Thứ Hai, 17/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

‘Dân kiến trúc’ vẽ muôn mặt Sài Gòn

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cuộc triển lãm Saigon O’clock của 24 kiến trúc sư sống và làm việc tại TPHCM cho thấy một mặt khác của giới kiến trúc – những người đang muốn nhìn ngắm không gian sống ở một chiều kích khác: bằng tiết điệu, sắc thái tinh thần.

Toàn cảnh phòng triển lãm. Ảnh: N.A.N

Công việc của một kiến trúc sư thông thường luôn bắt rễ với nhu cầu khách hàng, chủ đầu tư. Cuộc “thương lượng” làm sao để hài hòa, một mặt với “đối tác”, một mặt với giá trị và khát vọng nội tại về chuyên môn không phải bao giờ cũng dễ chịu. Mỹ thuật có mặt như một cảnh quan giá trị khác không chỉ giúp họ khuây khỏa, mà còn là một cách nhìn lại thế giới cuộc sống mà mình góp phần tạo nên.

Vẽ tranh như lúc bấy giờ lại vừa như một phương thế hóa giải của các kiến trúc sư.

Đô thị, bộ mặt của nó, một phần được tạo tác bởi nhà kiến trúc. Vậy thì khi cầm cọ vẽ như một họa sĩ, ta hình dung, họ lùi ra khỏi tư duy công việc quen thuộc của các tỷ lệ, các đồ án hay bản vẽ chi tiết để có một cơ hội bộc bạch qua một cái tôi khác: cái tôi nghệ sĩ.

Cái tôi họa sĩ có thể đồng cảm nhưng cũng có thể luôn sẵn sàng “tranh luận” về chính khung cảnh mà cái tôi của nhà kiến trúc tạo ra. Đây chính là điều thú vị khi ta xem qua “hiện thực” trên những bức tranh của giới kiến trúc sư qua cuộc triển làm 85 bức tranh chủ đề Saigon O’clock của 24 kiến trúc sư sống và làm việc tại TPHCM, diễn ra ở C.space – Integrated Design Complex, 12-13 đường N1, Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM từ ngày 11 đến 26-5 này.

Tranh Sơn Nguyễn. Ảnh: N.A.N

Trong cuộc triển lãm này, ta có thể nhận thấy hầu hết là một không gian Sài Gòn trau chuốt, có thể nói, có phần “mộng hóa”, cho dù đó là một góc hẻm, mặt tiền nhà, những hoa văn nổi chìm cổ kính, dòng kênh con rạch hay những lát cắt của ngoại ô trong lành… Có cảm giác, khi vẽ tranh, phần lãng mạn bị kìm hãm bên dưới các bản vẽ thiết kế kiến trúc mới được cơ hội bung mở, dù cho sự “giải tỏa” đó, có thể đối với cái nhìn nghiêm khắc của giới phê bình mỹ thuật, thì còn nhiều điều đáng bàn.

Tranh Vương Trinh. Ảnh: N.A.N

Hầu hết các bức tranh trình bày một Sài Gòn theo kiểu ký họa khổ nhỏ bằng màu nước, acrylic, một số ít là tranh sơn dầu khổ lớn.

Về tổng quan, có thể thấy sketch – ký họa là một hình thức ghi nhanh không gian, nó hợp với bối cảnh văn hóa chuyển động hiện nay. Không tham vọng vĩnh cửu hóa không gian hay tâm trạng, mà người vẽ, bằng cái nhìn của những người quan tâm đến các giải pháp không gian, muốn ghi lại những gì đang có: một góc hẻm, góc phố, một bóng cây ngoại ô, hay quán cà phê với bức tường chuyển màu thời gian trông thật quen mắt nhưng ta thường dễ lướt qua.

Các bức ký họa truyền đến người xem một cảm xúc nằm giữa sự lướt qua và tính ngưng đọng. Độ tĩnh của nó, từ chiếc ghế, người ngồi trầm tư trong quán cà phê, một vỉa hè vắng lặng, những nếp nhà chen chúc hay là mấy dáng cây, mái vòm nhà thờ hoặc không gian thờ cúng trong ngôi chùa… thì cũng đều trước, cái hiện thực đó đang trượt đi, đổi thay. Những bức tranh ký họa màu nước theo hướng tả thực vẽ Chợ Lớn của Lê Minh Đức hay các bối cảnh biểu tượng mới, góc phố di sản Trần Nhật Minh, Vương Tâm, Sơn Nguyễn, Lê Quang Hiếu đang cho thấy hai mặt tĩnh lặng và sống động của một Sài Gòn vừa mang trong mình nét xưa cũ gợi ký ức, lại vừa đầy nội lực phát triển và đổi thay.

Tranh Bùi Hoàng Bảo. Ảnh: N.A.N

Những bức tranh mang lại cảm giác bình yên và dễ chịu, có thể xem như ngọn gió lành làm dịu tâm trí người thưởng lãm. Có thể kể đến là giấc ngủ trong trẻo giữa thế giới “thiên đường hóa” của một cô gái (mà theo tác giả tranh, “nàng thơ” là một tiếp viên hàng không của hãng bay quốc tế, thường xuyên di chuyển giữa các múi giờ, lịch bay) trong bức tranh khổ lớn của Đặng Phan Lạc Việt hay một góc phố yên tĩnh bình dị được nhìn qua các tán cây trong tranh của Vương Trinh.

Cũng có những lối “trần thuật” phong cách biểu hiện, như các bức tranh hiện thực mang sắc thái tương phản của Phan Gia Hữu Tuấn hay Sơn Nguyễn hoặc thâm trầm với sự công kỹ trong những bức tranh nổi chìm hoa văn vàng son của Nguyễn Thanh Vũ, cho thấy đô thị là những khoảng đối lập gay gắt; những khoảng cách, những nghịch lý đồng thời trình hiện.

Đến đây thì có thể thấy, vẽ tranh hình như đã không còn là một hoạt động khuây khỏa của “dân kiến trúc”. Cuộc triển lãm đang cho thấy một mặt khác của thế giới kiến trúc: những người tạo lập không gian sống trong đô thị đang muốn nhìn ngắm không gian sống ở một chiều kích khác, không phải là khối tích, hình dạng vật lý, mà xa hơn, bằng tiết điệu, sắc thái tinh thần.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới