Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Ông giáo’ khởi nghiệp

Lư Thế Nhã

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhà giáo này không chỉ chế tạo thành công máy tự động cho tôm ăn mà còn có máy cho cá, cho heo rừng ăn và “vỗ béo” cua biển trong thùng nhựa thành cua hai da: “hàng hiếm” đắt giá trên thị trường. Người thầy ấy là Đào Phước Xoàn, giáo viên trường tiểu học xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre.

Máy trộn thức ăn. Ảnh: Lư Thế Nhã

Những công việc vất vả và những hạn chế khi nuôi tôm của gia đình, như đến giờ phải ra tận ao cho tôm ăn, thức ăn dư thừa không thu lại được, tốn kém và lâu ngày gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, rồi canh giờ chạy quạt, thức đêm hôm canh quạt... cuối cùng đã được giải quyết sau khi “ao tôm thông minh” được anh Đào Phước Xoàn xây dựng xong cách đây năm năm.

Ao tôm thông minh

Ao tôm thông minh được lắp các máy tự động do anh Xoàn chế tạo gồm: máy cho tôm ăn, bộ hẹn giờ chạy quạt, bộ hẹn giờ xi-phông đáy ao (hút cặn bả đáy ao). Anh thiết kế máy tự động phun thức ăn cho tôm, thức ăn viên nhỏ phun xa, viên lớn phun gần. Máy có thể cài đặt giờ phun và thời gian máy chạy cho tôm ăn trong 5-7 giây theo sức ăn của tôm.

Máy cho tôm ăn chỉ cần cài đặt giờ cùng thời gian phun thức ăn, người nuôi không phải ra tận ao rải thức ăn như trước. Máy quạt, chỉ cần gắn bộ hẹn giờ, người nuôi có thể an tâm dù bận việc ở xa và đêm hôm có thể ngủ thẳng giấc mà không phải thức canh chạy quạt tạo oxy cho tôm nuôi.

Riêng máy xi- phông trên thị trường có bán nhưng anh tự chế và thiết kế ống hút đường kính 60 cen ti mét, máy hút mạnh cặn bã ở đáy ao và cắt được cả rác đưa ra bãi thải cách xa ao tôm. Trước đây nuôi thủ công, một lao động chăm sóc một ao tôm, nay với ba loại máy trên, một người có thể chăm sóc ba ao tôm khỏe re!

Khi đã chế tạo thành công máy cho tôm ăn và bộ hẹn giờ vận hành các loại máy cho ao nuôi tôm, anh xây dựng dự án khởi nghiệp: “Phát triển hệ thống nuôi tôm thông minh” tham gia phong trào Đồng Khởi khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre.

Dự án khởi nghiệp của anh đoạt giải nhất tại “Hội thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần II năm 2018, giải ba tại cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL năm 2018, anh được Tỉnh Đoàn Bến Tre tuyên dương: “Tôi. Người thanh niên Đồng Khởi mới” năm 2019 và Trung ương Đoàn TNCSHCM tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2020.

Ngày nay, máy tự động cho tôm ăn do anh Xoàn chế tạo vẫn còn nhiều nông dân ở nhiều tỉnh sử dụng nhưng nó lại không phát huy với việc nuôi tôm công nghệ cao với ao tròn lớn, có ao rộng đến 1.000 mét vuông nên anh cải tiến máy tự động cho tôm ăn thành máy phun thức ăn từ bờ với góc phun 120 độ, tia phun hình rẻ quạt, bán kính phun đến 9-10 mét, tùy thức ăn lớn, nhỏ. Với máy tự động cho tôm ăn thế hệ mới này, người nuôi tôm có thể đặt máy trên bờ, cài đặt hẹn giờ cho ăn. Ao nhỏ đặt 1 máy, ao lớn đặt 2 máy ở hai góc ao.

Máy phun bờ có ưu điểm, đặt trên bờ, không tốn chi phí làm cầu ra giữa ao, làm trụ chịu lực đặt máy như máy cho tôm ăn trước đây bởi chi phí làm cầu ra giữa ao bằng với tiền mua máy. Máy phun bờ có cánh quạt lớn, chân inox, giá bán 4,2 triệu đồng/máy.

Cùng với máy phun bờ, anh còn chế máy cho cá, cho heo ăn (máy nhả thức ăn từ từ, heo không ủi phá) và máy trộn thức ăn, bổ sung vitamin, kháng sinh cho vật nuôi.

Máy phun bờ cho tôm ăn, của anh được UBND tỉnh Bến Tre chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2002 và được nông dân ở Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng... mua sử dụng nhiều.

Ông Nguyễn Hải Đảo ở ấp Hòa Thượng, xã Ngọc Đông, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Máy phun bờ cho tôm ăn của anh Đào Phước Xoàn được người nuôi tôm chuộng mua vì không phải tốn chi phí làm cầu ra giữa ao, ao lớn 1.000 mét vuông đặt hai máy, bán kính phun xa 9-10 mét, tôm không tập trung đàn tranh ăn mà được ăn đầy đủ, lớn đều.

“Vỗ béo” cua biển trong thùng nhựa

Ngoài sản xuất máy phục vụ nuôi tôm, cá, năm 2021 anh Xoàn bật ra ý tưởng mới khi thấy ở các chợ gần biển Thạnh phú như: An Thạnh, Thạnh Hải, Thạnh Phong... thường có bán cua biển đủ kích cỡ bắt được nhờ câu, đặt dớn, đóng đáy, đặt rập... trong đó có nhiều cua cỡ trung 200-250 gam là cua ốp, cũng có cua chắc nhưng còn nhỏ nên giá bán không cao.

Những cua biển kích cỡ này dùng làm thức ăn thì hơi lãng phí, có cách nào nuôi cua lớn, chất lượng hơn, bán được giá cao không? Anh Xoàn suy nghĩ tìm cách nuôi vỗ béo cua biển nhỏ thành cua lớn chắc thịt, cua hai da và cua gạch vừa giản đơn vừa hiệu quả.

Bước đầu anh thử nghiệm nuôi cua trong thùng nhựa và đặt trong nhà mát để tránh rong (tảo) phát triển. Mỗi thùng kết nối với nhau qua hệ thống đường ống nhựa dẫn nước biển ra vào. Hai năm đầu thử nghiệm, anh nhiều lần thất bại do hệ thống tuần hoàn nước mang mầm bệnh từ cua trong thùng này lây lan các thùng khác, cua chết sạch! Thất bại nữa là từ nguồn ốc biển anh mua làm thức cho cua nhưng nhầm ốc đã bị ướp hàn the, cua chết! Qua một năm thử nghiệm, nhiều lần thất bại, anh mất số tiền lớn.

Từ thất bại, anh cải tiến kỹ thuật nuôi cua biển trong thùng nhựa. Ở mỗi thùng nhựa đều có van khóa, chủ động cho nước vào, tháo nước ra thùng, nước đưa vào là nước sạch đã diệt khuẩn, có thể phòng dịch lây lan bệnh từ thùng này sang thùng khác. Hệ thống tuần hoàn nước được cài đặt bộ hẹn giờ, tiết kiệm tiền điện. Nước biển cho cua nuôi, anh lấy xa bờ, có độ mặn từ 10-15 gam/lít. Nước trong thùng nuôi 15 ngày diệt khuẩn/lần. Sử dụng hợp chất khoáng nuôi tôm cung cấp canxi cho cua chắc vỏ, 10 ngày cấp khoáng cho cua nuôi/lần.

Về con giống, lúc đầu anh nuôi cua ốp thành cua chắc nhưng thấy quy trình này không lời nhiều, anh chuyển sang nuôi cua chắc thành cua hai da (cua sắp lột) vì cua hai da rất hiếm bắt được trong môi trường thiên nhiên.Với cua hai da, thịt cua được sử dụng 90%, chỉ bỏ lớp vỏ bên ngoài.

Anh Xoàn cho biết cách nhận ra cua hai da: vỏ cua có những vết nứt bên hông hoặc bỏ ăn hai ba hôm, khi đó bắt cua quấn vải đưa vào tủ đông nhanh cho cua ngủ, chất lượng thịt vẫn tươi ngon như cua hai da mới bắt từ môi trường thiên nhiên.

Ngoài nuôi cua chắc thành cua hai da, anh Xoàn còn thành công trong kỹ thuật nuôi cua chắc thành cua gạch, thời gian nuôi từ tháng 5 đến tháng 8 Âm lịch cua sẽ tạo gạch, bán được giá (500.000-600.000 đồng/ki lô gam). Có năm giá cua gạch lên đến 900.000 đồng/ki lô gam.

Rút kinh nghiệm từ thức ăn cho cua là ốc biển bị ướp hàn the, cua ăn chết, anh mua cá biển tươi để sẵn trong tủ đông dành cho cua ăn khi bận đi dạy và đặt người soi con dã tràng, còng lửa cho cua ăn, cua ăn rất mạnh.

Một ngày, cua được cho ăn ba lần, khi bận việc có thể thả mồi cho cua ăn nhiều ngày hơn. Anh cho biết đặc tính của cua biển là thích yên tĩnh, cua ít bò, nằm một chỗ không cắn nhau. Con giống nuôi cần chọn con cùng cỡ, cua không giành mồi cắn nhau.

Qua một năm thử nghiệm, anh đã thành công nuôi cua biển tuần hoàn trong thùng nhựa. Anh cho biết, lúc đầu nuôi thử nghiệm, không dám cho ai biết. Nay đã thành công, cua hai da không đủ bán cho cho đám tiệc, nhà hàng. Anh đang chuyển giao công nghệ cho người nuôi ở thành phố Cần Thơ và người dân cần nuôi cua ở huyện Thạnh Phú và bao tiêu sản phẩm cho người nuôi.

Những ý tưởng đổi mới sáng tạo của anh Đào Phước Xoàn đã giúp nghề nuôi tôm, cua đỡ phần vất vả, hiệu quả cao hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới