia, “stakeholder” là một bên có lợi ích trong doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, với sự chú ý ngày càng tăng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khái niệm này đã được mở rộng để bao gồm các cộng đồng, chính phủ và hiệp hội thương mại.
Để dễ hình dung hơn, độc giả có thể tham khảo sơ đồ dưới đây với các vòng tròn màu đỏ là các “stakeholder” nội bộ, những người quan tâm đến doanh nghiệp thông qua mối quan hệ trực tiếp như việc làm và quyền sở hữu hay đầu tư. Còn “stakeholder” bên ngoài là những người không trực tiếp làm việc với doanh nghiệp nhưng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các hoạt động và kết quả của doanh nghiệp:
Tại Singapore, thuật ngữ “stakeholder” thường được các quan chức nhà nước sử dụng trong các bài phát biểu chính thức hay đối thoại với người dân.
Chẳng hạn như trong một bài phát biểu cổ động chương trình cải cách quản trị quốc gia mang tên Singapore 21 vào năm 1999, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trên cương vị Bộ trưởng Cố vấn vào thời điểm đó cho rằng thành công của Singapore không chỉ đơn thuần nằm ở phần cứng (hardware) là dữ liệu kinh tế hay chỉ số GDP tốt mà còn phải có phần mềm (software) giúp thúc đẩy sự phát triển của phần cứng này.
Nhưng phần mềm này sẽ không thể vận hành hiệu quả nếu thiếu yếu tố con tim (heartware). Nếu không có một xã hội gắn kết, một con người quan tâm lẫn nhau thì Singapore không thể thành công. Không giống như một doanh nghiệp mà giám đốc điều hành và các nhà quản lý chỉ phải trả lời các cổ đông của mình, chính phủ phải trả lời cho người dân và người lao động ở Singapore - tất cả đều là cổ đông hoặc “stakeholder”.
Ông Lý nói: “Mọi người phải cảm thấy rằng doanh nghiệp được điều hành vì lợi ích của họ. Người lao động hoặc người dân cần người quản lý tốt (hoặc chính phủ tốt), nhưng chính phủ không thể thành công nếu không có người dân gắn kết và phản hồi”.
Trong thực tiễn của nghề phiên dịch và tiện trao đổi với đối tác hay khách hàng người Việt và tôi thường dùng từ “bên liên quan” để thay thế cho “stakeholder”. Tuy nhiên, mỗi lần nhắc đến từ này, tôi cũng cố gắng diễn giải thêm về nội hàm của từ này trong đó “stake” có nghĩa là “phần hùn” và đó không đơn thuần là “cổ phần” hay “cổ đông”. “Stakeholder” còn có liên hệ mật thiết đến cảm giác sở hữu hay thuộc về (sense of belonging).
Theo thiển ý của tôi, nếu người Việt Nam chúng ta ai cũng cảm thấy mình là một phần không thể thiếu của cộng đồng và xã hội và sẵn sàng tham gia góp phần làm cho môi trường xung quanh của mình tốt hơn thì chắc hẳn không gian đô thị ở Sài Gòn, Hà Nội và các tỉnh thành mà tôi đã ghé thăm sẽ khang trang và tươm tất hơn hiện tại.
Và cái đáng sợ cho một cộng đồng, xã hội hay quốc gia không hẳn là sự tồn tại của giang hồ quận 4 hay Chí Phèo mà là tư duy “vốn ghét lôi thôi” và chỉ “nghĩ đến sự yên ổn của mình” của người dân làng Vũ Đại trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Khi Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại thì người dân ở đây tự nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”.
(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore
Tương tự triết lý “Mình vì mọi người/ Mọi người vì mình”. Nói thì dễ. Mấy chục năm rồi. Nhưng thật không dễ làm. Câu này gần đồng nghĩa, nhưng kém tính thực dụng và hiệu quả, nếu so sánh với stakehold.