(KTSG Online) - Ngành bán dẫn Trung Quốc đang trong cơn bùng nổ về số lượng các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) khi nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng sức mạnh của ngành công nghiệp chip đang thu hút một lượng vốn khổng lồ.
- Trung Quốc khiếu nại lên WTO việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chip cao cấp
- Mỹ siết chặt kiểm soát xuất khẩu để cắt đứt nguồn chip cao cấp sang Trung Quốc
Trong năm nay, tính đến ngày 15-12, các công ty sản xuất chip hoặc thiết bị sản xuất chip ở Trung Quốc đã huy động được số tiền tương đương 12 tỉ đô la Mỹ từ các đợt IPO ở thị trường trong nước. Con số này gần gấp ba lần số tiền mà họ huy động được vào năm 2021. Đồng thời, họ cũng đã nộp đơn xin IPO để huy động 17 tỉ đô la Mỹ khác ở Trung Quốc đại lục .
Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp chip Trung Quốc ngày càng lớn hơn khi Bắc Kinh chạy đua phát triển năng lực tự cung tự cấp trong bối cảnh Mỹ áp đặt những thách thức đối với vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Hồi tháng 10, Washinhton đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với chip và thiết bị sản xuất chip cao cấp đồng thời ngăn chặn các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực chip thuê nhân sự người Mỹ. Các hạn chế này là một bước leo thang hơn nữa so với các hạn chế trước đó vốn chỉ nhắm đến danh sách công nghệ hẹp hơn và các công ty cụ thể của Trung Quốc như Tập đoàn công nghệ Huawei Technologies và hãng chip Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC).
Theo các nhà phân tích, động thái tăng cường hạn chế xuất khẩu trong lĩnh vực chip của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc càng quyết tâm tự phát triển các nguồn lực để bắt kịp Mỹ về các công nghệ tiên tiến. Năm ngoái, lĩnh vực bán dẫn ở Trung Quốc là điểm đến được ưa chuộng nhất của các khoản đầu tư mạo hiểm khi giới đầu tư tận dụng các ưu đãi của chính phủ Trung Quốc dành cho lĩnh vực này.
Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng được khuyến khích hỗ trợ lĩnh vực chip. Jianchun Cai, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải, kêu gọi các nhà đầu tư phân bổ nguồn lực cho “những nơi cần đổi mới công nghệ nhất của Trung Quốc”. Ông đưa ra kêu gọi này tại cuộc họp với các nhà đầu tư tổ chức và công ty chứng khoán vào ngày 9-12.
Lijun Sun, đồng giám đốc bộ phận ngân hàng toàn cầu của UBS Securities, công ty môi giới chứng khoán tại Trung Quốc của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), cho biết cơn bùng nổ IPO ngành chip ở Trung Quốc xuất hiện trong năm nay là do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ buộc các nhà sản xuất Trung Quốc phải tìm các giải pháp thay thế gần quê nhà hơn. Ông nhận định điều đó đã củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư rằng sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn của đất nước sẽ bền vững.
“Ba năm trước, khi không có hạn chế nào đối với các công ty sản xuất chip và thiết bị sản xuất chip của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, hiện tượng “kẻ thắng làm vua” trong ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc là điều hiển nhiên. Giờ đây, vì những hạn chế này, có nhiều công ty khởi nghiệp trong nước sẵn sàng tham gia vào toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành”, ông Sun nói.
Thương vụ IPO lớn nhất trong lĩnh vực chip của Trung Quốc năm nay đến từ Hygon Information Technology, nhà sản xuất chip xử lý đồ họa, đã huy động được 1,5 tỉ đô la Mỹ hồi tháng 8. Hygon Information Technology đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen hồi năm 2019 để yêu cầu các công ty Mỹ phải xin phép trước khi bán hàng hóa hoặc dịch vụ cho công ty này.
Hồi giữa tháng 12, đợt IPO của Beijing YanDong MicroElectronic huy động được 541 triệu đô la Mỹ. Công ty cho biết họ sẽ sử dụng số tiền này để xây dựng dây chuyền sản xuất tấm wafer 12 inch (được sử dụng làm vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp).
Cổ phiếu của các công ty chip niêm yết ở Trung Quốc gần đây có hiệu suất tăng giá vượt trội so với cổ phiếu ở các lĩnh vực khác. Gần 60% công ty chip ở Trung Quốc có cổ phiếu đang giao dịch ở mức giá cao hơn ít nhất 20% so với giá IPO, theo dữ liệu của Wind. 10% công ty chip ở nước này có cổ phiếu tăng giá gấp đôi kể từ khi niêm yết.
Quy trình IPO ở Trung Quốc thường mất nhiều thời gian hơn so với các thị trường khác vì các công ty thường phải trải qua nhiều vòng thẩm định và chất vấn từ các cơ quan quản lý.
Theo tính toán của Wall Street Journal, các công ty Trung Quốc niêm yết ở sàn STAR Market của Thượng Hải mất trung bình 186 ngày để được phê duyệt IPO. Trong khi đó, thời gian trung bình để phê duyệt IPO cho 26 công ty bán dẫn đã niêm yết trong năm nay là 156 ngày.
Allen Lu, trưởng bộ phận kiểm toán lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông tại hãng kiểm toán KPMG China, nhận định nhu cầu về linh kiện bán dẫn ở Trung Quốc đang bùng nổ nhờ sự phát triển nhanh chóng của điện tử tiêu dùng, thiết bị điều khiển công nghiệp và internet vạn vật.Ông nói: “Sự hào hứng của thị trường vốn d ành cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Trung Quốc cũng đang dâng cao”.
Theo Mulong Gong, đối tác quản lý của văn phòng chi nhánh Bắc Kinh của hãng luật King & Wood Mallesons (Hồng Kông), dù vẫn có những điều không chắc chắn về điều kiện vốn tài trợ và tính thanh khoản của thị trường, nhưng xu hướng chính sách tổng thể thuận lợi đối với lĩnh vực chip ở Trung Quốc khó có thể thay đổi.
Cơn bùng nổ IPO của ngành chip giúp tổng vốn huy động từ các đợt IPO tổng thể ở Trung Quốc trong năm nay tăng lên mức cao kỷ lục, một sự tương phản rõ rệt với sự sụt giảm mạnh IPO ở các thị trường khác bao gồm Mỹ.
Theo WSJ