Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Cần nhanh chóng thoát ‘bẫy chuyển đổi số’ để phục hồi

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hành trình chuyển đổi số doanh nghiệp đã bước sang giai đoạn mới, từ việc thay đổi nhận thức ban đầu thì này đòi hỏi phải tư duy nhiều hơn về chiến lược trong không gian số. Đây là thời điểm mà doanh nghiệp cần xác định và nhanh chóng thoát ra khỏi “bẫy chuyển đổi số” để hướng đến việc chuyển đồi đồng bộ và bền vững hơn. Điều này là rất quan trọng để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội để phục hồi nhanh hơn sau những giai đoạn khủng hoảng vừa qua.

Trong cuộc trò chuyện với KTSG Online vào những ngày đầu xuân Quý Mão, ông Lê Hùng Cường, Phó tổng giám đốc FPT Digital cho rằng hành trình chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam đã qua giai đoạn diễn tập với nhiều phép thử khác nhau. 2023 sẽ là năm mà tư duy chuyển đổi số thay đổi và đem lại những giá trị thực chất nhất.

Cần đặt nhiều câu hỏi sau thất bại

KTSG Online: Chúng ta đã nghe rất nhiều về chuyển đổi số, từ khóa đang đứng đầu trong danh sách chiến lược của các công ty hiện nay. Vậy những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của chuyển đổi số là gì?

Đầu tiên là sự quyết tâm hành động và vai trò dẫn dắt của đội ngũ lãnh đạo. Nói theo cách ví von, bước đầu của hành trình chuyển đổi số có thể coi giống như một nguời muốn luyện tập môn chạy bộ thì đầu tiên là phải quyết tâm cao kể cả điều kiện thời tiết ra sao, phải xỏ giày rồi bước ra đường chạy.

Một số quan điểm cho rằng trong thời kỳ biến động hiện nay không cần chiến lược mà cứ triển khai trước. Quan điểm này là sai, bởi chuyển đổi số không chỉ là hành động bộc phát mà vẫn rất cần tiến hành theo chiến lược dài hạn. Trong đó sẽ bao gồm những chương trình chuyển đổi nhanh, có kết quả trong 3 tháng, 6 tháng, liên tục thay đổi, linh hoạt, thích nghi, nhưng đều cùng có kim chỉ nam định hướng là các mục tiêu và chiến lược dài hạn của doanh nghiệp

"Doanh nghiệp cũng cần có những thất bại để hiểu được những bài học thực tế của việc chuyển đổi số"

Bối cảnh Covid-19 đã tác động đến phương pháp quản trị thay đổi của các doanh nghiệp như thế nào? Có những thách thức gì doanh nghiệp đang phải đối mặt?

Covid-19 là rủi ro không mong muốn nhưng đại dịch là phép thử hiệu quả cho tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Trước đây mọi người đều có thói quen gặp trực tiếp để giải quyết các công việc. Nhưng sau đại dịch, mọi người đã quen với việc có thể truy cập thông tin từ xa, giải quyết công việc từ xa thông qua môi trường số mà không cần gặp gỡ trực tiếp. Thói quen số hóa giúp cho các nhà quản trị có thể quản lý thông tin từ bất cứ đâu, từ đó đưa ra được những quyết định kịp thời cho kinh doanh, cho sản xuất, cho vận hành, thậm chí còn nhanh hơn thời trước Covid-19.

Tuy vậy, bối cảnh đó chỉ thúc đẩy sự chuyển đổi về nhận thức, thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực quản trị triển khai chuyển đổi số hiệu quả. Nguồn nhân lực này là cả về mặt công nghệ cũng như năng lực sử dụng những giải pháp chuyển đổi số giúp cho tối ưu quản trị. Hơn 50% doanh nghiệp thiếu nhân lực nội bộ và gặp khó khăn khi thay đổi thói quen và tập quán kinh doanh. Bài toán gây dựng nhân sự gắn kết trong quá trình chuyển đổi số, có đủ năng lực số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết do doanh nghiệp cần nắm bắt nhanh các cơ hội mới trong môi trường đầy biến động hiện nay.

Theo số liệu khảo sát có khoảng gần 90% doanh nghiệp thất bại khi chuyển đổi số. Dưới góc nhìn là một đơn vị tư vấn chuyển đổi, con số này đang cho thấy điều gì trong phong trào chuyển đổi số ở doanh nghiệp?

Chuyển đổi số là khái niệm mà vài năm qua các doanh nghiệp đều đã lắng nghe, tìm hiểu và bước đầu thực thi. Có những doanh nghiệp tiên phong hoặc đi đầu để thử nghiệm và khi thiếu kỹ năng, thiếu phương pháp thì việc thất bại cũng không có gì là bất ngờ. Các doanh nghiệp còn lại sẽ có tâm lý e dè và chờ xem kết quả triển khai từ đơn vị khác và học từ thất bại của họ.

Nguyên nhân dẫn tới thất bại phần lớn là do đầu tư rời rạc, tự phát và chưa có tư duy chuẩn bị đủ về nguồn lực hướng theo lâu dài. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần có những thất bại để hiểu được những bài học thực tế của việc chuyển đổi số. Quan trọng là thất bại phải nhanh, doanh nghiệp cần nhanh chóng nhận ra nguyên nhân và bài học từ thất bại để thay đổi, kịp thời thích nghi, từ đó chuyển đổi từ thất bại sang thành công.

Tôi nhận thấy các doanh nghiệp khi đã thất bại trong một vài dự án chuyển đổi số thì thường sẽ tìm cách để điều chỉnh, tối ưu lại và tìm những lời khuyên, tư vấn từ những đơn vị chuyên gia về chuyển đổi số để không bị lỡ các cơ hội mới. Vấn đề quan trọng nhất là họ đặt ra được câu hỏi đúng sau thất bại.

Chuyển đổi số là quá trình liên tục, luôn tiếp diễn trên mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: DNCC

Đó có phải là “bẫy chuyển đổi số ” mà doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tiên chuyển đổi thường mắc phải?  Và chúng ta có thể giải quyết như thế nào?

Bẫy chuyển đổi số là khi doanh nghiệp thực hiện được một vài ứng dụng rời rạc và cho là đã hoàn thành. Đã từng có những doanh nghiệp khi trao đổi với chúng tôi về chuyển đổi số, thì họ nghĩ là họ sẽ mua một phân hệ về ERP, hay xây dựng trang web bán hàng là họ đã thành công.

Song đây chỉ là một phần của quá trình chứ không phải là tất cả. Vì chuyển đổi số là quá trình liên tục, luôn tiếp diễn, trên mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp như chuyển đổi khối kinh doanh, khối tiếp thị, sản xuất, khối văn phòng, khối công nghệ và hơn hết là chuyển đổi về mặt nhận thức và tư duy của mọi thành viên trong tổ chức với vấn đề này.

Đồng thời cần liên tục truyền thông tới các cấp nhân sự cùng như tới các bên liên quan nhằm tạo nên những môi trường tương tác để có sự liên thông về thông tin giữa các phòng ban. Từ đó tạo sự đồng thuận và cải tiến liên tục giúp quá trình này đạt hiệu quả và tránh được bẫy chuyển đổi số.

Đến lúc thay đổi tư duy trong không gian số

Trong một diễn đàn về Chuyển đổi số mới đây nhiều chuyên gia nhận định doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ thay đổi nhận thức, còn về tư duy chiều sâu vẫn chưa được cải thiện. Vậy dưới góc nhìn là một đơn vị tư vấn, doanh nghiệp Việt Nam phải bắt đầu như thế nào để bước vào không gian số bền vững và hiệu quả?

Trong vài năm gần đây chúng ta thấy rất nhiều diễn đàn, hội thảo về chuyển đổi số cho các ngành nghề. Các công ty đầu tư cho quản lý, nhân viên tìm hiểu về chuyển đổi số và cũng đã thay đổi về nhận thức ít nhiều.

Trước đây hay đặt câu hỏi tại sao phải làm, tâm lý là chờ đợi các đơn vị khác đi trước rồi tìm cách để học theo sau, thì giờ đây cũng doanh nghiệp đã nhận ra là mỗi tổ chức sẽ có lộ trình riêng và cần chuyển đổi ngay bây giờ để tận dụng các cơ hội, tạo lợi thế của lớp dẫn đầu. Tuy nhiên câu hỏi là nên làm như thế nào cho hiệu quả?

Theo quan điểm tư vấn, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp nên bắt đầu bắt tay vào việc quyết tâm cam kết cho chương trình này với tư duy chiến lược, dành ra một nguồn ngân sách, nhân lực cho bộ phận chuyển đổi số. Bộ phận này sẽ là bộ phận nòng cốt giúp doanh nghiệp bước vào không gian số thông qua việc tự chuyển đổi, theo những khóa đào tạo của các đơn vị chuyên gia, hoặc hiệu quả hơn hết là thông qua các đơn vị tư vấn để có kết quả và hiệu quả nhanh nhất.

"Chuyển đổi số không chỉ là hành động bộc phát mà vẫn rất cần tiến hành theo chiến lược dài hạn"

Chuyển đổi số hay chuyển đổi con người? Hai vấn đề này có liên hệ với nhau như thế nào?

Không hẳn là công nghệ, con người là cấu phần không thể thiếu và là đối tượng tiên quyết giúp cho việc chuyển đổi số thành công. Họ là người sử dụng, người sẽ quyết định việc thành hay bại của chương trình. Việc thay đổi nhận thức, cách làm, tinh thần của con người trong tổ chức sẽ giúp cho việc số hóa được hiệu quả.

Tưởng tượng nếu trong chuỗi giải pháp số của chương trình chuyển đổi số, mà chỉ cần một giải pháp khi được triển khai vướng phải sự phản kháng của người dùng dẫn tới không được sử dụng thì số chắc chắn sẽ thất bại. Do đó việc chuyển đổi số bắt buộc phải đi kèm với việc chuyển đổi con người.

Với bối cảnh kinh tế năm 2023 thì động lực chuyển đổi số của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì?

Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn, theo dự báo của các tổ chức trên thế giới. Song càng gặp khó khăn, chúng ta sẽ càng thấy giá trị của chuyển đổi số không chỉ cho các doanh nghiệp lớn mà cả với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp tiếp cận được khách hàng hiệu quả hơn, hiểu được hành vi, sở thích, thói quen, và phục vụ được khách hàng thuận tiện nhất. Đồng thời giúp việc sản xuất các sản phẩm với thời gian nhanh hơn, được thay đổi tùy biến theo nhu cầu của từng người dùng.

Không chỉ tăng cường về mặt kinh doanh, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp khai thác tối ưu năng lực đội ngũ, giảm tải công việc, giảm thời gian xử lý công việc, giúp lãnh đạo quản trị thông tin được hữu hiệu. Đây chính là những giá trị tạo động lực cho các doanh nghiệp rút ngắn quá trình phục hồi sau một chu kỳ chống chọi với khủng hoảng.

Nhìn rộng hơn thì xu hướng chuyển đổi số trong năm 2023 sẽ ra sao? Lĩnh vực nào sẽ có cơ hội nhiều nhất để tận dụng xu hướng này?

Nếu như năm 2022 là năm tiền đề giúp các doanh nghiệp hiểu và củng cố thêm tinh thần để chuyển đổi, thì năm 2023 sẽ tăng tốc và bứt phá do họ đã hiểu được các mục tiêu và tập trung đầu tư để chuyển đổi số. Các doanh nghiệp sẽ tận dụng những công nghệ, giải pháp số để nhanh chóng tạo lợi thế khác biệt trên thị trường, nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu của người dùng.

Những lĩnh vực có cơ hội nhiều nhất sẽ vẫn là những lĩnh vực về tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, bán lẻ, giao vận… Đây sẽ là những ngành đi đầu trong tiên trình chuyển đổi số, liên tục đầu tư nhằm đạt các mốc tăng trưởng liên tục và hướng tới phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

2 BÌNH LUẬN

  1. Không phải là “đẩy mạnh chuyển đổi số” như rất nhiều ngôn từ, khẩu hiệu hô hào. Công thức mới phải là “chuyển đổi số thực chất”.

  2. Quan trọng là xác định đâu là động lực chuyển đổi số. Các ngành dịch vụ như tài chính ngân hàng, thương mại, bán lẻ… có tốc độ chuyển đổi nhanh và hiệu quả vì có động lực cạnh tranh, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Trong khi khu vực hành chính công, vì sao chậm chạp, kém hiệu quả ? Là vì, có làm cũng như không, đôi khi không làm lại… tốt hơn ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới