Thứ Ba, 30/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiền đề cho tái cấu trúc: Chất lượng điều hành và lòng tin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiền đề cho tái cấu trúc: Chất lượng điều hành và lòng tin

TS. Phạm Đỗ Chí

Tiền đề cho tái cấu trúc: Chất lượng điều hành và lòng tin
minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Trong khi phần lớn các bài tham gia mục Diễn đàn thường góp ý về các chính sách vĩ mô cụ thể như tài khóa, tiền tệ hay về sản xuất, người viết bài này muốn đặt vấn đề một cách khác hơn, là đi tìm hai nguồn gốc cơ bản của tình hình kinh tế hiện nay: những bất cập trong điều hành (nhất là việc quản lý khu vực quốc doanh đã tốn quá nhiều tâm trí và giấy mực) và vấn đề niềm tin.

Việc giải quyết những nguyên nhân này cũng sẽ là tiền đề cần thiết của việc tái cơ cấu nền kinh tế, và như vậy sẽ giúp xác định những chính sách thích hợp hơn trong nhiều địa hạt khác nhau.

Các vấn đề trong điều hành

Các chuyên gia kinh tế và quan sát viên của nền kinh tế Việt Nam khá bận rộn để xem xét các sự kiện hàng ngày và phân tích những thay đổi chính sách trong vài năm qua. Tuy nhiên, chúng ta có xu hướng bỏ qua hoặc quên rằng tình hình hiện nay chủ yếu là do thiếu bốn yếu tố cơ bản của việc điều hành đất nước: khả năng dự báo, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của các tác nhân kinh tế trong quá trình tăng trưởng.

Đầu tiên, khả năng dự đoán bị thiếu trầm trọng trong nền kinh tế Việt Nam trong vài năm qua. Những thay đổi chính sách triệt để đã chuyển 180 độ từ kích cầu sang kiềm chế lạm phát, sau đó đảo ngược một lần nữa trong bốn năm qua.

Gần đây, tại một hội nghị mang tên “Đầu tư 2011-2012: Cơ hội cho ai?” (ngày 28-7-2011) tại khách sạn Sheraton ở TPHCM, Tiến sĩ Võ Trí Thành của CIEM (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cũng đặc biệt lưu ý rằng trong bốn năm qua, Chính phủ đã thay đổi mục tiêu chính sách cơ bản bốn lần: kích thích tăng trưởng bằng đầu tư công cao và mở rộng tín dụng trong năm 2007, sau đó kiểm soát lạm phát trong năm 2008, trở lại năm 2009 với chính sách nới lỏng để đối phó với suy thoái kinh tế do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, sau đó vào năm 2010 là sự thay đổi chuyển sang chính sách ổn định kinh tế. Môi trường kinh doanh và tiêu dùng cũng như kế hoạch sản xuất của một nền kinh tế hiệu quả khó hoạt động tốt trong môi trường như vậy.

Thứ hai, sự điều hành ở cấp Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước cần phải được tăng cường hơn nữa bằng cách thúc đẩy tính minh bạch. Công chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp, sẽ cần những thông tin hàng tháng như tiền tệ và tín dụng, thu và chi ngân sách nhà nước, dự trữ ngoại hối chính thức… để hướng dẫn những hành vi kinh tế hàng ngày của họ, tránh các hành động phi lý và kỳ vọng sai do thông tin sai lệch và những tin đồn về đầu cơ.

Thứ ba, việc quản trị cũng chịu ảnh hưởng từ sự công nhận và nâng cao trách nhiệm giải trình (accountability), đặc biệt là trong khu vực công, nơi mà mỗi cơ quan hoặc cụ thể hơn là mỗi doanh nghiệp nhà nước phải được hạch toán thường xuyên bằng các hoạt động và kết quả tài chính phải được kiểm toán. Hiện tượng Vinashin sẽ không bao giờ xảy ra nếu yếu tố quan trọng này của quản trị được tôn trọng.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là làm sao tạo sự đồng thuận giữa các thành phần dân cư khác nhau về mục tiêu phát triển và các giá trị để thu hút sự tham gia đầy đủ của người dân trong quá trình tăng trưởng? Khu vực nông thôn có bị tách rời và tương đối không được hưởng đầy đủ thành quả của đổi mới và các cải cách kinh tế trong hai thập niên qua? Làm thế nào để giới trí thức có thể tham gia đầy đủ hơn trong việc xây dựng các chính sách của Nhà nước trong các lĩnh vực quan trọng như chính sách đối ngoại, chính sách kinh tế và chính sách giáo dục?

Khôi phục niềm tin

Những vấn đề trong nước như lạm phát hai con số và sự mất giá tiền đồng trên 30% trong vài năm qua về cơ bản cho thấy người dân thiếu niềm tin vào các chính sách kinh tế quốc gia và do đó thiếu niềm tin vào tiền đồng. Người dân cũng tránh việc giữ trái phiếu và cổ phiếu doanh nghiệp, mặc dù đó là “những tài sản quý” trong những ngày cuối năm 2006 hay đầu năm 2007 khi nước ta gia nhập WTO và tổ chức các cuộc họp APEC trong sự hồ hởi. Thay vào đó, gần đây họ đã tìm thấy nơi trú ẩn khác ở vàng và ngoại tệ.

Tương tự như vậy, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có một thái độ hờ hững hơn trước đối với Việt Nam. Bắt đầu với một sự suy giảm từ năm 2009, vốn đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh trong bảy tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư FII mới gần như vắng mặt với chỉ số VN-Index ở mức ảm đạm quanh 400 từ nhiều tháng nay.

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài hình như đang chững lại với thái độ “chờ xem”. Đây là những nhà đầu tư dài hạn có đủ kiên nhẫn để vượt qua những lúc “lên” và “xuống” của những năm đổi mới vừa qua, nhưng trong chu kỳ hiện tại, họ đang hồi hộp chờ đợi những cải cách nhiều hơn với các kết quả cải thiện kinh tế vĩ mô cụ thể trong giai đoạn 2011-2012 trước khi cam kết đầu tư nhiều hơn. Do đó, sự thành công triệt để của Nghị quyết 11 là điều cấp thiết nhất để khôi phục lại niềm tin của họ.

Hai vấn đề cơ bản: khu vực tư nhân so với khu vực công và vai trò tương lai của nông nghiệp/nông thôn?

Mặc dù nền kinh tế luôn được mô tả như là một nền kinh tế đa thành phần nhưng khu vực công với các công ty nhà nước hoạt động kém hiệu quả đã đóng vai trò chi phối. Vai trò này sẽ tiếp tục hay khu vực tư nhân cuối cùng sẽ được công nhận là động cơ của sự tăng trưởng trong tương lai?

Bên cạnh đó, trong kế hoạch năm năm mới, nông nghiệp và khu vực nông thôn, nơi 70% dân số sinh sống, phải có được vai trò của nó với tiêu chuẩn cuộc sống và sức mua được nâng cao để phát triển một nền kinh tế nội địa mạnh mẽ, thay vì tiếp tục với chiến lược phát triển trước đó là dựa vào xuất khẩu và đầu tư công cao với xu hướng thiên về khu vực đô thị. Trung Quốc, cuối cùng dưới những áp lực chính trị và xã hội, đang chuyển  bước sang hướng đi mới này.

Lộ trình chính sách ngắn hạn: khả năng xảy ra tình trạng “lạm phát đình đốn” và sự lựa chọn chính sách trong năm 2011-2012

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2011 tăng 0,93% so với tháng 7, “nguội” hơn đôi chút so với mức tăng của những tháng trước và có thể thấp hơn nữa trong hai tháng kế tiếp. Tuy nhiên, vào hai tháng 11 và 12, giá cả nhiều khả năng sẽ tăng nhanh trở lại với dịp lễ, Tết và dự báo được nhắc lại thường xuyên là lạm phát cả năm có thể ở mức lo ngại là 19-20%.

Do lãi suất cao với chính sách tiền tệ được dự kiến thắt chặt cho nửa sau của năm 2011 và có thể sang năm 2012 (qua những lời tuyên bố chính sách chính thức), nhiều hoạt động sản xuất đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo các tin mới đây từ Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tới 30% các doanh nghiệp phải đóng cửa hay tạm ngưng sản xuất, vì không tiếp cận được vốn hay vì lãi suất cao.

Ngoài ra tin tức quan trọng nhất dù ít được giới quan sát “chính thống” để ý là mức cầu về điện năm nay giảm hẳn xuống so với dự báo trước đây là thiếu điện trầm trọng, đã cho thấy sự ngưng trệ của nhiều ngành sản xuất. Mặc dù khu vực nông nghiệp đã chống đỡ hiệu quả như kinh nghiệm năm 2008, không loại trừ tăng trưởng GDP có thể chậm lại còn 5% hay ít hơn  vào nửa sau của năm 2011, tức là chỉ khoảng 5,3-5,4% cho cả năm.

Trong khi cần kiên trì với chính sách tiền tệ chặt chẽ, đây là lúc cần nhấn mạnh việc dùng chính sách tài khóa một cách tích cực để cắt giảm thật sự và mạnh mẽ đầu tư công của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát.

Và chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục dùng nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và huy động thêm dự trữ bắt buộc để hạn chế nguồn cung tiền, nhưng có thể thực hiện giảm lãi suất mạnh hơn từ tháng 9 như Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố, và tiến tới việc tái lập “đường cong lãi suất” (yield curve) để chấm dứt các méo mó hiện tại trong thị trường tín dụng “chợ đen” và cấu trúc lãi suất bất hợp lý. Việc cần ngay là bỏ trần lãi suất huy động 14% trên tiền đồng để trả lại tiếng nói thị trường cho hệ thống tín dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới