Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

FIRE nhìn từ vụ sụp đổ của SVB

Huỳnh Thế Du

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - FIRE là từ được viết tắt của các từ Finance (tài chính), Insurance (bảo hiểm) và Real Estate (bất động sản) và nó cũng có nghĩa là lửa hoặc cháy trong tiếng Anh. Đây là một ngành kinh tế quan trọng, hoạt động liên thông giữa các cấu phần, nhưng rất nhạy cảm và ẩn chứa những rủi ro. Vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank - SVB) ở Mỹ cho thấy những vấn đề liên quan và những bài học cần rút ra.

Hiểu về FIRE

Theo Investopedia (từ điển bách khoa về đầu tư), từ viết tắt FIRE đã được sử dụng ít nhất từ ​​năm 1982, khi nó được nhắc đến trong một bài báo của Washington Post mô tả sự phát triển việc làm ở New York. FIRE được hiểu bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến tài chính ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản mà chúng gắn với các dòng tiền và liên thông với nhau. Các doanh nghiệp thuộc FIRE bao gồm: các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, hiệp hội tín dụng , công ty thẻ tín dụng, đại lý bảo hiểm, môi giới thế chấp, môi giới đầu tư, đại lý bất động sản, quỹ đầu tư... Theo thời gian, cùng với sự phát triển của một quốc gia, FIRE có vai trò ngày một quan trọng hơn.

Ở Mỹ, FIRE đã tăng trưởng đáng kể từ những năm 1980. Các doanh nghiệp này phát triển chủ yếu nhờ giá tài sản tăng và lãi suất cho các khoản nợ, và họ được hưởng lợi từ các xu hướng tài chính hóa ngày càng gia tăng. Khi giá tài sản bị ảnh hưởng, như đã xảy ra trong bong bóng nhà đất và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, FIRE sẽ bị ảnh hưởng. Khi FIRE bị ảnh hưởng, phần còn lại của nền kinh tế có thể bị vỡ nợ, kinh doanh thất bại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Hiệu ứng dây chuyền mà sự suy giảm của FIRE gây ra đối với phần còn lại của nền kinh tế cho thấy lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và bất động sản đã trở nên quan trọng như thế nào. Ngay cả các doanh nghiệp không thuộc FIRE cũng gặp khó khăn trong việc tiếp tục hoạt động do khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế và nhu cầu của người tiêu dùng giảm.

Tóm lại, FIRE có hai vai trò then chốt. Thứ nhất, kênh huy động và phân bổ nguồn vốn trong một nền kinh tế. Các tổ chức vận hành nền kinh tế tiền tệ có vai trò của nó như hệ thống tuần hoàn của một cơ thể. Thứ hai, tạo ra giá trị gia tăng và việc làm trong nền kinh tế thực. Ví dụ,  FIRE đóng góp khoảng một phần năm cho kinh tế Mỹ hiện nay.

Trái phiếu được đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp bất động sản

Trái phiếu (chứng khoán) được đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp bất động sản (mortgage-backed securities - MBS) là sản phẩm đầu tư tương tự như trái phiếu. Mỗi MBS bao gồm một gói các khoản vay mua nhà và các khoản nợ bất động sản khác được mua từ các ngân hàng đã phát hành chúng. Các nhà đầu tư vào chứng khoán đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp bất động sản nhận được các khoản thanh toán định kỳ tương tự như các khoản thanh toán lãi trái phiếu.

Có thể rút ra bài học cho các nước khác là việc tách bạch các hoạt động của các loại hình tài chính trong FIRE là hết sức quan trọng. Vấn đề này cần phải dứt khoát và nhất quán. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến các ngân hàng thương mại với nguồn vốn huy động ngắn hạn là chủ yếu.

Nguồn tiền để trả lãi và gốc cho các khoản trái phiếu này là tiền lãi và gốc mà người vay mua nhà trả. Khi nền kinh tế hoạt động ổn định thì các khoản vay mua nhà được trả đều đặn. Tuy nhiên, khi thị trường bị bóp méo giống như cuộc khủng hoảng bong bóng nhà đất và tài chính năm 2008 ở Mỹ thì rất nhiều khoản vay trở thành nợ xấu vì người vay mua nhà không có khả năng trả nợ do nợ gốc và lãi vay vượt quá khả năng chi trả của họ. Do vậy, ở quan điểm của cả nền kinh tế, việc đảm bảo thị trường MBS hoạt động ổn định, hạn chế rủi ro là hết sức quan trọng. Việt Nam cần đặc biệt lưu ý trong việc tạo dựng một thị trường MBS lành mạnh.

Sự sụp đổ của SVB và những liên quan trong FIRE

SVB là ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ với tổng tài sản vào cuối năm 2022 là gần 212 tỉ đô la, bằng hơn một nửa nền kinh tế Việt Nam và gấp khoảng 2,6 lần tổng tài sản của BIDV- ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam. Sự sụp đổ của SVB được cho rằng bắt nguồn từ chính sự thành công của nó. Chỉ trong vòng ba năm mà tổng tài sản của ngân hàng này đã tăng lên gấp hơn ba lần (cuối năm 2019 gần 57 tỉ đô la và đạt đỉnh điểm ở mức 220 tỉ đô la vào ngày 23-2-2023).

Câu chuyện bắt đầu khi tiền gửi của khách hàng vào ngân hàng này tăng vọt. Nguồn tiền gửi chủ yếu đến từ nguồn vốn thu về của các doanh nghiệp lần đầu phát hành chứng khoán ra công chúng (IPO) và mua bán sáp nhập các công ty (SPACs). SBV đã dàn xếp khoảng một nửa số vụ IPO ở Mỹ  trong khoảng hai năm qua và gần như tất cả các công ty khởi nghiệp đều có quan hệ với ngân hàng này.

Bi kịch của việc quá nhiều tiền đã xảy ra, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất tiền gửi gần như bằng 0. Với hơn 130 tỉ đô la tiền gửi tăng thêm, SVB đã sử dụng để mua trái phiếu dài hạn của Chính phủ Mỹ và chứng khoán (trái phiếu) được đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp bất động sản có kỳ hạn 10 năm với suất sinh lợi khoảng 1,8%/năm. Nếu mọi chuyện không thay đổi và lãi suất thấp thì mỗi năm SVB có thể bỏ túi vài tỉ đô la từ khoản đầu tư này.

Tuy nhiên, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để chống lạm phát, giá trị của những khoản đầu tư này đã giảm một cách nhanh chóng. Ước tính sơ bộ thì giá trị của các khoản đầu tư này giảm khoảng 10% hay giá trị tài sản hụt mất khoảng 20 tỉ đô la. Ví dụ, khi ngân hàng này bán 21 tỉ đô la chứng khoán trên đã tạo ra khoản lỗ 1,8 tỉ đô la. Khi khách hàng đổ xô đến ngân hàng rút khoảng 42 tỉ đô la thì ngân hàng này đã vỡ nợ. Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) đã tiếp quản và tiến hành các thủ tục cần thiết theo luật định sau nỗ lực tìm kiếm các doanh nghiệp vào mua lại (rót vốn) không thành.

Chúng ta có thể thấy sự liên quan mật thiết giữa hoạt động ngân hàng và chứng khoán trong tình huống này. Là ngân hàng nhận tiền gửi, nhưng hoạt động của SVB lại chủ yếu liên quan đến việc huy động vốn dài hạn của các doanh nghiệp và vốn đầu tư mạo hiểm. Điều này đã làm cho các hoạt động và các sản phẩm tài chính chồng lấn lên nhau để rồi các lỗ hổng cơ bản và rủi ro đã xảy ra. Cấu trúc và những vấn đề liên quan của SVB sẽ được mổ xẻ, nhưng ắt hẳn có rất nhiều vấn đề ở đằng sau.

Liên quan của bất động sản trong tình huống này là các  khoản trái phiếu được đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp bất động sản. Việc SVB mua khoảng 80 tỉ đô la chứng khoán này đã gây ra rủi ro kỳ hạn, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ của nó.

Những vấn đề rút ra

Yếu kém trong quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro trong bối cảnh Fed đã tăng lãi suất quá nhanh là nguyên nhân đầu tiên và thường được nhắc đến hiện nay. Đội ngũ quản lý của ngân hàng này đã bị cho rằng yếu kém, ngủ quên trên chiến thắng, đã mắc những sai lầm cơ bản trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, sự sụp đổ của SVB còn liên quan đến sự không dứt khoát và mâu thuẫn trong việc điều hành hệ thống tài chính của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng và đại suy thoái 1929-1933.

Cho dù giờ đây hệ thống tài chính đã trở nên hết sức phức tạp, nhưng nguyên nhân gây ra sụp đổ không thay đổi. Đó là các nguồn vốn huy động được đầu tư vào những tài sản có suất sinh lợi thấp hơn lãi phải trả (thậm chí là mất vốn) dẫn đến mất thanh khoản và vỡ nợ. Bài học xương máu được rút ra từ cuộc khủng hoảng 1929-1933 là các ngân hàng dùng tiền gửi đi mua cổ phiếu dẫn đến cả hệ thống sụp đổ.

Mỹ đã có nỗ lực tách riêng các hoạt động trong nhóm FIRE với luật Glass-Steagall được ban hành vào năm 1933. Tuy nhiên, mãnh lực của lợi nhuận và sự phát triển của các công cụ tài chính luôn tạo ra những vùng xám (có khi là cố tình của các doanh nghiệp) và trục trặc luôn xảy ra. Khi những quy định được nới lỏng vào thập niên 1990 dẫn đến cuộc khủng hoảng tồi tệ vào năm 2008, luật Dodd-Frank được ban hành vào năm 2010 để siết lại kỷ cương, nhưng năm 2018 lại được nới lỏng trong một nỗ lực được xem là dấu ấn quan trọng của Tổng thống Donald Trump. Kết quả dẫn đến trục trặc đang xảy ra.

Từ câu chuyện của SVB và những gì đã xảy ra, có thể rút ra bài học cho các nước khác là việc tách bạch các hoạt động của các loại hình tài chính trong FIRE là hết sức quan trọng. Vấn đề này cần phải dứt khoát và nhất quán. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến các ngân hàng thương mại với nguồn vốn huy động ngắn hạn là chủ yếu. Đối với các tổ chức tài chính, quản trị rủi ro luôn là một ưu tiên mọi lúc, mọi nơi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới