Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Quốc hội Trung Quốc bàn kế hoạch phục hồi kinh tế

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngày mai (5-3), kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) sẽ khai mạc với sự tham dự của khoảng 3.000 đại biểu. Dự kiến, trong kỳ họp kéo dài 1 tuần này, Quốc hội Trung Quốc sẽ lên kế hoạch khởi động lại cỗ máy tăng trưởng của đất nước.

Quốc hội nước này sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay cũng như thông qua các quyết định bổ nhiệm nhân sự mới cho chức danh Thủ tướng và Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC).

Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nơi kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) sẽ được tổ chức vào ngày 5-3. Ảnh: Reuters

Chương trình nghị sự có gì?

Đợt bùng phát Covid-19 năm ngoái cùng với các hạn chế đi lại đã hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, khiến ngân sách cạn kiệt. Ngay cả sau khi Trung Quốc tái mở cửa kinh tế, vẫn còn những tác động kéo dài do tâm lý nhà đầu tư bị tổn thương, niềm tin của người tiêu dùng bị sứt mẻ và tình trạng cô lập với phần còn lại của thế giới.

Tại kỳ họp này, Quốc hội Trung Quốc sẽ đánh giá hoạt động của chính phủ và lắng nghe các chính sách và mục tiêu đặt ra trong năm này để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Diễn biến đáng chú ý là Quốc hội sẽ chính thức bổ nhiệm các nhân sự mới vào các chức vụ của chính phủ, bao gồm thủ tướng, phó thủ tướng và các vai trò lãnh đạo kinh tế và tài chính khác bao gồm cả cơ quan quản lý thị trường tài chính. Các quyết định bổ nhiệm này có thể sẽ diễn ra trong những ngày cuối cùng của kỳ họp.

Quốc hội nước này cũng sẽ bỏ phiếu về việc sửa đổi luật điều chỉnh quy trình và hệ thống lập pháp đồng thời xem xét các báo cáo từ tòa án tối cao, viện kiểm sát tối cao và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, Quốc hội sẽ xem xét kế hoạch cải cách đối với các tổ chức của Đảng và chính phủ. Các cải cách này sẽ bao gồm những thay đổi về công nghệ cũng như tăng cường sự giám sát của Đảng ở các doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước.

Kỳ họp của Quốc hội diễn ra song song với Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC), một cơ quan tư vấn chính trị gồm các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và và những đại diện thuộc giới nghệ thuật, kinh doanh và pháp luật. Hai sự kiện này được gọi là “lưỡng hội”, hay “hai kỳ họp”.

Những ưu tiên của chính phủ mới

Nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ mới của Trung Quốc là giúp nền kinh tế phục hồi sau tình trạng ảm đạm của năm ngoái do tác động của đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng bất động sản và một chiến dịch chấn chỉnh sâu rộng với các tập đoàn giáo dục và công nghệ tư nhân.

Giờ đây, khi các biện pháp kiểm soát Covid-19 đã được bãi bỏ, Bắc Kinh muốn ổn định thị trường bất động sản để ngăn các tác động lây lan sang lĩnh vực ngân hàng hoặc các chính quyền địa phương, vốn dựa vào việc bán đất để xây dựng ngân sách.

Giới chức trách Trung Quốc cũng sẽ tìm cách thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc đang suy yếu và các lệnh trừng phạt công nghệ ngày càng tăng của Mỹ. Về lâu dài, Trung Quốc sẽ hướng đến các cách giảm bất bình đẳng thu nhập, nâng cao năng suất để giảm tác động của sự giảm dân số, tăng cường an ninh quốc gia và củng cố sự tự chủ về công nghệ.

Nhiều nhà phân tích dự báo, tại kỳ họp Quốc hội lần này, Trung Quốc sẽ công bố mục tiêu GDP khoảng hoặc cao hơn 5%, đánh dấu mức tăng mạnh so với mức tăng trưởng 3% của năm ngoái. Trung Quốc cũng sẽ công bố các mục tiêu về lạm phát, việc làm và thâm hụt ngân sách. Bắc Kinh có thể đặt mục tiêu lạm phát ở mức  thấp, khoảng 3%, và tăng nhẹ thâm hụt tài khóa.

Theo Bloomberg, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới