Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các địa phương Nhật Bản hợp sức với chính phủ vực dậy du lịch nội địa

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Chương trình kích cầu du lịch nội địa của chính phủ trung ương đã bắt đầu quay lại ngay 10-1. Ngoài hỗ trợ từ trung ương, chính quyền nhiều tỉnh thành ở Nhật Bản đang đưa ra các ưu đãi mới cho du lịch nội địa nhằm hỗ trợ ngành này hồi phục, nhất là trong hai tháng thấp điểm đầu năm.

Các nỗ lực hồi phục của chính phủ trung ương đã giúp vực dậy ngành khách sạn, từ vắng khách lên trung bình thấp 50%, rồi 60 – 70% và hết phòng vào kỳ nghỉ đông vừa qua. Nhưng chính quyền hoàn toàn không ngó lơ, bỏ mặc tình trạng nâng giá trong dịp lễ.

Các khu phố của quận Asakusa ở thủ đô Tokyo đông nghẹt khách trong nước và quốc tế trong tháng 12 vừa rồi. Chương trình trợ cấp du lịch của chính phủ dự kiến sẽ kết thúc trước ngày 31-3 sắp tới. Ảnh: Nikkei Asia

Nỗ lực hồi phục du lịch Go To Travel

Dịch Covid đã biến các hệ thống khách sạn Nhật Bản thành “chùa bà Đanh” từ đầu năm 2020. Ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề. Tháng 4-2020, Nhật Bản chỉ đón 2.900 khách nước ngoài, giảm 99,9% so với cùng kỳ trước dịch. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1964 số du khách quốc tế đến Nhật Bản xuống dưới 10.000 người. Vắng khách nước ngoài, công suất phòng ở Nhật Bản giảm xuống còn khoảng 13%.

Tháng 7-2020, chính phủ khởi sự chương trình kích cầu du lịch Go To Travel với ngân khoản 1.350 tỉ yen (12,5 tỉ đô la theo tỷ giá thời điểm hiện tại). Chương trình tài trợ đến mức trần 50% tiền đi lại hay 20.000 yen (185 đô la) giảm giá cho khách sạn và ăn uống cho mỗi du khách mỗi ngày.

Chương trình hỗ trợ hồi phục du lịch tiếp tục kéo dài trong hai năm 2021 – 2022 nhưng mức tài trợ giảm dần. Đầu tháng 10-2022, Nhật Bản đã khởi động một chương trình dành cho người dân, giảm giá cho họ khi đi du lịch, từ các chuyến du lịch trọn gói, phương tiện đi lại đến mua sắm và nhà hàng. Những người tham gia có thể được giảm đến 40% tiền đi lại và 11.000 yen (75 đô la) các coupon giảm giá mỗi ngày trong tuần.

Thị trấn ven biển Shirahama thuộc tỉnh Wakayama vốn nổi tiếng với các suối nước nóng. Sau khi chương trình trợ giá của chính phủ bắt đầu, giá các phòng trọ truyền thống kiểu Nhật ở đây đã tăng 10 – 20% nhưng vẫn đắt khách.

Giám đốc điều hành cấp cao của một website đặt phòng du lịch cho biết, trước tháng 10, công suất phòng của các khách sạn đạt 60 -70%. Ông nói rằng, sau đó các khoản trợ cấp đã “đẩy nhu cầu lên cao một cách khó tưởng tượng và nhắm vào 30 – 40% số phòng trống còn lại”.

“Đầu tháng 10, chúng tôi bận như mùa cao điểm. Nhưng giá phòng chỉ bằng khoảng 90% so với năm tài chính 2018”, quản lý tại khách sạn Nagoya Marriott Associa cho biết.

Nhưng chính phủ trung ương và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ để ngăn chận tình trạng thổi giá và chặt chém.

Khi khởi sự lại chương trình đầu tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Tetsuo Saito phát biểu: “Nếu chúng tôi thấy rằng giá phòng quá cao, chúng tôi sẽ hợp tác với chính quyền địa phương để chấn chỉnh”. Tỉnh Iwate đã đạt ra giới hạn trần cho việc tăng giá hợp lý là "gần gấp đôi mức thông thường".

Chính quyền địa phương vào cuộc

Hàng người xếp hàng thăm ngôi chùa nổi tiếng Zenkoji của tỉnh Nagano. Ảnh: Nikkei Asia

Chiến dịch hỗ trợ quốc gia đã có hiệu lực trở lại hôm 10-1 sau khi tạm dừng trong kỳ nghỉ mừng năm mới. Chương trình hiện chi trả: giảm 20% chi phí đi lại trong nước và phiếu giảm giá lên tới mức trần 7.000 yen (53 đô la) mỗi người mỗi ngày. Chương trình này sẽ tiếp tục cho đến khi hết ngân sách, có thể trước ngày 31-3 sắp tới. Trong chương trình quốc gia, khách phải xuất trình bằng chứng đã tiêm ba mũi hoặc kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

Các địa phương cũng nhanh chóng tung ra chương trình riêng. Từ ngày 25-1, tỉnh Osaka sẽ bắt đầu cung cấp phiếu giảm giá trị giá 3.000 yen vào các ngày trong tuần và 2.000 yen vào cuối tuần và ngày lễ khi đặt phòng tại các khách sạn tham gia chương trình. Các quan chức cho biết họ muốn khuyến khích nhiều người đến thăm Osaka trong tháng 1 và tháng 2, vốn là những tháng thấp điểm trong năm.

Chính quyền Osaka ước tính sẽ có hơn 400.000 người tận dụng các phiếu giảm giá này trước ngày 28-2. Chương trình có thể kết thúc sớm hơn nếu nguồn ngân sách 1,2 tỉ yen dùng hết.

Với ngân sách 2 tỉ yen, chính quyền tỉnh Chiba, gần Tokyo, sẽ cung cấp phiếu giảm giá 2.000 yen cho một triệu du khách đầu tiên chi tiền phòng trên 5.000 yen mỗi đêm.

Các doanh nghiệp liên quan đến du lịch đang hy vọng các biện pháp này sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi của ngành sau các thiệt hại nặng nề của Covid-19.

Ông Hiroyuki Takahashi, Chủ tịch Hiệp hội các công ty du lịch Nhật Bản, cho rằng du lịch nội địa vẫn chưa phục hồi như trước dịch. "Chúng tôi hy vọng sự hỗ trợ sẽ tiếp tục càng lâu dài càng tốt, ngay cả khi có những thay đổi tiêu chí”, ông nói.

Tỷ lệ lấp đầy tại Hotel New Otani Osaka đạt 70% trong tháng 11 và tháng 12, sau khi các khoản trợ cấp quốc gia bắt đầu. Đại diện khách sạn cho biết dù lượng đặt phòng mới đầu năm nay không tăng nhanh như năm 2022, nhưng các phòng sẽ đầy khách vào tháng 2 tới khi khách du lịch có thể sử dụng cả trợ cấp quốc gia và phiếu giảm giá của chính Osaka.

Tập đoàn khách sạn Hoshino Resorts đã bắt đầu nhận đặt phòng từ ngày 12-1 cho các khách sạn OMO thuộc chuỗi trên đảo Hokkaido ở phía Bắc. Đây là điểm du lịch được ưa chuộng trong mùa đông ở Nhật Bản. "Tính đến nay, tỷ lệ đặt phòng cho tháng 1 và tháng 2 đã tăng gần gấp đôi tỷ lệ năm ngoái”, đại diện của chuỗi nói.

Trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, hai hãng hàng không All Nippon Airways và Japan Airlines bán được số ghế bay nội địa khoảng hơn 80% của mức trước dịch. Hãng đường sắt Eastern Japan Railway cũng cho biết việc đặt chỗ cho các chuyến tàu cao tốc shinkansen đang có xu hướng tăng lên.

CEO Koji Shibata của ANA Holdings, công ty mẹ của hãng bay All Nippon Airways, cho rằng sự phục hồi của nhu cầu đi lại trong nước “sẽ cực kỳ suôn sẻ”.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới