Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Gỡ vướng cơ chế: nói dễ làm khó

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một dự án cao tốc thuộc hàng trọng điểm quốc gia đang giậm chân tại chỗ từ năm 2019 đến nay vì lý do “vướng cơ chế”. Thời gian vướng không phải tính bằng đơn vị tuần mà bằng tháng hay năm và chưa biết bao giờ mới gỡ vướng xong. Trong khi đó, cứ mỗi ngày chậm vận hành thì mức thiệt hại cho nền kinh tế lẫn chủ đầu tư dự án phải tính bằng tiền tỉ đồng.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: N.K

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58 ki lô mét nối cao tốc Long Thành - Dầu Giây vào cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, trở thành mạch máu giao thông chủ đạo giữa miền Đông với miền Tây Nam bộ. Cao tốc này giúp người dân các tỉnh miền Tây đi lại các tỉnh Đông Nam bộ nhanh hơn, nhất là khi sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 31.000 tỉ đồng, khởi công năm 2014 dự kiến hoàn thành năm 2019, nhưng đã phải ngừng thi công từ năm 2019 đến nay vì vướng cơ chế tài chính.

Theo bảng báo cáo mới nhất trong tháng này của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), dự án hiện đã đạt 81%. Từ năm 2019, khi dự án trong quá trình thực hiện thì gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, dẫn đến không được phân bổ vốn.

Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ Giao thông Vận tải đã có tờ trình trình Thủ tướng, xin điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, cơ chế tài chính và cho phép VEC sử dụng số vốn khoảng 5.116 tỉ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay, vốn hợp pháp của VEC để thi công phần còn lại của cao tốc này. VEC cũng khẳng định sau khi cân đối trả nợ các khoản vay theo đúng kỳ hạn đã cam kết, nguồn vốn hợp pháp của VEC đảm bảo đủ để cân đối vốn cho các hạng mục, công việc trong dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Về đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã nhận đủ ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan và ủng hộ sự cần thiết phải điều chỉnh dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành tại thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quan điểm từ phía Bộ Tài chính vì theo Bộ này, việc VEC tự bố trí từ nguồn vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để bố trí vốn đối ứng cho dự án là không phù hợp. Vì vậy, dự án huyết mạch giao thông này tiếp tục “đứng hình” vì vướng cơ chế tài chính và không biết đến bao giờ mới tháo gỡ xong(*).

Dự kiến cuối năm 2023, tuyến cao tốc từ Nha Trang đến TPHCM và TPHCM - Cần Thơ sẽ thông tuyến nhưng khớp nối Long Thành - Bến Lức chưa xong khiến việc lưu thông xe cộ lại phải “quá cảnh” vào các tuyến đường của TPHCM thay vì đi thẳng. Việc chậm trễ này cũng khiến cho lưu thông đến sân bay Long Thành bị trễ nhịp.

Trong khi hàng loạt dự án cao tốc thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông như Mai Sơn - quốc lộ 45 hay Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây có quy mô dài hơn và thời gian khởi công trễ hơn đều về đích hoàn thành trong năm 2023 thì cao tốc Bến Lức - Long Thành lại không kịp hòa mạng. Thật đáng tiếc!

Điều đáng tiếc hơn nữa từ việc chậm trễ thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành là gián tiếp làm mất đi cơ hội phát triển của vùng kinh tế phía Nam, hành khách và hàng hóa lưu thông từ Đông qua Tây Nam bộ tiếp tục chịu cảnh đi đường vòng qua TPHCM, làm tình trạng quá tải của quốc lộ 1 và 51 càng thêm trầm trọng.

Cơ chế vốn dĩ do con người chứ không phải do một thế lực siêu nhiên nào tạo ra. Liệu các cơ quan chức năng có liên quan trong vụ “vướng cơ chế” này đã tận lực tìm kiếm giải pháp tháo gỡ phù hợp nhất vì lợi ích chung, vì sự phát triển của vùng kinh tế phía Nam chưa? Vì sao không tìm ra những công thức tổng quát để gỡ vướng mà cứ phải nghiên cứu từng trường hợp cụ thể khiến nền kinh tế phải chịu những thiệt hại không đáng có như vậy?

(*) https://tuoitre.vn/cao-toc-ben-luc-long-thanh-dai-du-an-lang-phi-20230310090405166.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Vướng cơ chế, thực chất là cách nói “chuyền bóng/ sút bóng lên trời” mà thôi. Tất cả là do tính khả thi, năng lực điều hành, phối hợp thực thi chính sách. Tóm lại, làm sao để nhà quản lý phải là người biên kịch và đạo diễn tài ba/ nhà đầu tư là diễn viên chính thực thụ, thì mới mong thành công mỹ mãn được. Nếu cứ tư duy theo kiểu ‘thằng Bờm”, đồng nào mua muối, đồng nào mua mắm, hai năm rõ mười, thì biết bao giờ mới tăng tốc và phát triển ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới