(KTSG Online) - Cắt giảm thuế, thiết lập ngưỡng giá trần và tăng cường giám sát đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu là giải pháp mà nhiều chính phủ ở châu Âu triển khai để chống lại vòng xoáy lạm phát. Vòng xoáy này đang khiến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của người dân trở nên trầm trọng nhất trong nhiều thập niên.
- Lạm phát tiền lương gây sức ép lên doanh nghiệp châu Âu
- Nhờ đâu Thụy Sĩ tránh được vòng xoáy lạm phát?
Giá thực phẩm tăng với tốc độ chưa từng thấy
Ngay cả khi lạm phát tổng thể bắt đầu hạ nhiệt thì áp lực tăng giá thực phẩm ở châu Âu chưa biến mất. Nhiều loại thực phẩm ở khu vực này tăng giá chóng mặt. Trong đó, trong tuần trước, giá đường tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên.
Các chính phủ trong khu vực đứng áp lực hành động khẩn cấp trong bối cảnh tình trạng lạm phát cao khiến nhiều gia đình vật lộn kiếm sống, dẫn đến các cuộc đình công và biểu tình trên khắp châu Âu khi người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn. Giá cả thực phẩm đắt đỏ cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự bất bình của xã hội và sự thất vọng đối với chính quyền.
Theo nhà kinh tế cấp cao Maartje Wijffelaars của ngân hàng Rabobank (Hà Lan), tại một số nước thuộc khu vực đồng tiền chung euro (eurozone), giá thực phẩm đang tăng với tốc độ chưa từng thấy kể từ sau thế chiến thứ hai.
Dữ liệu tuần trước cho thấy, lạm phát tổng thể của khu vực eurozone đã giảm xuống còn 6,9% trong tháng 3. Tại Pháp, lạm phát tổng thể cũng tăng chậm lại, còn 6,6% nhưng giá thực phẩm tăng đến 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Đức cũng ghi nhận giá cả thực phẩm tăng hơn 20% trong tháng 3 vừa qua.
Tình hình đó thúc đẩy nhiều chính phủ ở châu Âu sốt sắng triển khai các biện pháp để ghìm tốc độ tăng giá thực phẩm. Bồ Đào Nha bỏ thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng thiết yếu trong khi Pháp kêu gọi các siêu thị giảm giá bán thực phẩm còn Thụy Điển thì tăng cường giám sát các cửa hàng và siêu thị thực phẩm.
“Thật không thể tin nổi điều này đang diễn ra ở châu Âu nhưng với giá của thực phẩm tăng tới 15-20% và một số mặt hàng thậm chí còn tăng giá cao hơn, các chính phủ ngày càng lo lắng. Lạm phát thực phẩm thực sự gây tổn hại và có thể khiến cử tri tức giận khi các cuộc bầu cử sắp diễn ra”, Angel Talavera, giám đốc bộ phận kinh tế châu Âu tại Công ty tư vấn Oxford Economics nói.
Giải quyết lạm phát thực phẩm phức tạp hơn các biện pháp can thiệp vào thị trường năng lượng. Nhiều yếu tố đẩy giá thực phẩm lên cao hơn, từ hạn hán, gián đoạn dòng chảy thương mại cho đến chi phí phân bón và các dịch bệnh như cúm gia cầm. Hơn nữa, chi phí năng lượng và lao động cao hơn đang gây áp lực cho các nhà sản xuất và nuôi trồng thực phẩm.
Giảm thuế VAT về 0% đối với thực phẩm thiết yếu
Bồ Đào Nha, nơi giá thực phẩm tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, sẽ tạm thời giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) về 0% đối với rổ thực phẩm thiết yếu. Đây là nước mới nhất thực hiện hành động như vậy sau các nước như Ba Lan và Tây Ban Nha.
Ở Tây Ban Nha, biện pháp giảm thuế VTA đã áp dụng cho các mặt hàng chủ lực như bánh mì và dầu ô liu nhưng chưa đủ để ngăn chặn tốc độ tăng giá. Trong khi đó, Ba Lan có kế hoạch giữ nguyên thuế VAT bằng 0% đối với các thực phẩm thiết yếu trong nửa đầu năm nay và có thể gia hạn thêm. Chính phủ Ý lại đang xem xét giảm thuế VAT về 0% đối với các mặt hàng thực phẩm cơ bản như mì ống, bánh mì và sữa.
Giới hạn giá lương thực là một biện pháp can thiệp mạnh mẽ mà nhiều chính phủ không muốn thực hiện vì luôn có nguy cơ thể phản tác dụng. Chẳng hạn, chính phủ Hungary đã triển khai chính sách này đầu năm 2022 nhưng kể từ đó, giá thực phẩm nhanh chóng tăng thêm gần 50%.
Chính sách giới hạn giá khiến các nhà bán lẻ phải bán lỗ một số mặt hàng nhưng lại tăng giá các sản phẩm khác để bù lại. Tuần trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, các biện pháp này đã giúp giảm lạm phát nhưng thừa nhận rằng đây là một sự can thiệp nhân tạo nên đã làm xáo trộn nguồn cung.
Trong báo cáo nghiên cứu công bố hồi tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, các biện pháp ghìm tốc độ tăng giá thực phẩm như vậy không mang lại hiệu quả tối ưu vì gây tốn kém ngân sách và mang lại lợi ích cho những người không thực sự cần.
Theo các nhà kinh tế của IMF, điều quan trọng là các chính phủ phải trợ cấp tiền mặt có mục tiêu để giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Tăng cường giám sát các nhà bán lẻ
Đối với nhiều chính phủ ở châu Âu, việc tìm ra cách bảo vệ người tiêu dùng mà không làm méo mó thị trường là một nhiệm vụ khó khăn.
Tại Pháp, nơi giá thực phẩm tăng vọt, đẩy lạm phát trong tháng 2 lên mức kỷ lục kể từ khi nước này gia nhập eurozone, Tổng thống Emmanuel Macron đang chịu thêm áp lực từ các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối cải cách lương hưu.
Chính phủ của ông đã đàm phán thành công một thỏa thuận với các siêu thị để giảm giá một số mặt hàng thực phẩm về “mức thấp nhất có thể”. Các chuyên gia kinh tế ước tính, các chuỗi siêu thị có thể phải chịu tổn thất doanh thu vài trăm triệu euro trong ba tháng để thực hiện thỏa thuận này. Chính phủ Bồ Đào Nha cũng đang thương lượng với các nhà bán lẻ để họ giảm giá bán thực phẩm.
Modelo Continente, chuỗi siêu thị lớn nhất của Bồ Đào Nha, cho biết sẵn sàng chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp.
Với việc ngân sách của người tiêu dùng bị siết chặt nhưng nhiều doanh nghiệp lại được hưởng lợi nhuận tốt nhờ giá bán thực phẩm cao, một số chính phủ ở châu Âu đang tăng cường giám sát các nhà bán lẻ. Các chuỗi siêu thị ở Bồ Đào Nha là mục tiêu của các cuộc kiểm tra giá cả.
Chính phủ Tây Ban Nha tiến hành họp hàng tháng với các siêu thị, công ty vận tải và người trồng thực phẩm để đảm bảo việc cắt giảm thuế VAT sẽ giúp giá thực phẩm thực sự giảm đối với người tiêu dùng.
Tại Thụy Điển, các cửa hàng và siêu thị thực phẩm cũng chịu sự giám sát chặt chẽ hơn sau khi dữ liệu cho thấy giá thực phẩm đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu thập niên 1950. Gần đây, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Elisabeth Svantesson đã triệu tập lãnh đạo của ba chuỗi siêu thị lớn nhất nước Ica, Axfood và Coop để nhắc nhở không được tăng giá nếu không cần thiết.
Chính phủ Na Uy cũng đang thực hiện các động thái tương tự và cho biết các cơ quan lý sẽ được trao “quyền lực lớn hơn” để can thiệp nhanh chóng và mạnh mẽ đối với vấn đề cạnh tranh. Hội đồng bảo vệ người tiêu dùng Na Uy cho rằng, giá các thực phẩm thiết yếu như sữa và nước chấm ở siêu thị tăng vọt là do thị trường thiếu sự cạnh tranh.
Theo Bloomberg