(KTSG) - Đối với Metaverse, không chỉ có các nguy cơ như an toàn an ninh (người dùng có thể bị tin tặc lấy trộm các tài sản số hóa, thông tin, dữ liệu cá nhân), mà còn tồn tại cả những nguy cơ nằm trong chính các điều khoản sử dụng Metaverse.
- Deloitte: Việt Nam có thể thu hàng tỉ đô la Mỹ/năm nhờ metaverse
- Cơn sốt metaverse khiến các quỹ đầu tư chìm nghỉm
Hiện nay, Metaverse không còn là khái niệm xa lạ với chúng ta. Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ một “siêu thực tại ảo” - một vũ trụ “kéo dài” của thế giới thực, trong đó mỗi cá nhân sẽ được thể hiện qua dạng avatar, và hiện diện trong một không gian ba chiều. Người dùng có thể “vào” Metaverse khi ở trên mạng, hay qua một ứng dụng. Thế giới ảo này sẽ vẫn tồn tại và phát triển, ngay cả khi người dùng đã “thoát” ra ngoài. Trong Metaverse, người tham gia có thể tự do lựa chọn hình ảnh đại diện, tương tác với các thành viên khác hay cũng có thể di chuyển, học hành, làm việc và giải trí trong thế giới ảo, nhờ vào kính thực tế ảo và nhiều công cụ hỗ trợ khác. Riêng đối với các doanh nghiệp, thì Metaverse còn là mảnh đất màu mỡ để quảng cáo hàng hóa và dịch vụ, xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả. Ở giai đoạn “Web 3.0” tận dụng sức mạnh của machine learning (học máy), artifical intelligence - AI (trí tuệ nhân tạo) và blockchain (công nghệ chuỗi khối), thì mục tiêu biến Internet thành nơi gồm các thế giới ảo kết nối và tương tác với nhau, nơi “dân cư mạng” có cuộc sống ảo chẳng khác gì cuộc sống thật không còn là xa vời.
Ở thời điểm hiện nay, chưa có luật nào được thông qua để quản lý Metaverse, vì thế người dùng càng phải thận trọng trước khi đầu tư vào “vũ trụ ảo” này.
Cơn sốt Metaverse bắt đầu với chính… Mark Zuckerberg. Khi thông báo về việc đổi tên công ty từ Facebook, Inc. thành Meta Inc., ông chủ mạng xã hội này tuyên bố rằng tương lai của công ty sẽ là “Metaverse” - một “hiện thân mới của Internet”. Theo Mark Zuckerberg, Metaverse của mình sẽ mang lại những cơ hội khổng lồ cho các nghệ sĩ sáng tạo, cũng như cho công việc hay học hành, nghiên cứu của mỗi cá nhân. Rõ ràng là thực tại ảo Metaverse cho phép xóa đi những rào cản địa lý của thế giới thật, và trên vũ trụ ảo này, chẳng còn khác biệt giữa người sống ở thành phố lớn trung tâm và ở nơi xa xôi hẻo lánh nữa. Hiện nay, lợi ích trước mắt của Metaverse chính là khả năng tạo ra nhiều dịch vụ mới, và tất nhiên là vì thế, tạo ra lợi nhuận.
Tất nhiên, việc Công ty Meta theo đuổi “giấc mơ Metaverse” cũng khởi đầu cho cuộc chạy đua giữa các ông lớn công nghệ. Hàng loạt công ty khác cũng lên tiếng công bố kế hoạch xây dựng thế giới ảo riêng của mình. Roblox Corporation muốn tạo ra một không gian ảo với “hàng triệu người tham gia” để có những trải nghiệm 3D trong làm việc, học tập, vui chơi, sáng tạo và kết giao. Hãng Nike cũng chẳng bỏ lỡ cơ hội để hợp tác với Roblox nhằm tạo ra thế giới ảo có tên là “Nikeland” cho phép các avatar “diện” đồ thể thao của nhãn hiệu này. Ông khổng lồ Microsoft thì nhanh chóng cho ra mắt Microsoft Mesh, một thế giới ảo dành cho giới văn phòng. Cho dù chưa chính thức lên tiếng về Metaverse, nhưng Tencent, doanh nghiệp Trung Quốc nổi tiếng về mạng xã hội và trò chơi điện tử lại đang vội vã đăng ký hàng loạt nhãn hiệu liên quan tới Metaverse cho mạng xã hội QQ.
Tất nhiên, không thể không nhắc đến Decentraland (của Decentraland Foundation, ra mắt công chúng vào đầu năm 2020), một Metaverse đang rao bán các khoanh đất… ảo với giá tiền lên tới cả triệu đô. Ở Decentraland, người dùng có thể tạo avatar, mua bất động sản, hàng hóa dịch vụ, cũng như tham dự vào vô số sự kiện, như lễ hội âm nhạc với sự hiện diện của không ít người nổi tiếng trong giới showbiz. Decentraland hiện đang là một trong các Metaverse nổi tiếng và thành công nhất hiện nay, theo thống kê tìm kiếm trên Google Trend.
Một trong những đặc điểm căn bản của Metaverse chính là các quy định riêng của siêu thế giới ảo này. Metaverse không theo luật của một quốc gia cụ thể nào, mà chỉ theo luật của… chính nó. Khi muốn tham gia Metaverse, người dụng buộc phải chấp nhận các điều khoản sử dụng, điều này cho phép chủ sở hữu Metaverse được toàn quyền kiểm soát dữ liệu hay nội dung mà người dùng đăng tải, cũng như để ấn định các quy định khi có tranh chấp pháp lý. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, hãy thử lấy Decentraland làm ví dụ.
Theo thông tin “chính thức” thì Decentraland được coi là “thuộc về những người sử dụng” dưới sự quản lý của Decentraland Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận. Theo điều khoản sử dụng của Decentraland, thì khi có tranh chấp liên quan tới Metaverse, tòa án có thẩm quyền là tòa án Panama. Tuy nhiên, hiện các thông tin về những người sở hữu và quản lý Metaverse này đều không rõ ràng, cho thấy chiến lược “tung hỏa mù” của các nhà điều hành. Hiện nay, Decentraland công bố các tài liệu liên quan đến việc sử dụng Metaverse, bao gồm Terms of Use (Điều khoản sử dụng), Content Policy (Chính sách về nội dung), Privacy Policy (Chính sách về bảo vệ quyền riêng tư) và Code of Ethics (Bộ quy tắc đạo đức). Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý phân tích các tài liệu này thì có hàng loạt vấn đề pháp lý đặt ra. Ví dụ, theo quy định của Decentraland, thì luật áp dụng cho người sử dụng Metaverse này là “luật mềm”, có giá trị pháp lý cao hơn luật quốc gia, trong trường hợp có tranh chấp. Điều đó cũng có nghĩa là trong Metaverse, người dùng có thể bị “cấm” tiếp tục sử dụng Metaverse khi bị coi là vi phạm quy định của Decentraland, và kèm theo đó là những hậu quả đáng kể về kinh tế. Một điểm khác là các quy định của Decentraland luôn có khuynh hướng ấn định trách nhiệm lên người dùng, chứ không lên Decentraland, điều vốn đi ngược lại với nguyên tắc của luật bảo vệ người tiêu dùng. Không chỉ thế, một số quy định liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ cũng đặt ra một số câu hỏi, như việc cho phép người dùng sửa đổi nội dung, vật dụng hay dịch vụ trên Metaverse có vi phạm quyền tác giả hay không chẳng hạn.
Đối với Metaverse, không chỉ có các nguy cơ như an toàn an ninh (người dùng có thể bị tin tặc lấy trộm các tài sản số hóa, thông tin, dữ liệu cá nhân), mà còn tồn tại cả những nguy cơ nằm trong chính các điều khoản sử dụng Metaverse. Ở thời điểm hiện nay, chưa có luật nào được thông qua để quản lý Metaverse, vì thế người dùng càng phải thận trọng trước khi đầu tư vào “vũ trụ ảo” này.
Internet là một phần của thế giới ảo. Chừng đó đã mệt mỏi rồi. Metaverse lại là một thế giới siêu ảo khác. Có khả năng dẫn đến hệ sinh thái siêu thực. Bản chất con người, vốn dĩ luôn thích mơ mộng, thoát ra khỏi hiện thực, bị cám dỗ, tự ru ngủ lấy mình. Đây là một xu hướng cực kỳ khó đoán và vô cùng nguy hiểm cho tương lai nhân loại. Tương tự như AI. Nếu con người cố quên hoặc tự chối bỏ vai trò của mình thì hậu quả là khó lường. Họ phải luôn nhớ rằng mình là chủ nhân thế giới này, chứ không phải là tù nhân của thế giới ảo.