Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chuỗi cung ứng mới với người cũ

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Báo chí nói nhiều về việc Mỹ chuyển hướng “nearshoring”, tức đưa các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa về các nước gần Mỹ như về Mexico thay vì phụ thuộc vào các nước xa xôi như Trung Quốc. Thực tế cho thấy hàng hóa nhập khẩu từ Mexico vào Mỹ đã tăng vọt, nhiều mặt hàng còn có khối lượng lớn hơn hàng nhập khẩu qua các cảng ở bờ Tây. Tuy nhiên, điều đáng nói, đứng ra tổ chức nhà máy sản xuất hàng hóa tại Mexico để tiêu thụ ở Mỹ lại là… các công ty Trung Quốc!

Bang Nuevo León của Mexico nằm sát biên giới là nơi tiếp nhận làn sóng đầu tư này. Thống đốc bang, Samuel García, mới 35 tuổi, hăm hở chào mời nhà đầu tư với lời hứa hẹn sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cải thiện đường sá để tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa.

Kể từ khi García nhậm chức vào tháng 10-2021 đến nay, Nuevo León đã tiếp nhận hơn 7 tỉ đô la vốn đầu tư nước ngoài, là địa phương thu hút nhiều vốn thứ nhì Mexico, chỉ sau Mexico City. Năm 2021, đầu tư từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài, chỉ đứng sau vốn đầu tư từ Mỹ.

Ngoại ô thành phố Monterrey, thủ phủ bang Nuevo León là khu công nghiệp Hofusan hiện có 28 công ty Trung Quốc đang khẩn trương xây dựng nhà máy hoặc đã đi vào sản xuất. Man Wah Furniture Manufacturing là một công ty như thế.

Là một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ có nhà máy ở khắp Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, đại dịch Covid-19, sự căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là giá cước vận tải đường biển tăng vọt đã đẩy Man Wah vào thế khó, hầu như không thể vận chuyển các bộ sofa đã sản xuất vào thị trường tiêu thụ chính của họ tại Mỹ.

Thế là lãnh đạo công ty này quyết định sang Mexico, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ngay tại biên giới gần Mỹ để tận dụng hiệp định thương mại giữa Mexico và Mỹ xuất hàng miễn thuế cho người tiêu dùng ở Mỹ.

Sự dàn xếp này đang được lòng từ cả ba phía. Mexico kỳ vọng làn sóng đầu tư này sẽ tạo công ăn việc làm, cải thiện tiền lương cho công nhân cũng như có tiền nâng cấp đường sá, cầu cống. Người tiêu dùng Mỹ có cơ hội tiếp cận sản phẩm sản xuất gần nhà, không còn sợ hàng hóa tắc nghẽn ở cảng như những năm đại dịch. Giá có thể đắt hơn nhưng cũng có thể rẻ hơn nhờ tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Ở bình diện vĩ mô, một tỷ lệ lớn trong hàng hóa sản xuất ở Mexico là có nguồn gốc từ Mỹ, có thể lên đến 40% so với chỉ 4% nếu sản xuất từ Trung Quốc. Mỹ muốn thúc đẩy thương mại giữa các nước Bắc Mỹ để gián tiếp tạo công việc cho công nhân Mỹ. Ngoài ra chính quyền Mỹ cũng kỳ vọng hoạt động kinh tế sôi nổi ở vùng biên giới Mexico gần Mỹ sẽ làm giảm làn sóng di dân từ các nước Trung và Nam Mỹ nếu họ tìm được công ăn việc làm ngay tại Mexico.

Riêng với các công ty Trung Quốc, họ không có chọn lựa nào khác. Chẳng hạn Man Wah được thành lập tại Hồng Kông vào năm 1992, chuyên sản xuất sofa, nệm, giường… với hàng loạt nhà máy ở miền Nam Trung Quốc trải dài từ Thâm Quyến đến Thiên Tân. Mỗi năm họ làm ra đến 1,32 triệu chiếc sofa bán ra khắp thế giới nhưng Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ chính.

Khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu áp thuế mang tính trừng phạt lên hàng hóa Trung Quốc, Man Wah tìm cách hóa giải. Họ đầu tư vào nhà máy ở Thái Lan, Việt Nam và thậm chí ở Ukraine nhưng đại dịch làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, cộng với giá cước chuyên chở tăng vọt, họ không còn cách nào khác là tìm cách sản xuất càng gần nước Mỹ, thị trường chính của họ càng tốt.

Hiện nay, theo tờ New York Times, chuỗi cung ứng mới do các công ty này xây dựng ở Mexico chưa hẳn đã thông suốt. Họ phải nhập nhiều loại nguyên liệu từ Trung Quốc sang như các công ty may mặc phải nhập vải từ Trung Quốc hay một công ty sản xuất bánh xe loại lớn phải nhập nhôm từ Dubai.

Khó khăn lớn nhất là công nhân, bởi ở Mexico công nhân có công đoàn mạnh nên có thể thương lượng đòi lương cao, điều kiện làm việc tốt. Các công ty Trung Quốc đã quen với tình trạng công nhân từ quê ra sẵn sàng làm việc với mức lương rẻ mạt, có thể thay người dễ dàng. Ở Nuevo León, nơi tỷ lệ thất nghiệp chỉ là 3,5%, các công ty phải cạnh tranh nhau để tuyển được người.

Báo chí cũng từng nói nhiều về sự kết thúc toàn cầu hóa nhưng quên đi một yếu tố quan trọng: con người. Không dễ gì một sớm một chiều có được đội ngũ quản lý có khả năng tổ chức, điều hành việc sản xuất ở một nơi chưa từng có kinh nghiệm sản xuất. Vì thế các chuỗi cung ứng có thể được sắp xếp trở lại với nhiều thay đổi về mặt địa lý nhưng con người thì khó thay đổi hay thay thế. Các công ty Trung Quốc tại Mexico cho thấy điều đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới