Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dự kiến thành lập mới 1.600 hợp tác xã nông nghiệp trong năm nay

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ thành lập mới 1.600 hợp tác xã nông nghiệp trong năm 2023, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp lên con số 22.500 và trên 20.500 trang trại theo tiêu chí mới.

Vườn vải của một hợp tác xã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ các hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, ứng dụng công nghệ cao.

Tính đến nay, cả nước có 94 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và gần 21.000 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt và trên 2.000 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

Cả nước có 2.297 hợp tác xã nông nghiệp thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, 145 hợp tác xã nông nghiệp trực tiếp gia xuất nhập khẩu và 1.200 hợp tác xã là chủ thể tham gia sản xuất và sở hữu khoảng 40% sản phẩm OCOP cả nước.

Bên cạnh đó, đến nay cả nước có 18.945 trang trại theo tiêu chí mới; trong đó có 3.471 trang trại trồng trọt, 11.807 trang trại chăn nuôi, 129 trang trại lâm nghiệp, 1.586 trang trại nuôi thủy sản, 1.952 trang trại tổng hợp.

Hiện có 800 trang trại đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, 42 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, 2.285 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Định hướng của ngành nông nghiệp là hình thành các tổ hợp tác, trang trại liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ các hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận, kết nối thị trường.

Đồng thời, đổi mới, nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội trong tham gia trong xây dựng chính sách, điều hành thị trường, cung cấp thông tin, kết nối thị trường, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người sản xuất; tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội ngành hàng, liên hiệp hợp tác xã.

Ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, sản phẩm; phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, phát triển thương hiệu nông sản vùng, miền, địa phương phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Cùng với đó, tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hợp tác xã nông nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới